Đền Thống Hả và thủ lĩnh áo vải Lương Văn Nắm.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trong những ngày này, cán bộ, nhân dân Tân Yên đang sôi nổi tìm tư liệu để hưởng ứng cuộc thi viết tìm hiểu thân thế sự nghiệp của thủ lĩnh Lương Văn Nắm. Tháng 12.2023 sắp quá đi, năm mới sắp về. Năm 2024 Bắc Giang sẽ tổ chức kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Tại Tân Yên, UBND huyện tổ chức phát động cuộc thi viết về vị thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Nông dân Yên Thế xưa…

Trên đường Nhã Nam – Bố Hạ, đoạn qua Tân Sỏi có một ngôi đền nhỏ: Đền Thống Hả. Cái tên này gợi nhớ như di tích này có liên quan đến thủ lĩnh Lương Văn Nắm…

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế kéo dài ngót 30 năm (1884 - 1913). Vị thủ lĩnh đầu tiên chặn đánh giặc Pháp tại Đức Lân – Phú Bình Thái Nguyên và tổ chức Lễ tế cờ  tại Đình Hả, Tân Trung huyện Tân Yên chính thức phát động Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế là Lương Văn Nắm và Tân Trung cũng là quê hương của ông. 8 năm lãnh đạo Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884- 1892) với những trận đánh để đời làm cho Thực dân Pháp khiếp đảm nhưng thân thế và sự nghiệp của vị thủ lĩnh này vẫn khá mở ảo. Có nhiều giai thoại về Lương Văn Nắm từ lúc sinh ra, trưởng thành, đi đánh giặc đến lúc mất trong đó có những giai thoại mang mầu sắc liêu trai…Như chuyện ông tên là Nắm, sau kiêng húy thì gọi là Gói nhưng cái tên Nắm cũng do mọi người gọi mãi mà thành. Rằng khi chồng mất, mẹ ông đưa hai con nhỏ từ quê nội về xóm Khủa thuộc làng Hả cùng xã, quê đẻ của bà. Cảnh mẹ goá con côi vô cùng khốn khó. Ngày ngày mẹ ông phải đi rừng đi rú, hoặc đi làm thuê từ sớm để kiếm gạo nuôi con. Và ngày nào cũng vậy, trước khi đi làm, bà nấu cơm và nắm mấy nắm cơm chim, gói ủ lại, cất phần cho hai anh em ông ở vành cối xay. Khi ông ngủ dậy, lấy ăn và vừa ăn vừa chạy chơi loăng quăng khắp xóm. Người làng hôm nào cũng bắt gặp ông cầm cơm nắm để ăn, mới tiện mồm gọi là "thằng Nắm". Ấy thế mà rồi thành quen, trở thành tên ông: Lương Văn Nắm. Trong 2 vị thủ lĩnh Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Hùm xám Yên Thế, nhiều bức hình của ông còn in hình con hổ phía sau. Với Lương Văn Nắm lại là con rết xanh. Chuyện rằng: Khi mới khởi binh, quân sỹ theo ông không nhiều. Một đêm nằm mơ, thấy có người tự xưng là thần của đền Am Rổ đến hứa giúp. Khi tỉnh dậy chỉ thấy một con rết rất to, người sáng lòe đang bò ở vách tường. Biết là điềm lành trời giúp, ông vội bắt con rết lấy ngọc rồi dùng dao trích ngay vào ngực bên phải để cất viên ngọc quý. Từ đó số người theo ông khởi nghĩa ngày càng đông. Ông kéo quân về làng được nhân dân hưởng ứng phong làm đề đốc, nên gọi là Đề Nắm hay Đề Hả, đứng đầu toán vũ trang ở làng Hả. Ngay cái chết của Lương Văn Nắm cũng đã tốn khá nhiều giấy mực. Có tư liệu nói rằng Phó tướng của Lương Văn Nắm là Đề Sặt vì kèn cựa vị trí thủ lĩnh với Đề Nắm đã đầu độc Lương Văn Nắm ngay tại tư dinh của mình, bằng cách mời Đề Nắm ăn bát chè có bỏ thuốc độc. Đề Nắm ăn xong về đến nhà, thấy có triệu chứng đau lạ, mới biết mình bị đầu độc. Ông cho gọi thuộc hạ thân tín đến, nói rõ Đề Sặt là kẻ ám hại, quyết định bàn giao binh quyền cho Đề Thám, và căn dặn con cháu việc chôn cất mình. Xong đâu đấy rồi bình thản ra đi. Vì thế ngày 28/11/1892 Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân đã trừng trị Đề Sặt, sau đó ngày 19/12/1892 tổ chức lễ tế cờ ở làng Đông (nay là xã Bích Sơn, Việt Yên) và trở thành thủ lĩnh thứ hai của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Lại có tư liệu cho rằng, ông bị bệnh kiết lị mà mất. Theo di nguyện Lương Văn Nắm, sợ quân Pháp tìm thấy mộ, sẽ khai quật phá huỷ (nơi đây cách đồn Luộc Hạ không xa), lễ tang ông được tổ chức vào ban đêm. Mộ phần ông được an táng tại một cánh bãi có tên là Bãi Hiệu ở xóm Quyên, làng Hả. Sau khi chôn cất xong, đất lại được san phẳng, lát cỏ trở lại như cũ, không đắp nấm. Địa điểm ấy chỉ được truyền lại cho trưởng nam các đời sau thờ cúng mà thôi. Đến đời thứ 5 là ông Lương Văn Hoè hàng năm vẫn ra thắp hương cúng giỗ. Nhưng trong một lần đi làm ăn xa, không biết ở quê nhà UBND xã lại chọn địa điểm ấy để xây dựng Trạm Y tế xã, đến khi về, tất cả đã bị san ủi và thành nhà. Đến bây giờ không biết được vị trí chính xác mộ Lương Văn Nắm ở chỗ nào nữa. Lại nữa….mấy chục năm nay Họ Lương ở Tân Trung do ông Lương Văn Niệm làm Trưởng họ vẫn xác định Cha của Lương Văn Nắm là cụ Lương Văn Kình và mẹ của ông là vợ thứ quê ở làng Hả xã Tân Trung. Trong gia phả họ Lương ở đây có ghi và như ông Niệm cho biết: Chi của cụ Lương Văn Nắm là chi thứ 5 hiện nay ở làng Đanh, xã Tân Trung. Năm Đình Hả đón nhận Bằng công nhận di tích QGĐB họ Lương tổ chức một đoàn trang trọng do ông Trưởng họ Lương Văn Niệm dẫn đầu rước lễ lên đình. 10 năm sau: Năm 2023 hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nắm cho rằng nhánh họ Lương ở Đanh không liên quan gì đến nhánh Lương ở Gia Tiến. Ra là cùng họ Lương nhưng không có quan hệ họ hàng với nhau... Thôi thì chuyện dòng họ để các ông ấy tự giải quyết.

Hậu duệ cụ Lương Văn Nắm làm lễ tại đền Thống Hả

Trước khi phất cờ khởi nghĩa tại Đình Hả và được suy tôn làm thủ lĩnh Nghĩa quân Yên Thế, Lương Văn Nắm đã được suy tôn làm thủ lĩnh một lần trước đó. Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ 19, ở Yên Thế tao loạn vì nạn giặc Cờ Đen tràn về, đi đến đâu chúng cũng cướp bóc, tàn sát cực kỳ dã man tàn bạo. Dân làng Hả họp bàn việc đánh giặc tại đình làng. Lúc đầu dân làng chia làm hai phái. Lương Văn Nắm cùng một số người can đảm thì quyết đánh, còn một số người nhát gan thì bàn chùn. Thậm chí có kẻ còn ngang ngược cản trở quyết tâm đánh giặc của dân lảng. Nhân khi tên này vạch áo thách thức: "nếu có gan thì đâm chết ta đi". Lương Văn Nắm nhận thấy đây là lúc để tỏ rõ khí phách và ý chí đánh giặc của mình, cũng là cơ hội cho bọn người hèn nhát một bài học, liền lập tức lấy con dao thịt lợn, đâm một nhát, khiến tên này chết ngay tại chỗ. Với hành động quyết liệt đó, Lương Văn Nắm đã tập hợp được nhiều trai tráng cùng mình ra đi đánh giặc. Và cũng vì thế, ông được suy tôn làm thủ lĩnh của đội quân làng Hả. Ông dẫn quân rời làng ra đi đánh giặc Cờ Đen. Đây được coi là sự kiện khởi nghiệp của Lương Văn Nắm. Nhưng Lương Văn Nắm dẫn đội quân làng Hả đi đâu trong khoảng thời gian từ đó đến 1884?

Trở lại ở Đền Thống Hả ở thôn Phú Bản, xã Tân Sỏi huyện Yên Thế. Ngôi đền có 3 gian, ngự trên đỉnh một quả đồi nhỏ. Phía trước là rừng cây, dưới chân đồi có một cái ao rộng. Cạnh đó là tuyến đê sông Sỏi uốn lượn. Ở đây đồi đất không quá cao nhưng thành dải trùng điệp, các xứ đồng không quá lớn nhưng đủ để nuôi đội quân nhiều nghìn người. Bên đường bộ có thể di chuyển về Nhã Nam, lên Cầu Gồ hoặc về Bố Hạ, sang Lạng Giang dễ dàng. Đường thủy theo sông Sỏi ra Sông Thương tại ngã ba sông ở thôn Cửa Sông xã Hợp Đức huyện Tân Yên chừng 5km khá thuận lợi. Ở Phú Bản vẫn có câu chuyện lưu truyền rằng: Cụ Thống Hả (tức Lương Văn Nắm) vào những năm có giặc Cờ Đen, đã về chiêu binh đánh giặc ở một ngôi đền, trên một quả đồi có cũ là Tài Cao hoặc đồi Vồng Dông, thuộc thôn Phú Bản (một trong ba thôn của làng Chè xã Tân Sỏi). Về sau đồi này có tên gọi là đồi Thống Hả. Sau khi tiếng súng cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế ngưng nghỉ, thực dân Pháp đốt phá tất cả những gì liên quan đến Nghĩa quân Yên Thế ở khu vực này. Ngôi đền cũng đã bị giặc Pháp triệt hạ trở thành phế

Vị trí xưa là Đấu đong quân 

tích. Thời gian qua đi, cỏ cây che lấp dần phế tích và không ai còn để ý tới. Nhưng có một sự kiện bỗng nổi lên từ khi lấy đất đồi Thống Hả để đắp đê Tân Sỏi. Bà Phạm Thị Thắng 71 tuổi ở Phú Bản cho biết: Hiện vẫn còn nhiều người chứng kiến câu chuyện xẩy ra năm đó. Khi lấy đất đắp đê ở những quả đồi liên kề đó thì không có chuyện gì xẩy ra nhưng đến quả đồi này thì máy xúc, máy ủi dù mới đến đâu, cứ đến đây đào đất là hỏng hóc. Có cái đứt gầu, có cái đứt xích, mấy cái vỡ tuyô dầu, rơi trục...mấy đội xe máy đang làm phải bỏ cuộc và đi tìm và lấy đất nơi khác. Mãi đến khi dân làm lễ xin lấy đất để làm lại đền, thì mọi việc mới hanh thông thuận lợi. Từ câu chuyện đó, người dân tìm hiểu, xem xét và phát hiện ra dấu tích của ngôi đền cổ. Hiện vật còn để lại khá nhiều như: Tảng kê cột, gạch lát, ngói âm dương, bậu cửa bằng đá... Phòng VHTT huyện Yên Thế đã giám định và xác định đó là những vật liệu xây dựng của triều Lê. Cách đền vài trăm mét còn có hai dấu tích, nhân dân vẫn gọi là "đấu đong quân". Mỗi "đấu" rộng chừng vài trăm m2 nay đã cải tạo thành ao rộng dưới chân đồi. Chắp nối lại những câu chuyện còn lưu lại, Đồi Thống Hả chính là nơi đứng chân của thủ lĩnh Lương Văn Nắm khi cầm quân đánh giặc Cờ Đen, điều này góp phần giải thích Lương Văn Nắm rất rành về địa hình dọc theo sông Sỏi và sau khi phất cờ khởi nghĩa ông lại kéo quân về đây rèn quân luyện cán và xây dựng đồn lũy dọc theo bờ sông Sỏi. Đền Thống Hả được tân tạo lại vào tháng 9 năm Quý Tỵ (2013) đúng trên nền đền cũ.

Tôn vinh truyền thống, tri ân những người có công với đất nước, năm 2024 Bắc Giang sẽ kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Xin được góp đôi lời về Đền Thống Hả thờ Lương Văn Nắm - vị thủ lĩnh đầu tiên, người đã làm lễ tế cờ, hiệu triệu nhân dân Yên Thế đứng lên đánh giặc pháp mở đầu cho cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế oai hùng.  

                                                                                  Châu Giang

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,602
Tổng số trong ngày: 622
Tổng số trong tuần: 44,828
Tổng số trong tháng: 74,644
Tổng số trong năm: 783,969
Tổng số truy cập: 2,202,473