Chuyến đi về Mỏ Thổ - chuyện của ông Nguyễn Văn Phả giờ mới kể.

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Năm 1947 Pháp chiếm đóng thị xã Bắc Ninh, chiếm Phủ Lạng Thương (Nay là thành phố Bắc Giang). Chúng chọn một số nơi trên địa bàn huyện Việt Yên để xây dựng đồn bốt. Trong đó có đồn Mỏ Thổ xã Minh Đức, Việt Yên nhằm án ngữ con đường từ Bắc Ninh lên Yên Thế. Chúng lập vùng Tề Mỏ Thổ gồm các xã Minh Đức, Thượng Lan (Việt Yên), xã Ngọc Lý, Ngọc Thiện (Tân Yên). Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra ác liệt. Nhiều người là bộ đội, công an, dân quân, du kích đã chiến đấu hy sinh – Chỉ trong 2 tháng từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1950 đã có 3 nữ công an (tổ Điệp báo Sao Chổi), Công an Bắc Giang hy sinh tại Mỏ Thổ. Chị Nguyễn Thị Được (tức Cao Kỳ Vân) hy sinh 1/5/1950; chị Nguyễn Thị Nghìn xã Ngọc Châu hy sinh ngày 28/6/1950 và chị Nguyễn Thị Dinh xã NgọcThiện hy sinh 1/7/1950. Các chị đã được nhà nước truy tặng liệt sỹ 1957, riêng chị Nguyễn Thị Được (Cao Kỳ Vân) chị đã chiến đấu oanh liệt, mưu trí, dũng cảm, khi bị địch bắt, chúng tra tấn rất dã man, chị không khai nửa lời, chúng đã sát hại chị ngày 1/5/1950 khi chị mới 25 tuổi. Chị được Nhà nước truy tặng Anh hùng LLVT ngày 27/7/1998. Cả thời kỳ chống Pháp, huyện Tân Yên có một Anh hùng là Cao Kỳ Vân. Ngành Công an tỉnh Bắc Giang duy nhất có chị Cao Kỳ Vân là Anh hùng LLVT.

Gia đình tôi cư trú tại TT Cao Thượng, Tân Yên gần gia đình Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân nên tôi được biết nhiều về gia đình chị, về thân thế sự nghiệp, cuộc đời hoạt động của chị Cao Kỳ Vân. Quê tôi xã Thượng Lan, huyện Việt Yên thuộc vùng Tề Mỏ Thổ. Năm 1950 cha tôi, cụ Nguyễn Văn Súy đã từng làm Lý trưởng vùng này nên nhiều chuyện thời chống Pháp về vùng Tề tôi được biết, được nghe, nhất là sự hy sinh oanh liệt của nữ điệp báo Cao Kỳ Vân.

Ngày 22/4/2015, tôi cùng anh Công Quý Đản, nhà báo Trần Đình Dũng, anh Vương Lâm ở Tân Yên về Mỏ Thổ tìm hiểu lập hồ sơ cây Lim 700 năm tuổi, là cây di sản Việt Nam. Đã được hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận cấp bằng cây di sản Việt Nam.

Qua khảo sát thấy làng Mỏ, xã Minh Đức có phong cảnh đẹp, còn nhiều nét cổ điển hình, thuần Việt, anh Giang Nam, anh Lịch phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, anh Trần Đình Dũng ghi hình dựng phim “Mỏ Thổ một vùng danh lam cổ tích”. Ngày 5/7/2015 phim được phát trên sóng Đài truyền hình tỉnh Bắc Giang. Trong phim có nhiều hình ảnh, nội dung liên quan tới nữ điệp báo Cao Kỳ Vân hoạt động thời kỳ chống Pháp.

Vì có ý thức tìm hiểu lịch sử quê hương nên tôi đã lưu giữ được một số tờ báo như báo Nhân dân, báo Hà Bắc, báo Bắc Giang, báo Cựu chiến binh… (thập kỷ 80 - 90) có nhiều bài viết về nữ Điệp báo Cao Kỳ Vân, về tổ điệp báo Sao Chổi, cờ máu (Công an Bắc Giang).

Thời gian qua, tôi được tiếp xúc với nhiều cụ cao niên ở Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa – Các cụ biết tôi là con trai cụ Lý Súy nên các cụ cởi mở chia sẻ nhiều chuyện, cung cấp nhiều tư liệu nhân chứng có liên quan tới nữ điệp báo Cao Kỳ Vân. Từ đó tôi có ý định làm phim Cao Kỳ Vân.

Sau khi trao đổi với anh Giang Nam (khi đó là Trưởng phòng chuyên đề, nay là Phó Giám đốc Đài PT – TH tỉnh), Nhà báo Trần Đình Dũng (Châu Giang)- Phó Giám đốc TT Khoa học huyện Tân Yên nay là Phó GĐ Trung tâm VH- TT và TT huyện Tân Yên, hai anh vừa có nghề lại am tường về lịch sử quê hương. Chúng tôi thống nhất lịch trình, kịch bản… Tôi chịu trách nhiệm kết nối, chuẩn bị địa bàn, lo phương tiện xe đưa đón đoàn.

Anh Nam, anh Dũng xây dựng nội dung, tác nghiệp, ghi hình, dựng phim, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan. Ngày 7/7/2015, đoàn mời anh Nguyễn Tất Thắng, Công an tỉnh Bắc Giang đi cùng về thôn Đồng Tân, xã Hoàng Lương, Hiệp Hòa gặp cụ Hoàng Phương Lại (sinh 1923) lão thành cách mạng. Cụ là quân báo hoạt động vùng Tề, Mỏ Thổ cùng với Cao Kỳ Vân. Cụ khi đó còn khỏe, mắt sáng, rất minh mẫn, cụ nhớ, biết nhiều chuyện về hoạt động của quân báo, điệp báo của Cao Kỳ Vân.

Ngày 11/7/2015, chúng tôi mời 18 cụ và lãnh đạo thôn Mỏ có mặt tại Đền Mỏ Thổ để trao đổi về việc làm phim ký sự: Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân. Nhiều cụ  85 – 90 tuổi còn rất khỏe, minh mẫn nhiều chuyện về thời kỳ chống Pháp, về gương hy sinh của nữ công an Cao Kỳ Vân nhiều cụ nhớ rất rõ như mới xảy ra.

Ngày 14/7/2015, đoàn làm phim cùng anh Nguyễn Tất Thắng, Công an tỉnh Bắc Giang phỏng vấn nhà văn Trần Quyển người viết tiểu thuyết “Điệp báo 552”. Gặp Thiếu tá Công an Lương Doanh đã nghỉ hưu tại Bắc Giang, gặp Biên tập viên, nhà báo Trọng Việt người đã viết nhiều bài, làm thơ về Cao Kỳ Vân…

Ngày 15/5/2015, Báo Bắc Giang có bài “Ghi ở Mỏ Thổ” của tác giả Châu Giang có nội dung liên quan đến nữ điệp báo được nhiều bạn đọc khen ngợi.

Ngày 17/5/2015, chúng tôi làm tờ trình báo cáo Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Anh Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc hoan nghênh đã dành kinh phí làm phim, Đài truyền hình có văn bản phối hợp với Công an tỉnh v/v làm phim “Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân” đúng vào dịp tuyên truyền 70 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2015).

Ngày 20/7/2015, ông Hoàng Phường, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Yên có bài "Liệt nữ Anh hùng" ca ngợi Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân đã được đăng trên báo Bắc Giang cuối tuần 8/2015.

Sau khi thu thập tài liệu, nhân chứng việc ghi hình đang tiến hành. Tôi trực tiếp báo cáo anh Lê Ánh Dương (khi đó là Bí thư Huyện ủy Tân Yên, nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang). Anh hoan nghênh, động viên chúng tôi làm khẩn trương kịp ra mắt ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/2015).

Ngày 23/7/2015, đồng chí Bùi Hải, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Công an tỉnh, MTTQ tỉnh, lãnh đạo huyện Tân Yên và một số ban ngành về thắp hương Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân tại nhà bà Bình (em gái Cao Kỳ Vân) khu Chợ, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Đoàn chúng tôi đã tiếp xúc, phỏng vấn bà Bình nhiều lần, bà đã kể nhiều mẩu chuyện về người chị Nguyễn Thị Được.

Ngày 12/8/2015, đoàn nữ công an tỉnh Bắc Giang về nghĩa trang, nhà truyền thống xã Cao Thượng thắp hương Anh hùng liệt sỹ Cao Kỳ Vân - Đoàn về nghĩa trang xã Minh Đức thăm Núi Mỏ, bốt Mỏ Thổ, nơi Cao Kỳ Vân hy sinh. Chỉ một thời gian ngắn. Phim ký sự Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân hoàn thành 20h30' ngày 15/8/2015 phát trên sóng Đài Truyền hình tỉnh.

Ngay khi có lịch phát sóng tôi đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã Minh Đức, huyện Việt Yên - TT Cao Thượng, huyện Tân Yên thống nhất tuyên truyền để mọi người xem phim.

Ngày 19/8/2015, huyện Tân Yên tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam tại nhà văn hóa - Mọi người được xem phim Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân. Tôi có tặng 20 đĩa DVD cho các ông cán bộ lãnh đạo huyện đã nghỉ hưu.

Ngày 27/8/2015, Đảng bộ TT Cao Thượng đã in sao 40 đĩa DVD phát cho các chi bộ sinh hoạt chuyên đề ngày 3/9/2015.

Ngày 4/9/2015, tôi gặp Bí thư Huyện ủy Việt Yên Nguyễn Văn Cảnh và Trưởng Công an huyện Việt Yên tặng đĩa DVD phim: "Mỏ Thổ vùng danh lam cổ tích và nữ điệp báo Cao Kỳ Vân" và thống nhất việc tuyên truyền học tập phim.

Ngày 15/9/2015 Ban tuyên giáo Huyện ủy Việt Yên có công văn chỉ đạo và in 450 đĩa DVD phát cho các chi bộ tổ chức xem học tập phim Cao Kỳ Vân vào ngày Đảng nhật 3/10/2015.

Ngày 7/9/2015, tôi tặng Huyện ủy Tân Yên toàn bộ bài viết, bài báo, đĩa DVD phim ký sự. Tài liệu này được lưu tại nhà truyền thống huyện Tân Yên.

Ngày 7/9/2015, tôi có thư gửi Huyện ủy Tân Yên v/v tổ chức tuyên truyền, học tập phim Cao Kỳ Vân.

Ngày 14/9/2015, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Yên có Tờ trình v/v tổ chức tuyên truyền học tập gương Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân trên phạm vi toàn huyện.

Ngày 24/9/2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên có kết luận v/v tổ chức tuyên truyền, học tập gương Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân.

Chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã xây dựng xong phim ký sự Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân. Phim đã góp phần tích cực giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Phim lan tỏa rộng rãi trong nhân dân được người xem rất hoan nghênh.

Báo Bắc Giang đã giới thiệu phim "Nữ điệp báo Cao Kỳ Vân". Đài truyền hình Bắc Giang đã nhiều lần phát trên truyền hình nhất là vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Công an nhân dân 19/8. Anh Trần Đình Dũng, Tân Yên đưa lên Youtube phim ký sự Cao Kỳ Vân. Một số nhà thơ, nhà báo như: Đồng Xuân Thụ, Trần Quyển, Hoàng Long, Trọng Việt, Thanh Hải, Xuân Trường  đã có nhiều bài viết, bài thơ  ca ngợi gương hy sinh oanh liệt của Cao Kỳ Vân.

Đến nay, sau 73 năm ngày Anh hùng LLVT Cao Kỳ Vân hy sinh 25 năm chị được truy tặng Anh hùng, 8 năm ra đời "Phim ký sự Cao Kỳ Vân". Mong ước của người dân, của tôi đã thành - Khu tưởng niệm được xây tại nơi chị hy sinh. Nay là rừng lim, cây keo xanh mát. Khu tưởng niệm trên 2 ha với tổng kinh phí 50 tỷ đồng (nguồn xã hội hóa) do Công an tỉnh Bắc Giang đảm nhiệm, chủ đầu tư là UBND xã Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang.

Khu tưởng niệm đã hoàn thành giai đoạn 1 và ngày 30.12.2023 sẽ khánh thành.  

Nguyễn Văn Phả - nguyên PCT UBND huyện Tân Yên

 

 

Thứ sáu, 17 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 11,548
Total visited in day: 9,779
Total visited in Week: 52,295
Total visited in month: 150,010
Total visited in year: 859,335
Total visited: 2,277,839