Đình Dương Lâm - Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (huyện Yên Thế xưa nay là Tân Yên và Yên Thế) nổ ra năm 1884 kéo dài đến năm 1913. Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm quê ở làng Gia, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế (nay là làng Gia Tiến, xã Tân Trung huyện Tân Yên), tiếp đó là Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa được phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở 4 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và huyện Tân Yên. Đó là những công trình kiến trúc cổ có liên quan đến hoạt động của nghĩa quân (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy liên hoàn của nghĩa quân, tiêu biểu. Tại những khu di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa (405 hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa và hàng trăm hiện vật khác tại các di tích). Nhiều hiện vật trong số này hiện được bảo quản, trưng bày tại nhà truyền thống về cuộc khởi nghĩa tại Khu Phồn Xương, để góp phần vào công tác giáo dục truyền thống. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012). Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với 23 di tích và điểm di tích, gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Trong số này, tại huyện Tân Yên có 12 di tích và điểm di tích. 

Đình Dương Lâm –Miền quê của những người trung nghĩa

Đình Dương Lâm được xây dựng trên một khu đất ráo đẹp đẽ của làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên. Đây là ngôi đình cổ thời Lê, xưa tọa lạc ở khu đất Bãi Đình. Vì lý do giặc giã nhiều, nên Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã bàn với dân làng di chuyển đình về khu đất giữa làng như hiện nay, để tiện trông nom và cũng dễ bề hoạt động.

Dương Lâm cũng là quê hương Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn, Dương Đình Cúc thời Lê - Mạc, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Trong đó Dương Đình Cúc dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn, ngay tại đình làng mình. Ông kéo quân lên xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở núi Hàm Rồng thuộc Đức Lân, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vào năm 1826. Nghĩa quân đã hoạt động khắp các huyện Yên Thế, Hữu Lũng, Võ Nhai, Phú Bình, tổ chức nhiều cuộc đánh du kích làm quân triều đình khốn đốn. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 20 năm. Mùa xuân năm 1846 Đề Cúc và các tướng lĩnh về dự hội làng Lềnh ở chân núi Hàm Rồng thị bị quân triều đình phục kích, hai bên đánh nhau quyết liệt hai tướng của Dương Đình Cúc bị chết, ông bị thương, chạy đến đầu làng Lan Thượng thì bị chết. Dân làng thương tiếc an táng ông về lập miếu thờ gọi là Dương Đình Cúc. Sau đời Dương Đình Cúc khởi nghĩa, làng Dương Lâm nổi lên ông Dương Văn Hậu (còn gọi là cụ Cai Hậu) là người giúp Hoàng Hoa Thám rất đắc lực từ 1885-1895. Truyền tích về cụ Cai Hậu còn rất nhiều ở Dương Lâm. Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao rồi đi nơi khác. Đến nay dấu vết vẫn còn. Suốt trong cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp  kéo dài 30 năm trời, nhiều trai làng Dương Lâm đã ra nhập nghĩa quân Yên Thế như: Dương Văn Cảnh, Dương Văn Hành, Dương Văn Đôi, Dương Văn Vạn... lập nhiều chiến công ở trận Trại Cốt (Yên Thế) Yên Phụ (Yên Phong) Đông Lỗ (Hiệp Hoà) Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế)... Trong những năm tháng ấy, đình Dương Lâm là nơi đi về của nghĩa quân. Làng Dương Lâm vẫn là pháo đài vững chắc của nghĩa quân Yên Thế ngay trước dinh phủ của Pháp và tay sai ở Nhã Nam. Cũng trong thời gian ấy, Đề Thám đã gửi con trai cả của mình đến Dương Lâm học cụ Cai Hậu. Điều đó chứng tỏ tình cảm rất thân thiết giữa nghĩa quân với làng Dương Lâm. Từ khi đình chuyển về giữa làng, Đề Thám lại cùng cụ Cai Hậu đã trồng cây Dã Hương ở trước sân đình làm kỷ niệm. Cây Dã Hương sau này trở thành cây cổ thụ toả bóng mát che nắng cho dân làng và ru mãi những bài ca đẹp về lịch sử làng Dương Lâm. Đáng tiếc là nó đã không còn trong năm gần đây.

Do không làm gì nổi nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp và tay sai kéo về Dương Lâm tra khảo cụ Cai Hậu. Song vốn là người gan góc nhất làng và hết lòng vì nghĩa quân Yên Thế, chúng đã không khuất phục được con người của cụ Cai Hậu.
Thời kỳ hoà hoãn lần thứ hai với thực dân Pháp (1897-1909) cụ Đề Thám thường về thăm Dương Lâm, thăm đình Dương Lâm với một tình cảm đặc biệt.
Đình Dương Lâm chứa đựng những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử đáng trân trọng là biểu tượng đẹp đẽ của Dương Lâm và là nơi tưởng niệm các anh linh đã vì mảnh đất này mà gây dựng, mà chiến đấu.

Hội đình Dương Lâm, An Dương

CG

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,681
Tổng số trong ngày: 15,702
Tổng số trong tuần: 43,816
Tổng số trong tháng: 73,632
Tổng số trong năm: 782,957
Tổng số truy cập: 2,201,461