Đình Vồng - Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (huyện Yên Thế xưa nay là Tân Yên và Yên Thế) nổ ra năm 1884 kéo dài đến năm 1913. Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm quê ở làng Gia, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế (nay là làng Gia Tiến, xã Tân Trung huyện Tân Yên), tiếp đó là Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa được phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở 4 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và huyện Tân Yên. Đó là những công trình kiến trúc cổ có liên quan đến hoạt động của nghĩa quân (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy liên hoàn của nghĩa quân, tiêu biểu. Tại những khu di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa (405 hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa và hàng trăm hiện vật khác tại các di tích). Nhiều hiện vật trong số này hiện được bảo quản, trưng bày tại nhà truyền thống về cuộc khởi nghĩa tại Khu Phồn Xương, để góp phần vào công tác giáo dục truyền thống. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012). Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với 23 di tích và điểm di tích, gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Trong số này, tại huyện Tân Yên có 12 di tích và điểm di tích. 

 

Đình, chùa Vồng – tâm điểm vùng đất Vân Cầu chí tráng

Mỗi vùng đất đều mang trong mình một truyền thống văn hóa - lịch sử,  Tân Yên - miền Yên Thế hạ cũng là như vậy. Từ rất lâu vùng đất này đã nổi danh với với câu phương ngôn “Trai cầu vồng Yên Thế”. Dấu ấn đang được lưu giữ tại Cụm di tích đình, chùa Vồng, được xây dựng thời hậu Lê thế kỉ 17. Cụm di tích gồm có đình, chùa, nghè, đền Vồng, bài trí theo lối tiền thần hậu phật, quay mặt về hướng Nam. Nơi đây thờ thần Cao Sơn - Quý Minh, 18 vị quận công dòng họ Dương, thờ vua Bà và thờ phật. Phía trước cụm di tích là con ngòi Vồng uốn khúc, phía sau là rừng Vồng. Theo quan niệm về phong thủy, đây là thế đất đẹp hội tụ được linh khí của trời đất, sông núi. Chính vì vậy, các tướng lĩnh triều đình, trong đó có Tôn Thất Thuyết, và sau này Hoàng Hoa Thám - thủ lĩnh Nghĩa quân Yên Thế đều về đây làm lễ tế cờ trước khi xuất trận.

Để hiểu hơn về vùng đất, con người nơi đây, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử. Từ xa xưa vùng đất này thuộc tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế, nay là xã Song Vân, huyện Tân Yên. Vào thế kỉ 16, nhà Lê dần suy yếu, Mạc Đăng Dung nổi lên lập vương triều nhà Mạc. Chiến tranh Lê - Mạc dằng dai liên miên. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, có thể ví như “Nồi da nầu thịt”. Thời kì này nhà Mạc coi trọng việc tuyển chọn người tài, trí giúp vua trị vì đất nước. Tại Vân Cầu có nhiều nhân tài được nhà Mạc trọng dụng, tiêu biểu là 18 vị Quận công dòng họ Dương.

Đến nay, dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về chàng trai họ Dương giỏi võ, quả cảm vượt qua cuộc thi tài kén chồng của cô gái họ Cao ở Làng Lim  xinh đẹp, rồi họ nên vợ nên chồng. Đó chính là Thượng tổ Quận công Dương Quốc Nghĩa và phu nhân Cao Xuân Lộc.  Ngày ấy, để tìm kiếm người tài nhà Mạc đã cho dựng đài tỉ võ ở ngoại thành Thăng Long, cho truyền tin đi khắp nơi. Vùng Vân Cầu khi đó có 3 cha con họ Dương giỏi võ nghệ, trong một lần chuyển lương về thành, nghe tin đã cùng nhau đến trường tỉ võ ứng thí. Cả ba đều đạt giải cao. Vua Mạc gia phong là Quận công, lại giao cờ, kiếm, cho cầm quân đi giết giặc. Với đường kiếm, tay cung lợi hại, ba cha con đánh thắng liên tiếp, lập được nhiều chiến công. Trong một trận chiến ác liệt, Dương Quốc Nghĩa bị giặc vây hãm. Cao Phu Minh hay tin tới giúp chồng, nhưng sức người chỉ có hạn nên cuối cùng Dương Quốc Nghĩa tử thương, và Cao Xuân Lộc gieo mình xuống giếng Vồng, giữ tròn bốn chữ: trung, trinh, tiết, nghĩa, vẹn lòng chung thủy. Câu chuyện cuộc đời của chàng trai họ Dương và cô gái họ Cao thực sự đã lay động cả đất trờì.  Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh hết mình vì quê hương, đất nước. Họ đã yêu, yêu say đắm cho đến tận cùng “trọn nghĩa vẹn tình”. Dòng thời gian có thể vô tình trôi đi, có những điều rồi sẽ đi vào quên lãng, nhưng những người con trí dũng, thủy chung của mảnh đất này sẽ còn sống mãi. Bởi chính họ đã tạc nên biểu tượng sáng ngời, bất tử  về vẻ đẹp của họ trong câu phương ngôn“Trai Cầu Vồng Yên Thế, Gái Nội Duệ Cầu Lim”.  

Trải theo vương triều nhà Mạc, dòng họ Dương tại Vân Cầu đã được phong 18 vị Quận công, thờ tại đình Vồng. Khí phách, tiếng tăm của 18 vị Quận công được người dân ghi nhận qua vế đối trong đình.

Vạn cổ anh linh truyền Bắc địa

Nhất gia dũng lược chấn Nam Bang.

Khi nhà Nguyễn suy vong, ở Vân Cầu diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình của những nông dân yêu nước tiêu biểu như khởi nghĩa Tạ Văn Thái, Giáp Văn Trận. Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, đất Vân Cầu là một trong những vị trí nghĩa quân Yên Thế đóng quân. Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, phần lớn các tướng lĩnh đắc lực, những bộ tham mưu chính cho Hoàng Hoa Thám đều là người Vân Cầu, đó là ông Tạ Văn Khấu (tức Thống Ngò, rồi Đề Công, Đề Cấn, Đề Nguyên….Mới có câu:

“Ai về thăm đất Cầu Vồng; Hỏi thăm Thống Thái - Đề Công lẫy lừng”

Với những giá trị lịch sử và bề dày văn hóa, năm 2012 Cụm di tích Đình, chùa Vồng là 1 trong 12 di tích trên địa bàn huyện Tân Yên được bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2015 Lễ hội Đình Vồng được cộng nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cây thị được công nhận là cây di sản với trên 300 năm tuổi.

CG

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,547
Tổng số trong ngày: 14,339
Tổng số trong tuần: 42,453
Tổng số trong tháng: 72,269
Tổng số trong năm: 781,594
Tổng số truy cập: 2,200,098