Chuyện ở làng mỳ Châu Sơn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Cụ Nguyễn Văn Hồi - người có công đưa nghề về làng 

Chuyện về làng Mỳ gạo Châu Sơn phải bắt đầu từ một ông lão yêu nghề của quê hương, đã học nghề, rồi cậy cục mang cối đá, đồ nghề từ Quế Võ, Bắc Ninh về Châu Sơn làm mỳ.

Trở lại với làng mỳ Châu Sơn, cảnh quê giờ đổi khác. Làng nghề, nên chỗ nào cũng mỳ phơi trắng xóa và thay vì những ngôi nhà cũ kỹ lợp ngói giờ là nhà kiên cố cùng những tiện nghi. Châu Sơn thay đổi nhanh quá. Có điều, đáng tiếc khi Nghệ Nhân làng mỳ - cụ Nguyễn Văn Hồi đã khuất núi…

Nhớ lại lần đó về Châu Sơn khi nơi đây vừa được công nhận là làng nghề. Trên con đường bê tông nối dài vào các ngõ nhỏ, đâu cũng thấy những vạt mỳ óng ả nối tiếp nhau. Xe chở hàng ra vào thôn tấp nập, ai ai cũng bận rộn với việc làm mỳ. Khi hỏi về người đầu tiên đưa nghề về làng và truyền nghề cho bao thế hệ của làng để rồi nơi đây trở thành một làng nghề trù phú, để rồi nhà nhà, người người đều ăn nên làm ra từ đây, bà con trong thôn đều nhanh tay chỉ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Hồi - người có công đầu trong việc đưa nghề về làng và duy trì nghề làm mỳ sau 45 năm với bao thăng trầm. 

Sinh năm 1936, cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, khuôn mặt gầy xương hằn lên những nếp nhăn vì tuổi tác và những lo toan vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng ông Hồi vẫn còn khá nhanh nhẹn. Đưa bàn tay gầy guộc thô ráp mân mê chiếc cối đá cũ đã gắn bó với ông hàng chục năm nay ông Hồi nhớ lại buổi ban đầu khi đưa nghề mỳ về làng. Vốn người gốc ở Xuân Hòa, Quế Võ, Bắc Ninh theo cha mẹ di cư lên Ngọc Châu khai đất lập làng. Những năm đó, vùng đất này còn khá thưa người chỉ có vài chòm tre, chủ yếu là dân các nơi như Nam Hà, Hà Tây, Bắc Ninh... di cư về đây, với nghề chính vẫn là làm nông nghiệp nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Vào năm 1970, sau nhiều năm ông trở về Xuân Hòa thăm quê, nơi đây vốn có nghề truyền thống tráng bánh đa và tráng mỳ, thấy bà con trong vùng có cuộc sống khấm khá nhờ vào nghề làm mỳ, vậy là ông quyết định tìm hiểu kỹ thuật, mày mò học nghề làm mỳ rồi tìm mua dụng cụ đưa nghề về Châu Sơn. Ngày đầu bắt tay vào làm khó khăn không nhỏ vì lúc đó các công đoạn làm mỳ đều bằng thủ công, dụng cụ làm mỳ thô sơ chỉ có chiếc cối đá nhỏ và chiếc nồi căng vải trên miệng để tráng mỳ là dụng cụ chính. Toàn bộ công đoạn đều làm bằng tay nên lượng mỳ làm được rất ít, mặc dù luôn phải thức khuya dậy sớm, mỗi ngày cũng chỉ làm được vài chục kg gạo vì công đoạn nào cũng khá lâu. Từ ngâm gạo, xay bột rồi tráng bánh, phơi trên giàn cho khô, rồi lại cho vào ủ từ 2-3 tiếng để bánh dẻo ra rồi cuộn vào thái nhỏ và đem phơi lại cho khô hẳn rồi mới đem đi bán. Trung bình mỗi 1 kg gạo làm được 9 lạng mỳ, thời điểm đó 1 kg mỳ đem đổi được 1,5 kg gạo, lãi được 3-4 lạng gạo/ kg mỳ. Mỳ làm đến đâu người dân trong thôn mang gạo đến đổi đến đấy hoặc ông lại đạp xe đi giao cho các quán bán lẻ trong huyện.

Ông Hồi tâm sự: Hình như nghề làm mỳ đã trở thành duyên nghiệp với tôi. Dẫu nhọc nhằn, truân chuyên, nhưng mình kiên trì gắn bó với nó nên nó cũng không phụ công mình. Vào thời bao cấp, lương thực thực bị quản lý chặt, khó khăn là vậy nên để có gạo làm mỳ cũng không hề đơn giản chút nào. Hàng ngày ông phải đổi mỳ lấy gạo, nên lượng mỳ làm ra luôn bấp bênh lúc nhiều lúc ít, đã vậy khi thời tiết thuận nắng ráo thì không sao nhưng những khi thời tiết mưa ẩm kéo dài vợ chồng ông Hồi phải đắp than đốt để sấy mỳ vất vả vô cùng, phải huy động cả nhà cùng làm mỗi người một công đoạn người thái mỳ, người sấy, người quạt cả đêm liên tục để mỳ khô đều đến sáng hôm sau có mỳ mang đi bán. Đôi khi hai vợ chồng ông xảy ra to tiếng cũng vì sợi mỳ, nhưng rồi ông vẫn không thể bỏ được nghề, kiên trì gắn bó với nghề

Từ chỗ chỉ có duy nhất gia đình ông làm mỳ trong thôn và những tưởng nghề làm mỳ chỉ là tự phát, quy mô nhỏ lẻ tranh thủ những lúc nông nhàn nhưng chỉ sau hơn một năm từ một hai hộ đến học nghề và rồi sau đó là hàng chục hộ tìm đến nhà nhờ ông truyền nghề và đến nay sau 45 năm từ khi bắt đầu đưa nghề về làng nghề làm mỳ phát triển và rồi rất nhiều hộ dân trong làng học và sản xuất mỳ. Thay vì trước đây làm thủ công mỗi ngày chỉ làm được vài chục kg gạo, thì hiện nay 100% các hộ đều đầu tư mua máy để sản xuất từ xay, ép bột và đùn mỳ đều do máy móc làm cả, đã giúp người sản xuất giải phóng sức lao động chỉ phải làm công đoạn thủ công duy nhất là chuốt mỳ và đem đi phơi rồi bó lại để thương lái đến thu mua. Trung bình một ngày mỗi hộ làm được từ 1,2-1,5 tạ mỳ, mỗi tháng làm từ 2,5-3 tấn mỳ và mỗi năm Châu Sơn xuất ra thị trường trên 1500 tấn mỳ với giá bán tại nhà là 15.000/kg, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ  15 - 20 triệu đồng/tháng. Mỳ Châu Sơn ngon và tiếng lành đồn xa, các vùng lân cận như Yên Thế, Hiệp Hoà, Lạng Giang, Bắc Giang, rồi các tỉnh xa như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây cũng biết tiếng tìm đến đặt hàng. Vui nhất là khi Châu Sơn được công nhận làng nghề thì công việc lại càng thuận lợi.  Mân mê chiếc cối đá đã cũ, ông Hồi bảo chính cái cối đá này xưa kia là cơ nghiệp chính của gia đình ông, nó gắn bó với tuổi thơ của 7 người con của ông và rồi ngày nay thay vì chiếc cối đá này là dàn máy bằng điện hiện đại, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với các công đoạn làm thủ công xưa kia nhưng ông vẫn giữ chiếc cối đá và coi như một kỷ vật quý để nhắc nhở con cháu nhớ về những ngày khởi nghiệp đầy gian truân nhưng cũng đầy những kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 2014, Châu Sơn được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận làng nghề. Tháng 6-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận nhãn hiệu mỳ gạo Châu Sơn. Hiện nay Châu Sơn có trên 50 hộ làm mì, mỗi hộ trung bình sản xuất ra 2 tạ/ngày. Mỳ Châu Sơn cung cấp cho toàn thị trường miền Bắc. Không những giúp đời sống người dân khấm khá, nghề làm mỳ ở Châu Sơn còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động vùng lân cận. Anh Nguyễn Văn Quế - chủ cơ sở sản xuất mỳ gạo Quế Hằng ở Châu Sơn là con cụ Hồi đang  nối chí đưa nghề mỳ gạo Châu Sơn đi lên.   

                                                                                 Phương  Thảo- CG

 

 

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,799
Tổng số trong ngày: 2,976
Tổng số trong tuần: 47,182
Tổng số trong tháng: 76,998
Tổng số trong năm: 786,323
Tổng số truy cập: 2,204,827