Chợ Âm dương ngày đầu xuân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Ngày tết ở Tân Yên, cả trăm năm nay vào mùng 2 vẫn diễn ra phiên chợ đình Cao Thượng. Tuần tự, đều đều và cứ từ 3 h sáng mùng 2 tết mọi người lại về họp chợ. Nép đã quen tục lại đẹp. Chợ Mùng 2 bây giờ còn là vốn văn hóa quí của huyện Tân Yên.

Năm nào cũng vậy, tờ mờ sáng mùng hai Tết dân các làng quanh Cao Thượng lại lục tục trở dậy mặc trời giá rét nhưng ai nấy đều  chuẩn bị cho phiên chợ rất đặc biệt. Chợ âm dương Cao Thượng, hay chợ Mùng 2 cũng vậy. Trong câu chuyện kể ngay cả những ông già, bà cả cao niên ở Cao Thượng đều không rõ chợ “âm dương” đã có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ đã theo cha mẹ đi chợ. Lớn lên, thanh niên trong làng cứ sớm xuân đã hẹn nhau tới đây chơi nên biết có chợ phiên.

Cao Thượng xưa là 1 làng và cũng là tên xã. Xã cao Thượng tổng Mục Sơn. Nay là thị trấn Cao Thượng và chợ âm dương tại Di tích Quốc gia đaqực biệt Đình chùa cao Thượng ở thôn Đình. Giờ đây, chợ mùng 2 không chỉ là sinh hoạt của bà con Cao Thượng mà đã thu hút rất nhiều người dân ở các vùng lân cận tới bán mua. Với quan niệm mua bán cầu may mắn nên chợ âm dương không xô bồ, ồn ào, nhà ai có gì có thể bán, từ cái bánh, mớ rau, rổ táo cũng đều mang tới chợ. Người mua cũng chọn ít nhất lấy một món gì đó mang về và không bao giờ mặc cả khi mua. Để phục vụ cho bà con đi chợ khi phiên chợ trở nên đông đúc, Cao Thượng đã qui hoạch lại, bố trí lại nhà văn hóa và sân bóng thôn Đình để có không gian rộng, lại thêm hệ thống chiếu sáng, bãi để xe để mọi việc thuận tiện dễ dàng hơn. Nhưng những mặt hàng ở chợ thì vẫn như xưa, nhiều nhất là những đồ mang ý nghĩa may mắn như muối, diêm, bật lửa, cá, Rau xanh và các loại bánh dân giã.  

Có nhiều giả thuyết giải thích tại sao lại có phiên chợ này. Không ít người cho rằng: Trong thời gian có phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế Thực dân Pháp cho rằng Cao Thượng – Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân tài, vật lực, là Trạm liên lạc với nghĩa quân Cao Biều Tổng Bưởi, Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân và Nghĩa quân Bãi Sậy. Cao Thượng là cửa ngõ vào Yên Thế và là chiến trường thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh. Tại đây, trên núi Yên Ngựa Đề Thám lập đồn chống giặc Pháp vì vậy người Pháp quyết triệt hạ.  Một trong những trận giao tranh ác liệt  diễn ra vào năm 1890. Thực dân Pháp tổ chức một đạo quân lớn gần 700 súng trường và 5 cỗ trọng pháo tấn công chiếm Cao Thượng vì trước đó có một đơn vị lính khố xanh đã tấn công nhưng đã thất bại. Ngày 6 tháng 11, địch tấn công và chiến sự diễn ra rất ác liệt từ sáng đến hơn đến 3 chiều sau khi 20 tên vừa chết vừa bị thương mới chiếm được Cao Thượng nhưng các trận đánh vẫn dằng dai quanh trên các ngọn đồi của núi Yên Ngựa cho đến ngày 9 tháng 11 Nghĩa quân mới rút lui. Do có nhiều người mất mát trong chiến trận, vong linh vất vưởng nên chuyện mở chợ bắt đầu từ đây. Có thể là như vậy nếu nó chỉ là Phiên chợ tết mùng 2. Chợ âm phủ  Cao Thượng là một tục cổ, nó lâu đời hơn thế.  Đình Cao Thượng thờ Thần Cao Sơn - Quý Minh. Hội đình Cao Thượng tổ chức từ 12 đến 14 tháng Giêng. Trong câu chuyện các cụ sở tại cho biết: Vùng đất này thờ thần Bạch Hổ nên mới có phiên chợ. Câu chuyện của các cụ ở làng Cao Thượng khá mơ hồ. Nhưng sự tích thờ thần hổ vốn khá phổ biến và mỗi vùng có quan niệm khác nhau, đây là tín ngưỡng cổ. Thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần nên nhiều khả năng phiên chợ này liên quan đến việc thờ thần Cao Sơn Đại vương. Và câu chuyện mở chợ sau khi Cao Thượng trở thành bãi chiến trận, có rất nhiều người chết trong các cuộc giao tranh trong khởi nghĩa Nông dân Yên Thế chỉ là bước tiếp sau.

Dẫu có nói gì, thì thời gian và những truyền thuyết khiến phiên chợ quê này ngày càng mang đậm ý nghĩa tâm linh. Với người dân Tân Yên nói đến chợ mùng 2 tết, chợ âm dương, chợ âm phủ thì mọi người đều hiểu đó là chợ tết ở đình Cao Thượng. Tục cổ vẫn duy trì, từ 3 giờ sáng người dân các làng lân cận lục tục đi chợ. Trên khu đất rộng trước chùa, sau đình là nơi bày bán hàng và phiên chợ này ngày càng đông vui với đủ các mặt hàng  phục vụ các nhu cầu thiết yếu như: quần áo, hoa quả, bánh kẹo... nhưng nhiều nhất vẫn như xưa là đặc sản ẩm thực của địa phương: Bún, cá, rau cần, bánh đa bánh gio. Khác với những phiên chợ thông thường, với phiên chợ này mọi người quan niệm đi chợ chủ yếu để lấy lộc may đầu năm. Đến chợ với thái độ vui vẻ, cởi mở trong không khí ngày xuân. Ngoài việc trao đổi mua bán hàng hóa, người dân đến chợ chủ yếu để gặp gỡ chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất của năm mới và cũng là dịp làm phúc, làm điều thiện. Khi xưa, ở các vùng miền có không ít những chợ âm dương kiểu này, nhưng rồi dần mai một đi. Tại Bắc Giang, Chợ mùng 2 Cao Thượng là phiên chợ âm dương duy nhất còn lại. May mắn thay khi phiên chợ độc nhất vô nhị của vùng Kinh bắc thượng này ngày càng phát triển và được nhiều người quan tâm.

                                                                                          Phương Thảo

Thứ sáu, 03 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,088
Tổng số trong ngày: 1,593
Tổng số trong tuần: 41,623
Tổng số trong tháng: 19,972
Tổng số trong năm: 729,297
Tổng số truy cập: 2,147,801