Đình Cao Thượng - Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (huyện Yên Thế xưa nay là Tân Yên và Yên Thế) nổ ra năm 1884 kéo dài đến năm 1913. Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm quê ở làng Gia, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế (nay là làng Gia Tiến, xã Tân Trung huyện Tân Yên), tiếp đó là Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa được phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở 4 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và huyện Tân Yên. Đó là những công trình kiến trúc cổ có liên quan đến hoạt động của nghĩa quân (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy liên hoàn của nghĩa quân, tiêu biểu. Tại những khu di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa (405 hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa và hàng trăm hiện vật khác tại các di tích). Nhiều hiện vật trong số này hiện được bảo quản, trưng bày tại nhà truyền thống về cuộc khởi nghĩa tại Khu Phồn Xương, để góp phần vào công tác giáo dục truyền thống. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012). Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với 23 di tích và điểm di tích, gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Trong số này, tại huyện Tân Yên có 12 di tích và điểm di tích. 

Đình Cao Thượng – Đình cổ lưu dấu chiến trường xưa.

Đình Cao Thượng thuộc làng Cao Thượng, xã Cao Thượng huyện Tân Yên ngày nay. Xưa làng Cao Thượng thuộc xã Cao Thượng, tổng Mục Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang. Khu đất đình tọa lạc hiện nay thuộc đất xóm Đình hay còn gọi là xóm Ngoài, kề đường liên xã. Đình làng Cao Thượng phía sau dựa lưng vào núi, phía trước nhìn ra bến Ngân của con ngòi Ngân Chủ, đưa nước chảy vào sông Thương. Cùng hướng và ở sau đình là chùa Cao Thượng - Ngôi chùa này xưa là chùa trăm gian nổi tiếng sau bị Pháp đốt phá vào năm 1890. Giữa chùa và đình có một bãi rộng phẳng gọi là Bãi Chợ. Chợ này bị chuyển về nơi khác khi lập phủ Yên Thế. Do có chợ ở đây nên đình Cao Thượng cũng còn gọi là đình Chợ.

Tuy chưa tìm thấy niên hiệu dựng định chính xác nhưng các tài liệu đã xác định đây là công trình kiến trúc của thế kỷ XVII- Cách nay khoảng 300 năm. Truyền tích kể lại rằng: Vào thời Lê xã Cao Thượng có hai làng: Làng Đầu Cầu và làng Cao Thượng. Hai làng làm ăn phát đạt đã cùng nhau dựng đình. Người Cao Thượng đã mua gỗ từ Thanh Hoá về làm đình. Gỗ đóng bè ngược sông Thương rồi kéo theo dòng ngòi Ngân Chử về làng. Đến làng Hậu (còn gọi là làng Vường) bên núi Dành thì nước cạn. Dân làng Hậu đô ra giúp dân làng Cao Thượng đưa gỗ về làng. Từ đó hai làng kết ưốc với nhau và coi nhau như anh em ruột thịt, gắn bó giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, lúc khó khăn... Khi đã có gỗ, Dân Cao Thượng đón bồn hiệp thợ vùng xuôi lên làm đình. Đình dựng lên gồm 5 gian 2 dĩ, cao to bề thế nhất vùng Yên Thê Hạ. Bên trong chạm khắc cầu kỳ. tinh tế. đẹp đẽ ít nơi nào theo kịp, xứng danh hai chữ "Cao Thượng". Đình Cao Thượng dựng lên to dẹp. bể thế. Mái lợp ngói mũi hài, bốn đao cong rất đẹp. Đây là nơi thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh. Hàng năm. Ở đình mở chợ âm dương vào ngày mồng 2 tết âm lịch. Lại có tục tế lợn đen việc phụng thờ thành hoàng được biểu dương vào hai kỳ hội lệ. Đó là ngày 12, 13, 14 tháng giêng âm lịch và ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.


Từ ngày 12 đến 14 tháng giêng hai làng Đầu cầu và Cao Thượng đến mở hội suốt ba ngày. Rước thánh từ đình Chanh và đình Trên về đình Chợ (đình Cao Thượng) tổ chức tế lễ thành hoàng.

Trong thời gian Khởi nghĩa  nông dân ên Thế, nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có quan hệ rất chặt chẽ với làng Cao Thượng. Bởi thế Đề Thám đã cho lập căn cứ ở trên núi Yên Ngựa, kề làng Cao Thượng. Năm 1890, thực dân Pháp dò biết ở núi có nghĩa quân Yên Thế nên đã tổ chức lực lượng tấn công. Trận đánh giữa thực dân Pháp với nghĩa quân diễn ra rất ác liệt. Quân Pháp nã đại bác liên tục vào núi rồi xung phong đánh vào. Tất cả các cuộc tấn công ấy đều bị đánh bật ra. Quân Pháp phải tăng cường quân cứu viện từ Bố Hạ sang hỗ trợ. Đề Thám biết tin chỉ để một lực lượng nhỏ ở núi Yên Ngựa cầm cự, cho một lực lượng lớn chuyển đi đánh quân tiếp viện. Đội quân tiếp viện đó bị thất nặng ở Luộc Hạ. Sau chiến thắng, Đề Thám cho quân số ở núi Yên ngựa rút lui an toàn, quân Pháp khi vào được Cao Thượng chỉ còn trận địa không, điên cuồng chúng đốt phá đình, chùa và núi Yên Ngựa. Ngôi chùa trăm gian vì thế bị tiêu huỷ. Còn ngôi đình, dân Cao Thượng đổ ra cứu được nên không bị cháy. Song trong đình còn rất nhiều vết dạn găm trên cột cái, xà, kẻ... Sau này, khi cuộc hoà hoãn lần hai giữa Đề Thám và quân Pháp diễn ra (1897-1909) Đề Thám đã giúp dân Cao Thượng tu sửa lại đình và dựng lại ngôi chùa. Ngày hội, nghĩa quân cũng thường về dự góp vui.

Trải mấy trăm năm đình Cao Thượng vẫn còn gần như nguyên mẫu và dấu xưa của nghĩa quân Yên Thế đánh giặc Pháp vẫn còn lưu lại nơi đây.

Đi chợ âm dương đình Cao Thượng 

CG

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,179
Tổng số trong ngày: 14,645
Tổng số trong tuần: 42,759
Tổng số trong tháng: 72,575
Tổng số trong năm: 781,900
Tổng số truy cập: 2,200,403