Các địa điểm di tích Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Trong những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Ngày nay, nhiều địa điểm - nơi in dấu chân Người đã trở thành di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Địa điểm lưu niệm Bác Hồ tại Tân An

Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An nằm ngay trên trục đường tỉnh 299, bên cạnh Trường THPT Yên Dũng 2 (người dân quen gọi là Trường cấp III Tân An). Di tích được khép kín trên một khuôn viên đất bằng phẳng, rộng rãi hình chữ nhật có chiều dài 44m, rộng 34m; ngăn cách với bên ngoài bằng cổng Tam quan gồm: 1 cổng chính ở giữa và 2 cổng phụ hai bên. Chính giữa cổng chính có dòng chữ "Khu di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Tân An".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, Nhân dân xã Tân An, huyện Yên Dũng ngày 06/4/1961.

Chính giữa khuôn viên di tích là nhà bia - đây là công trình quan trọng nhất của khu di tích. Nhà bia được xây dựng theo lối chồng diêm gồm 1 gian, 2 chái với hai tầng tám mái đao cong, mái lợp ngói mũi. Các đầu đao được đắp trang trí hình hoa lá cách điệu, trên hai đầu bờ nóc được đắp hình con kìm. Khung chịu lực của nhà bia được tạo bởi 4 hàng chân cột, mỗi hàng 4 cột. Chính giữa nhà bia là một tấm bia dựng năm 1961 với dòng chữ: "Nơi đây, ngày 6-4-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và đứng nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Tân An..."

Địa điểm Lưu niệm Bác Hồ tại Tân An đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 295-QĐ/BT ngày 12/2/1994.

Địa điểm Làng chiến đấu Long Trì

Thôn Long Trì, trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Xuân Đám, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đến năm 1955 thuộc xã Tân An, huyện Yên Dũng. Từ năm 2007 thuộc thị trấn Tân Dân, nay là thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thôn Long Trì, xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ngày 6/4/1961.

Bước đầu thống kê, hiện nay nơi đây còn 15 điểm di tích trọng điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như: Cổng làng phía Đông; Cổng làng phía Tây; Chòi gác làng Long Trì; Cửa hầm địa đạo làng Long Trì - cửa hầm địa đạo đầu làng (cửa phía Đông); Cửa hầm địa đạo giữa tuyến làng Long Trì; Cửa hầm địa đạo cuối làng (cửa hầm phía Tây); Ụ chiến đấu làng Long Trì - Ụ chiến đấu số 1; Ụ chiến đấu số 2; Ụ chiến đấu số 3 (Ụ chiến đấu ngoài làng); Ụ chiến đấu cuối làng; Hầm bí mật của chi bộ cơ sở Đảng xã Tân Dân; Khu căn cứ chùa Long Trì; Địa điểm Trại Rừng; Địa điểm Trại rừng Vầu; Giếng nước và gia đình ông Hà Đình Cộng.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, tại làng chiến đấu Long Trì đã diễn ra nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn, tiêu biểu như các trận chiến ngày: 10/2/1952; 10/3/1953; 20/10/1953; 20/11/1953;...

Năm 2009, Địa điểm Địa đạo làng chiến đấu Long Trì được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng là Di tích Lịch sử - văn hóa (Quyết định số 2487/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009). Ngày 20/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 702/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử: Địa điểm làng chiến đấu Long Trì, thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên

Di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên nằm trên khu soi bãi phù sa phía ngoài đê sông Cầu, chạy dài gần 1 km với vườn vải cổ thụ gần 100 năm ăn sát mép nước, được giới hạn bởi hai bến đò ngang ở phía Bắc và Nam làng Cẩm Xuyên sang huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nơi đây xưa chính là khu đình Cẩm Xuyên cũ (đã đổ nát vào năm 1963).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Nhân dân thôn Cẩm Xuyên, xã Trung Nghĩa (nay là xã Xuân Cẩm),
huyện Hiệp Hòa ngày 08/02/1955.

Tại đây, tháng 02/1955, đình Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa) là nơi làm việc của Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách. Khi ấy, khu bãi ven đê là bãi thể thao, chiếu bóng, hậu cần,… Khu vườn vải xứ Đồng Nương là khu hội trường của đoàn, hơn 2.000 cán bộ cải cách ở trong nhà dân thôn Cẩm Xuyên.

Ngày 08/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên, thăm khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên, sau đó Người vào thăm một số nhà nông dân ở thôn Cẩm Xuyên. Đặc biệt, tại đây, Người đã đến dự và nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của cách mạng Việt Nam: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân, thực hiện người cày có ruộng và những mục tiêu lớn nhất mà cuộc cách mạng đề ra.

Năm 2001, Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 40/QĐ-CT ngày 08/01/2001. Hiện nay, địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên thuộc khu soi bãi phù sa phía ngoài đê sông Cầu, có diện tích 3674.8m2Để kỷ niệm ngày Bác về thăm thôn Cẩm Xuyên, ngày 28/4/2000, Nhân dân thôn Cẩm Xuyên làm việc với đồng chí Vũ Kỳ (Nguyên là thư ký riêng của Bác Hồ) tại Hà Nội để đề nghị xây dựng nhà bia kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên ngày 8/2/1955.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình chị Bân, Bí thư Chi bộ xã Trung Nghĩa (nay là xã Xuân Cẩm),
huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ngày 08/02/1955.

Năm 2005, công trình được khởi công xây dựng, bao gồm các hạng mục: Đường bê tông, cổng vào, sân vườn, nhà bia và hệ thống tường bao bảo vệ di tích. Từ đường đê sông Cầu, rẽ trái là con đường bê tông dài khoảng 100m, nối đê sông Cầu với khu lưu niệm. Cổng vào được thiết kế theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong lợp ngói mũi đỏ gồm có 3 cửa: 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Sân được lát gạch nem tách màu đỏ truyền thống. Qua khoảng sân là tới khu vực nhà bia được xây dựng gồm 2 tầng. Tầng một xây kín bằng hệ thống tường bao, xung quanh 4 phía là hệ thống các bậc thang để lên tầng 2 nơi đặt bia đá. Bia đá được tạo bởi khối đá xanh hình chữ nhật, gồm có 2 mặt, trong lòng bia có khắc dòng chữ: “Ngày 8/2/1955 Bác Hồ về dự Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang và thăm bà con nông dân thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang".

Năm 2018, 2019, huyện Hiệp Hòa đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng, cải tạo khu di tích như: Khu tiếp đón, sân, cổng, đường vào, hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước,…

Ngày 18/6/2021, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia (Quyết định số 1900/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/6/2021).

Các địa điểm di tích ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang tại thành phố Bắc Giang

Khán Đài B (A cũ) sân vận động thị xã Bắc Giang (Nơi Bác Hồ 2 lần nói chuyện với Nhân dân tỉnh Bắc Giang năm 1961, tỉnh Hà Bắc năm 1963)

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc tại Sân vận động thị xã Bắc Giang
(nay là thành phố Bắc Giang), ngày 17/10/1963.

Khán đài B (Khán đài A cũ) sân vận động thị xã Bắc Giang (còn gọi là lễ đài sân vận động thị xã Bắc Giang), phường Ngô Quyền, thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Khán đài B nằm ở phía Đông sân vận động, quay mặt ra đường quốc lộ 1A (nay là trục đường Xương Giang) được xây dựng vào năm 1958-1960, với diện tích là 350m2, cao hơn 10m, khung sắt mái tôn với 2 cầu thang, 2 cánh gà hai bên. Trải qua thời gian, khu khán đài B đã xuống cấp và được cải tạo, nâng cấp vào những năm 1976, 1978.

Ngày 21/6/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số 774/QĐBT xếp hạng khán đài B sân vận động thành phố Bắc Giang - nơi Bác Hồ đến thăm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thành phố Bắc Giang đã từng bước đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp khu di tích. Khán đài A mới được xây dựng giáp đường Xương Giang; còn khán đài A cũ được đổi thành khán đài B (giáp đường Nguyễn Thị Lưu). Đặc biệt, năm 2009, thành phố đã đầu tư gần 700 triệu đồng để cải tạo mặt trước khán đài B, phòng trưng bày và hệ thống sân vườn. Từ năm 2010 đến nay, thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí để sưu tầm những hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của Bác Hồ với Nhân dân Bắc Giang, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng địa điểm khán đài B, nơi Bác Hồ 2 lần nói chuyện với Nhân dân tỉnh Bắc Giang - năm 1961, tỉnh Hà Bắc - năm 1963 sẽ là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi về thành phố Bắc Giang.

Địa điểm cầu Sông Thương - nơi ghi dấu hình ảnh Bác Hồ về thăm cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Sông Thương).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam cùng chuyên gia, công nhân Trung Quốc ở công trường khôi phục cầu Phủ Lạng thương, Bắc Giang trên tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan, ngày 24/01/1955
(sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Mùi).

Chỉ hơn nửa năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), thì đến ngày 24/1/1955 (tức ngày mồng một Tết Ất Mùi) Bác Hồ đã về thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và các chuyên gia nước bạn Trung Quốc đang giúp ta xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, cùng Nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương. 67 năm đã trôi qua, cây cầu sắt Phủ Lạng Thương (nay là cầu Sông Thương) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là tuyến đường giao thông huyết mạch của tuyến Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn…

Với những giá trị lịch sử, nơi lưu dấu hình ảnh của Bác Hồ kính yêu với nhân dân Bắc Giang, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân ta, năm 2020, di tích Địa điểm Cầu sông Thương đã được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng là di tích lịch sử (Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 08/12/2020).

Các địa điểm di tích chưa xếp hạng gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang tại thành phố Bắc Giang

- Trường Trung học Hoàng Hoa Thám

Trong cuốn sách Di sản Văn hóa Bắc Giang biên niên sự kiện và tư liệu lịch sử có ghi, tháng 5 năm 1946, Bác Hồ về thăm Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Bác nói chuyện thân mật với đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể Cứu quốc, các đại biểu phụ lão, nhà sư và cha cố. Người thay mặt Chính phủ kêu gọi Nhân dân Bắc Giang hãy tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "tấc đất tấc vàng" và chuẩn bị sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Trước khi về Hà Nội, Bác còn đi thăm đơn vị Vệ quốc đoàn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám (được thành lập cuối năm 1945, đến 1947 đổi tên thành Trường Ngô Sỹ Liên). 

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, tiền thân là “Nhà thương Bản sứ (L. hôpital Indigène de Phu-Lang-Thuong)” được thành lập tháng 6 năm 1907 đã qua nhiều giai đoạn lịch sử, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang là nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm và động viên.

Một số địa điểm khác được Bác Hồ đến thăm trong các đợt về làm việc tại tỉnh Bắc Giang như: Đơn vị Vệ quốc đoàn (nay là thành đội Bắc Giang, Trụ sở tòa Công sứ nay là Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang). Các địa điểm này được nhắc đến trong một số tài liệu, hiện đang tiếp tục nghiên cứu sưu tầm tài liệu liên quan./.

Theo: bacgiang.gov.vn

Chủ nhật, 05 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,811
Tổng số trong ngày: 810
Tổng số trong tuần: 809
Tổng số trong tháng: 30,625
Tổng số trong năm: 739,950
Tổng số truy cập: 2,158,454