Đơn vị hành chính cấp xã của huyện Tân Yên

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Tân Yên là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc và cách thành phố Bắc Giang 15km, diện tích tự nhiên là 208,30 km2, dân số hiện nay khoảng 180.000 người sinh sống ở 22 đơn vị hành chính cấp xã gồm 2 thị trấn và 20 xã với 317 Tổ dân phố và thôn.

1.Thị trấn Nhã Nam là thị trấn miền núi của huyện Tân Yên.
Là địa danh cổ với trên: Làng Nhã Nam, xã, tổng Nhã Nam, nhưng thị trấn Nhã Nam xuất hiện muộn. Nghị định số 483-NV/ND-TT của Bộ Nội vụ quyết định lành lập thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế. Ngày 6/11/1957 khi chia tách huyện Yên Thế thành Yên Thế và Tân Yên, thị trấn Nhã nam thuộc huyện Tân Yên. Ngày 5/8/1978 thị trấn Nhã Nam nhập vào xã Nhã Nam. Ngày 20.2. 2003 Chính phủ ra Ngị định số 16/2003/NĐ-CP thành lập thị trấn Nhã Nam.  Ngày 01/3/2020, thực hiện Nghị quyết 813 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáp nhập xã Nhã Nam vào Thị trấn Nhã Nam.

Thị trấn Nhã Nam cách trung tâm huyện lỵ 7 km về phía đông nam; cách trung tâm thành phố Bắc Giang 23 km. Diện tích đất tự nhiên 5,59 km2;  dân số 8.303 người; phân bố hành chính gồm 17 tổ dân phố:  Bãi Ban, Tiến Điều , Cường Thịnh, Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2, Tiến Phan 1, Tiến Phan 2, Chùa Nguộn, Phúc Thành, Tiến Trại, Lao động, Tiến Thắng, Tân Hòa, Tân Quang, Bùng, Bài, Cầu Thượng,
Là một trong 2 thị trấn của huyện Tân Yên, Nhã Nam không chỉ là trung tâm kinh tế dịch vụ thương mại mà còn đậm đặc hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng với 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Nông dân Yên thế, 1 cấp quốc gia, 2 cấp tỉnh và Khu di tích K12  là nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân.
 2. Xã An Dương,

Xã An Dương nằm ở phía tây bắc, cách trung tâm huyện lỵ Tân Yên khoảng 6 km. Tổng diện tích tự nhiên là 11,13km2. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 604,00 ha ha, đất lâm nghiệp 152,53 ha ha.

Trước Cách mạng tháng 8, An Dương ngày nay thuộc về  xã Dương Lâm và Yên Lễ. Sau Cách mạng tháng 8 chính thức sáp nhập thành xã An Dương. Đến năm 1955 chia tách ra hai xã Hồng Phong và Hùng Tiến. Năm 1973 lại đổi tên thành Dương Lâm và Yên Lễ. Năm 1978 tiếp tục sáp nhập thành xã An Dương cho tới nay. Hiện nay An Dương có 19 thôn:  Hạ, Non, Tân Lập, Chợ, Giữa, Bãi Đình, Dương Lâm, Đồng Ván, Gạc, Minh tân, Đụn 2, Đụn 3, Bùng, Tiêu, Am Ngàn, Ngàn Ván, Mai Châu, Đèo, Cầm. Dân số của An Dương có 8. 020 người  với 2. 080 hộ gia đình trong đó có  300 hộ công giáo. Kinh tế chủ yếu làm lúa mầu, cây ăn quả và thủy sản.

Xã An Dương đã về đích xây dựng nông thôn mới năm 2019.

3. Xã Cao Xá: Xã được hình thành năm 1945 từ xã Ngô Xá, xã Lăng Cao, làng Yên, làng Dinh của tổng Yên Lễ hợp thành xã Vinh Quang huyện Yên Thế sau đó là huyện Tân Yên. Năm 1970 đổi thành xã Cao Xá. Là xã miền núi nằm ở phía tây của huyện Tân Yên cách huyện lỵ khoảng 1km. Tổng diện tích là 15,12km2. Xã có 25 thôn: Yên, Dĩnh Miễu, Dinh Thẳm, Cầu Tẩy, Đức Hiệu, Xuân Tân 1, Xuân Tân 2, Na Gu, Vàng, Hậu, Đồng Lời, Châu Nghe, Hà Am, Tiền, Nguộn A, Nguộn B, Trung Lương, Ngọc Yên Ngoài, Chợ, Thượng, Trung, Hạ, Trại, Ngoài, Ngọc Yên. Dân số 12.965 người.

Xã Cao Xá có ba đường giao thông chính chạy qua là: Đường Quốc lộ 17 chạy theo chiều Bắc - Nam có chiều dài khoảng 2.5km. Đường tỉnh 298 chạy theo chiều Bắc - Nam có chiều dài khoảng 3.9km. Đường tỉnh 295 chạy theo chiều Đông - Tây có chiều dài khoảng 1,5km. Đường huyện chạy từ Trụ sở UBND xã Cao Xá đến xã An Dương có chiều dài khoảng 3.3 km.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Cao Xá đã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Phấn đấu đến năm 2023, hoàn thành xây dựng các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

 

4. Đại Hoá:

Xã miền núi, nằm phía tây bắc huyện Tân Yên, cách trung tâm huyện 13 km. Diện tích tự nhiên 5,01km2, dân số  là 5.344 người, 1.310 hộ phân bố ở 9 thôn:  Đọ, Chúc, Vàng Ve, Liên Cao, Đồi Chính, Quang Lâm, Đồi Vàng, Ngò Chè và Phú Thành.

Người xưa truyền lại: Vào thời hậu Lê, có một thủ lĩnh dẫn đoàn dân binh đi qua vùng này đã cho dừng lại chia thành các cụm cắm trại khai phá đất hoang để làm ăn sinh sống nên gọi là “Trại Hoá”. Dân cư dần đông đúc lên một số làng được thành lập như; làng Chúc Láng, làng Đầu, làng Dinh, làng Thần, làng Lái, làng Đọ. Đại Hoá là tên gọi từ Trại Hoá mà ra. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền mới của Nhân dân ra đời, vùng đất này hợp cùng hai xã là Lan Giới và Giản Ngoại thành một xã lấy tên là Quang Trung. Tháng 10 năm 1953 xã Quang Trung được chia thành hai xã chính là Quang Trung (tức Đại Hóa), Chiến Thắng (tức Lan Giới) và một phần lớn về xã Quang Tiến hiện nay. Cuối năm 1970 xã Quang Trung được đổi lại tên cội nguồn là xã Đại Hóa. Năm 2018 xã Đại Hóa đã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

5.Xã Hợp Đức: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phần đất của Hợp Đức  hiện nay thuộc hai tổng là Tổng Mục Sơn, Tổng Tuy Lộc Sơn. Sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội tháng 1 năm 1946, thực hiện chủ trương thành lập xã mới, xã Hợp Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã cũ là xã Hòa Mục, xã Lục Liễu (thuộc Tổng Mục Sơn trước đây), xã Tưởng Sơn (thuộc Tổng Tuy Lộc Sơn trước đây) và lấy tên là xã Hợp Đức. Tên xã Hợp Đức,  chữ "Hợp" tức là hợp nhất các xã cũ lại; "Đức" là lấy tên con sông Nhật Đức, nay là sông Thương.

Xã Hợp Đức cách trung tâm huyện lỵ 4 km về phía Đông, diện tích đất tự nhiên là 9,77 km2. Dân số 7.910 người phân bố ở 10 thôn: Tiến Sơn, Quất, Trung, Tân Hòa, Hòa An, Lục Liễu Dưới, Lục Liễu Trên, Lò Nồi, Cửa Sông, Hòa Minh. Trong đó có  thôn Lò Nồi theo đạo Công giáo. Đặc sản nổi tiếng của địa phương là Vú sữa Cửa Sông. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vú sữa Tân Yên”.  

Hợp Đức là nơi phát tích phong trào Cô Tấm vào hội. Năm 2019 xã Hợp Đức đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2021 xã tiếp tục được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

 

6. Xã Lam Cốt: Thành lập ngày 8 tháng 11 năm 1953, được tách ra từ xã Phúc Sơn, lấy tên là xã Tân Sơn. Ngày 25/4/1969, Chính phủ có Quyết định cho đổi tên xã Tân Sơn trở lại tên xã Lam Cốt như trước năm 1945.

 Diện tích tự nhiên là 9,14 km2. Toàn xã 2.186 hộ và 8.387 nhân khẩu phân bố ở 19 thôn: Thôn Tân Lập, Bài Giữa, Đồng Vàng, Đông Thành,  Vân Chung, Tân An, Đông An, Chản, Đồng Lạng, An Liễu, Vân Thành, Me Điền,Kép Thượng, Đồng Thờm, Ngo, Lam Sơn, Tân Thành,Trung Thành, Kép Vàng.

Ngày 10/4/2001 Nhân dân và cán bộ xã Lam Cốt đã được Đảng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Năm 2018 xã Lam Cốt đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

 

7. Xã Lan Giới: Là vùng đất được hình thành và phát triển từ rất sớm. Trước cách mạng tháng tám năm 1945, vùng đất này thuộc xã Giản Ngoại, tổng Lan Giới. Sau cách mạng tháng tám thuộc xã Quang Trung. Tháng 10/1953 xã Quang Trung chia tách thành 3 xã: Quang Trung, Quang Tiến, Chiến Thắng. Tháng 1/1969 xã Chiến Thắng đổi tên thành xã Lan Giới. Hiện nay Lan Giới có diện tích tự nhiên là 5,62 km2, với 1.116 hộ, tổng dân số là 4.116 người phân bố ở 8 thôn: Ngòi Lan, Chính Lan, Bình Minh, Bãi Trại, Đồn Hậu, Đá Ong, Chính Thễ, Phố Thễ. Vùng quê này vào Triều Mạc có ông Dương Thận Huy đỗ Tiến sỹ là một trong 4 vị tiến sỹ của huyện Yên Thế cũ.

Năm 2019 xã Lan Giới đạt chuẩn nông thôn mới.

8. Xã Liên Chung: Sau cách mạng tháng 8/1945 xã Hoà Bình được thành lập đến tháng 5/1973 đổi tên là xã Liên Chung. Là xã miền núi, Liên Chung cách trung tâm huyện Tân Yên khoảng 7,0 km về phía Đông - Nam. Tổng diên tích đất tự nhiên là 12,06 km2. Tính đến cuối tháng 5/2022, dân số cả xã là 2.015 hộ, 7.877 nhân khẩu, được phân bố ở 10 thôn: Hương, Nguộn, Xuân Tiến, Hậu, Sấu, Bến, Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Lãn Tranh 3, Liên Bộ.

Tại Liên Chung có ông Nguyễn Vĩnh Trinh đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547) vào thời Mạc niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất – Một trong 4 vị tiến sỹ của huyện Yên Thế xưa. Vùng quê có nhiều đặc sản nổi tiếng, đó là hành tỏi (năm 2020 hành tía đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa), Nem nướng đã được công nhân sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021và Sâm Nam Núi Dành Liên Chung.
Năm 2020, xã Liên Chung đã về đích nông thôn mới và hiện nay đang xây dựng và hoàn thành các tiêu chí đạt nông thôn mới nâng cao.
 

9.Xã Liên Sơn: Là một xã nằm ở phía Bắc của huyện Tân Yên. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Liên Sơn thuộc Tổng Mục Sơn, sau năm 1945 đến trước năm 1954 là một bộ phận của xã Cương Lập (nay là thị trấn Cao Thượng), cuối năm 1954 tách ra thành xã Liên Sơn cách trung tâm huyện 3,5 km. Diện tích tự nhiên là 7,67 km2, dân số 6.272 nhân khẩu với 1.713 hộ gia đình phân bổ ở 7 thôn: Thượng Đồn, Sắt, Đình Chùa, Chung, Chiềng, Dương Sơn, Chấn Sơn.  

Đây là quê hương của Tiến sỹ Phùng Trạm đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang 7 (1574) đời Mạc Mậu Hợp. Tại đây còn có tục nói Khuếch tại làng Dương Sơn và hội quán “Điếm Dương Sơn” là nơi mọi người tụ họp bình văn, kể chuyện nói khoác.

Năm 2014 xã Liên Sơn đã về đích xây dựng nông thôn mới.

 

10.Xã Ngọc Châu: Là xã miền núi thuộc huyện Tân Yên. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hợp nhất 3 xã Ngọc Châu, Ngọc Cục thuộc tổng Ngọc Cục và Khánh Giàng thuộc tổng Yên Lễ, Phủ Yên Thế thành một xã lấy tên là xã Quang Minh, huyện Yên Thế. Ngày 6 tháng 11 năm 1957, huyện Yên Thế được chia thành hai huyện là Yên Thế và Tân Yên, xã Quang Minh thuộc huyện Tân Yên. Năm 1971, xã Quang Minh đổi tên thành xã Ngọc Châu. Ngọc Châu có diện tích tự nhiên là 10,8km2. Đến ngày 31/12/2020, xã có 1.925 hộ với 8.124 khẩu, sinh sống ở 12 thôn. Bình An, Bằng Cục, Tân Minh, Ngọc Lợi, Quang Châu, Tân Phú, Cầu Xi, Châu Sơn, Khánh Ninh, Trại Mới, Tân Trung, Trung Đồng.

Ngọc Châu có nhiều di tích lịch sử nổi bật, trong đó phải kể đến Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám thôn Quang Châu.

Năm 2018 xã Ngọc Châu được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2022 được công nhận xã NTM nâng cao.

 

11. Xã Ngọc Lý: Địa danh Ngọc Lý có từ lâu đời. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, miền đất này là xã Ngọc Lý, thuộc tổng Ngọc Cục, Phủ Yên Thế. Năm 1957 khi thành lập huyện Tân Yên vẫn lấy tên là Ngọc Lý. Nằm về phía nam huyện Tân Yên, Ngọc Lý cách trung tâm huyện 4,5 km. Diện tích đất tự nhiên là 9,11 km2.  Toàn xã có  2.023 hộ, 8.975 khẩu ở 12 thôn: Lý 1, Lý 2, Đồi Rồng, Sỏi Máng, Sỏi Làng, An Lập, Ba Mô, Tân Lập, Cầu Đồng 9, Cầu Đồng 10, Làng Đồng, Đồng Lim.

Ngọc Lý là xã đầu tiên của huyện Tân Yên tiến hành xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đỉnh đồi Chùa Đồng cũ năm 1970. Phong trào làm nhà bia Liệt sỹ sau lan ra toàn huyện. Năm 2015 Ngọc Lý được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2022 đạt xã NTM nâng cao.

 

12. Xã Ngọc Thiện: Trước cách mạng tháng 8/1945 là các xã Ngọc Nham, Ngọc Sơn, Ngọc Cục thuộc Tổng Ngọc Cục. Sau cách mạng tháng 8.1945 bỏ Tổng và sáp nhập 3 xã trên. Giữ lại chữ Ngọc, bỏ chữ Cục thay bằng chữ Thiện ý mong muốn chỉ làm việc thiện và xã Ngọc Thiện ra đời. Ngày 5/8/1978 theo QĐ 13/QĐ- BT của Bộ trưởng phủ Thủ tướng, làng Hương xã Ngọc Lý sáp nhập vào xã Ngọc Thiện. Diện tích tự nhiên là 13,92 km2. Tổng số nhân khẩu hiện nay là: 14.580 khẩu, 3.625 hộ ở 27 thôn:  Cầu Yêu, Cả, Tam Hà, Chè, Bỉ, Đồng Lạng, Thọ Điền 1, Ải, Núi Tán, Đồi Mạ, Tam Bình, Ngọc Sơn, Đồng Lầm, Trại Rừng, Kim Sa, Ngọc Lĩnh, Hương, Hàm Rồng, Đồi Giềng, Trung, Đồng Long, Tân Lập, Mỗ, bãi Dinh, Thọ Điền 2, Đồng.  

Năm 1999, Ngọc Thiện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu xã anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 10/2019, Ngọc Thiện vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

13. Xã Ngọc Vân: Tên lúc mới hình thành là xã Thúy Cầu xuất hiện khá sớm, thuộc tổng Vân Cầu, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Trong Cách mạng tháng Tám, trên đất Thúy Cầu hình thành ra hai xã, một xã vẫn là Thúy Cầu và một xã là Ngọc Vân. Sau đó, Ngọc Vân và Thúy Cầu sáp nhập vào thành xã Thúy Cờ. Đầu năm 1946, Thúy Cờ sáp nhập với Ngọc Cụ và Vân Cầu thành một xã mới lấy tên là Hồng Kiều. Tháng 10 năm 1954, Hồng Kiều tách ra làm 3 xã: Ngọc Vân, Việt Ngọc và Song Vân.

 

Xã Ngọc Vân hiện nay có diện tích tự nhiên là 10,8 km2. Đến tháng 6 năm 2022, dân số của xã là 10.300 người sinh sống ở 18 thôn: Suối Chính, Đồng Bông, Đồng Nội, Làng Thị, Đồng Cạn, Làng Sai, Hợp Tiến, Đồng Trống, Núi Ính, Đồng Khanh, Cầu Mới, Vân Lập, Đồng Sùng, Lương Tân, Thúy Cầu, Hội Phú, Đồng Hội, Đồng Cờ

Ngày 5 tháng 8 năm 2019, Ngọc Vân vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

14. Xã Phúc Hòa: Là vùng đất cổ, được hình thành từ các xã: Phúc Đình, Phúc Lễ thuộc tổng Hữu Thượng, xã Quất Du, Hòa Làng thuộc tổng Mục Sơn, Phủ Yên Thế. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến năm 1946 sáp nhập 4 xã trên, lấy tên là xã Phúc Hòa và ổn định cho đến nay. Diện tích đất tự nhiên 10,85 km2 với  2.053 hộ với gần 7.000 nhân khẩu phân bố ở  11 thôn: Lân Thịnh, Quất Du 1, Quất Du 2, Thái Hòa, Hòa Làng, Cả Am, Cạng, Vối, Phúc Đình, Đìa, Phúc Lễ. 

Phúc Hòa nằm ở phía đông bắc của huyện, địa hình bán sơn địa ruộng ít, đồi nhiều. Từ những năm 1990, Phúc Hòa tập trung phát triển cây vải thiều sau đó là cây vải sớm và hiện nay là vùng vải sớm tập trung lớn nhất của huyện Tân Yên. Ngày 16/5/2012, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và Công nghệ đã có Quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa vải sớm Phúc Hòa. Cũng từ năm 2012 Phúc Hòa bắt đầu sản xuất vải sớm theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019 làm theo quy trình Global GAP. Từ 400 ha vải sớm những năm 2012, đến nay Phúc Hòa nâng lên trên 600 ha vải sớm tập trung và hầu hết đều đã làm theo tiểu chuẩn VietGAP. Đã có 30 ha vải sớm theo quy trình Global GAP. Mỗi vụ sản lượng vải sớm Phúc Hòa đạt trên 10.000 tấn và mỗi năm Vải sớm Phúc Hòa đem về cho những người trồng vải hàng trăm tỷ đồng. Ngoài vải sớm, Phúc Hòa cũng phát triển mạnh về cây ổi lê. Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và Công nghệ cũng đã có Quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa Ổi Lê Tân Yên

Năm 2016 xã Phúc Hòa  được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022 đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

 

15.Xã Phúc Sơn: Nằm ở cực Tây cách trung tâm huyện khoảng 15 km, Phúc Sơn là xã miền núi của huyện Tân Yên. Trước tháng 12 năm 1945 xã có tên là Lý Cốt thuộc tổng Lan Giới. Từ thế kỷ thứ XIX, Phúc Sơn có  tên là Lý Quật, sau đổi là Lý Cốt hình thành từ các làng Lý Cốt, Lữ Vân, làng Cảm. Đầu thế kỷ XX thực dân Pháp tiến hành đào con Sông máng chạy qua giữa xã tạo điều kiện phát triển cả về kinh tế và xã hội từ đó hình thành thêm các làng Luông, Chám, Yên Lý, Mai hoàng, Ấp Quỳnh Châu (Khánh Châu), núi Rắn (Đài Sơn) và làng Mèn. Cuối thánh 12/1945 sáp nhập: Lý Cốt, Lam Khuất, Lãn Quật thành xã Phúc Sơn. Năm 1953 chia Phúc Sơn thành 2 xã là Tân Sơn và Phúc Sơn (Năm 1969, Tân Sơn đổi thành Lam Cốt). Phúc Sơn có diện tích tự nhiên là 5,78 km2  với  1.622 hộ với 6321 nhân khẩu ở 11 thôn: Cảm, mãi Hoàng, Yên Lý, Trám, Lý Cốt, Khánh Châu, Long Vân, Lữ Vân, Đài Sơn, Luông, Tiền Sơn.  

Phúc Sơn có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Tại núi Đót – ngọn núi cao nhất trong huyện Tân Yên có đền thờ và câu chuyện dân gian về Nữ tướng họ Dương tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo chống giặc nhà Hán. Dân trong vùng đã tôn thờ và phong Bà là “Nữ Giã Đại Thần”. Đình Yên Lý, thôn Yên Lý là địa điểm thành lập Chi Bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Yên Thế cũ, do bà Hà Thị Quế là Bí thư Chi bộ năm 1944. 

Năm 2017, Phúc Sơn đã hoàn thành mục tiêu quốc gia xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2022 Phúc Sơn đã đạt mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

16. Xã Quang Tiến: Là xã miền núi cách trung tâm huyện lỵ Tân Yên 9 km về phía Tây. Ngày 19/8/1953 xã Quang Tiến được thành lập trên cơ sở từ các ấp của 2 xã Quang Trung và Hợp Tiến cũ. Xã có diện tích đất tự nhiên là 5,81km2 với 1.502 hộ với 5.893 nhân khẩu phân bổ ở 12 thôn gồm các thôn: Chính Ngoài, Chính Trong, Thành Lập, Tân Lập, Minh Sinh, Trấn Thành, Non Dài, Cầu Đen, Trại Han, Sậu, Đồng Tiến, Đồng Sào 2.

Miền quê này gắn với địa danh Thành Tỉnh Đạo và Tán lý quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Cao. Ông là Nguyễn Thế Cao quê ở Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1880 khi Nguyễn Cao là Doanh điền xứ, Bố chánh xứ Thái Nguyên trông coi việc mộ dân ở vùng Phú Bình, Yên Thế khai khẩn đồn điền, mở đất mưu lợi cho dân và Quang Tiến bắt đầu từ đó. Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 tại Ấp Cầu Đen  - địa điểm đón các văn nghệ sĩ và trở thành Thủ đô Văn nghệ Kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Hồng đã sống, sáng tác và mất tại đây.

Năm 2014 xã Quang Tiến đã được công nhận xã NTM.

 

17. Xã Quế Nham:  Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, phần đất này thuộc 3 xã: Chuế Dương, Quế Nham và Phú Khê, tổng Quế Nham. Năm 1946 hợp nhất 3 và đổi thành Tiến Thịnh. Năm 1966 đổi thành  Quế Nham. Đây là một xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Tân Yên với tổng diện tích đất tự nhiên là 10, 43 km2. Dân số 9.220 người phân bố ở 10 thôn: Đông La, Tiền Đình, Ngọc Trì, Phú Khê, Đông Bến, Núi, Hai Khê, Ba Làng, Bình Minh, 284.

Quế nham xưa nổi tiếng với nghề làm bừa rào. Năm 2022 xã Quế Nham được công nhân xã đạt chuẩn NTM. 

 

18.Xã Song Vân: Xa xưa vùng đất này là xã Vân Cầu, huyện Yên Thế ( địa danh có trước 1469 khi vua Lê Thánh Tông cho xây dựng bản đồ). Tên Vân Cầu được duy trì cho đến cuối năm 1945, hợp nhất Vân Cầu, Vân Nham, Thúy Cầu, Đồng Cờ, Việt Hùng và Ngọc Cụ thành xã Hồng Kiều. Đến tháng 10/1954 xã Hồng Kiều tách ra thành Song Vân, Ngọc Vân và Việt Ngọc.

Xã Song Vân có diện tích tự nhiên 8,35km 2. Dân số hiện nay 10.083 người được sống định cư ở 13 thôn: Đồng Lai, Tân Tiên, Hồng Phúc, Tân lập, Giếng, Ngò, Kỳ sơn, Chậu, Hoàng Vân, Đồng Kim, Bùi, Trung Tiến.

Miền quê này từng sản sinh nhiều nhân vật xuất chúng, nổi danh là 18 vị quận công họ Dương thời nhà Mạc (1527-1592) và là nơi phát tích câu phương ngôn “Trai cầu Vồng Yên Thế”. Di tích đình chùa Vồng được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Ngày 8/6/2015,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội Đình Vồng. Năm 2020 xã Song Vân đã về đích xã NTM.

 

19.Xã Tân Trung: Trước năm 1945, vùng đất Tân Trung gồm xã Thế Lộc và Yên Lễ, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế. Năm 1946 Tổng Yên Lễ được đổi tên là xã Tân Trung, huyện Yên Thế. Tháng 10/1954, Tân Trung tách ra thành hai xã là Tân Trung và Tân Cầu. Tháng 11/1957, huyện Yên Thế được tách, xã Tân Trung thuộc huyện Tân Yên. Ngày 05/8/1978,  xã Tân Trung và Tân Cầu sáp nhập lại thành xã Tân Trung như hiện nay. Tân Trung là xã miền núi, cách trung tâm huyện 7 km về phía Bắc, diện tích tự nhiên là 10,03 km2 dân số  8.888 nhân khẩu với 2.350 hộ gia đình, trong đó: 1.250 nhân khẩu và trên 200 hộ gia đình theo Đạo thiên chúa. Xã có 18 thôn: Cap Kiên, Quyên, Chấu, Đình Hả, Đanh, Đồng Điều 7, Đồng Điều 8, Thị, Lục Hạ, Tân Long, Ân Trù, Công Bằng, Tân Lập, Ngoài, Giữa, Trong, Gia Tiến, Sậy.

Là miền quê quật khởi. Cuối thế kỷ 19, tại Đình Hả, Lương Văn Nắm đã đứng lên phất cờ đánh đuổi giặc Pháp là thủ lĩnh đầu tiên trong Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913). Đình chùa Hả đã được công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Tiếp đó, dấu son chói sáng đó là sự ra đời của 2 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại huyện Yên Thế cũ, trong đó một chi bộ được thành lập tại Đồng Điều, xã Tân Trung năm 1944, do đồng chí Hà Thị Quế - Ủy viên Ban Cán sự tỉnh trực tiếp làm Bí thư.

Năm 2020 xã Tân trung đã đạt đích xã NTM.

 

20.Thị trấn Cao Thượng: Cao Thượng là địa danh cổ. Từ thế kỷ XV – thế kỷ XVIII, Cao Thượng là một trong 8 xã của tổng Mục Sơn, huyện Yên Thế. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Cao Thượng ngày nay gồm 3 xã của tổng Mục Sơn: Đạm Phong, Mục Sơn và xã Cao Thượng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Cao Thượng hợp nhất với các xã Đạm Phong, Mục Sơn và Dương Sơn thành xã Cương Lập. Cuối năm 1955, xã Cương Lập chia thành hai xã Cương Lập và Liên Sơn. Đến năm 1971, xã Cương Lập đổi tên thành xã Cao Thượng. Ngày 18/2/1997 thành lập thị trấn Cao Thượng trên cơ sở một phần đất của các xã: Cao Thượng, Cao Xá và Liên Sơn. Nghị quyết 813 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính tỉnh Bắc Giang, trong đó sáp nhập xã Cao Thượng vào thị trấn Cao Thượng.

Cao Thượng có diện tích tự nhiên clà 9, 43 km2. Theo số liệu thống kê đến tính đến 31/5/2022 trên địa bàn thị trấn có 4091 hộ gia đình, 15.168 nhân khẩu phân bố  ở 26 tổ dân phố: Phố Bùi, Đầu, Nguộn, Thiếm, Vườn Đình, Hoàng Hoa Thám, Đình Giã, Đồi Đỏ, Đông, Phố Mới, Chợ, Ngò, Đồng, Chám, Trong Cao Thượng, Đình, Bậu, Hợp Tiến, Tân Lập, Tân Tiến, Chùa, Trong Hạ, Ngoài Hạ, Bùi, Hòa Sơn, Ngô Xá.

Cao Thượng là một trong những địa phương có bề dầy về văn hóa, văn nghệ dân gian. Đặc biệt tại đình làng Cao Thượng - một ngôi Đình lớn được xây dựng cuối thế kỷ 17 đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hàng năm ở đây vào sáng sớm ngày mùng 2 tết có phiên chợ và mỗi năm chỉ họp một lần. Dân gian gọi là chợ Đình Cao Thượng hay chợ Mùng 2,  Chợ Âm dương.  

Ngày 8/11/2000, Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cao Thượng.

 

21.Xã Việt Lập: Nằm ở phía đông nam, cách trung tâm huyện Tân Yên 5km. Trước cánh mạng tháng Tám năm 1945, Việt Lập gồm 4 xã: Xã Hữu Mục trước thuộc Tổng Hữu Mục;  Xã Tuy Lộc Sơn, xã Kim Tràng và xã Nguyễn Lộc, Tổng Bảo Lộc Sơn hay Tuy Lộc Sơn. Ngày 13/3/1946 tại đình làng Khoát đã diễn ra cuộc họp thống nhất 4 xã thành một xã và lấy tên là xã Việt Lập. Diện tích tự nhiên 14,44 km2, dân số 11.214 người sinh sống ở 13 thôn làng: Văn Miếu, Nội Hạc, Trong Giữa, Lý, Cầu Cần, Đông Khoát, Hàng Cơm, Đông Am vàng, Um Ngò, Ngọc Trai, Nguyễn, Đồng Sen.

Xã Việt Lập có nhiều di tích LSVH. Trong đó Đình nội là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 11/2017, xã Việt Lập được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, năm 2020 Việt Lập là xã đầu tiên của huyện Tân Yên được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

 

22. Xã Việt Ngọc: Nằm về phía Tây huyện Tân Yên, cách trung tâm huyện 13km. Vùng đất này xưa có tên là Ngọc Cụ. Cuối năm 1945, Ngọc Cụ hợp nhất với Vân Cầu, Vân Nham, Thúy Cầu, Đồng Cờ, Việt Hùng thành xã Hồng Kiều. Đến tháng 10/1954 xã Hồng Kiều tách ra thành Song vân, Ngọc Vân và Việt Ngọc.

Xã Việt Ngọc có diện tích tự nhiên 8,62km2. Với 2.255 hộ dân, 9.149 nhân khẩu phân bố ở 10 thôn: Phú Thọ, Anlacj, Việt Hùng, Tân Thể, Nành Tón, Chung Chính, Ngùi, Đồng Xứng, Đồng Gia, Cầu Trại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Việt Ngọc có  3 người con ưu tú  được Đảng, Nhà Nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, đó là: Anh hùng liệt sỹ Dương Quang Bổ, Anh hùng liệt sỹ Lê Quang Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thái Giám. Ngày 28/5/2010, Chủ tịch Nước ký Quyết định số 738 phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Việt Ngọc.

Năm 2019 xã Việt Ngọc được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. 

BBT

 

 

Chủ nhật, 05 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,693
Tổng số trong ngày: 212
Tổng số trong tuần: 211
Tổng số trong tháng: 30,027
Tổng số trong năm: 739,352
Tổng số truy cập: 2,157,856