Làng Trũng - Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên.

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (huyện Yên Thế xưa nay là Tân Yên và Yên Thế) nổ ra năm 1884 kéo dài đến năm 1913. Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm quê ở làng Gia, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế (nay là làng Gia Tiến, xã Tân Trung huyện Tân Yên), tiếp đó là Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa được phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở 4 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và huyện Tân Yên. Đó là những công trình kiến trúc cổ có liên quan đến hoạt động của nghĩa quân (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy liên hoàn của nghĩa quân, tiêu biểu. Tại những khu di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa (405 hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa và hàng trăm hiện vật khác tại các di tích). Nhiều hiện vật trong số này hiện được bảo quản, trưng bày tại nhà truyền thống về cuộc khởi nghĩa tại Khu Phồn Xương, để góp phần vào công tác giáo dục truyền thống. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012). Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với 23 di tích và điểm di tích, gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Trong số này, tại huyện Tân Yên có 12 di tích và điểm di tích. 

Làng Trũng nơi lưu dấu thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám

Vào thời Lê, vùng đất này thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng. Gồm có 5 xã: Ngọc Cục, Ngọc Lý, Ngọc Nham, Bằng Cục và Mỏ Thổ. Sau này Ngọc Cục được cắt về huyện Yên Thế. Trũng là tên nôm của làng, xưa gồm hai thôn: Trũng Trong và Trũng Ngoài. Trũng Trong nay thuộc thôn Quang Châu còn Trũng Ngoài thuộc thôn Tân Châu xã Ngọc Châu. Làng Trũng Trong chính là nơi mà Hoàng Hoa Thám đã có những tháng năm gắn bó, nơi hiện nay có khu đình, chùa, cố trạch đền thờ Hoàng Hoa Thám và phần mộ của những người thân trong dòng tộc Hoàng Hoa Thám.

Làng Trũng Trong vốn là làng cổ. Trong đời sống tín ngưỡng của làng, cư dân nơi đây đã có tục thờ thổ thần, thành hoàng và thờ phật. Do đó họ đã xây đựng nên một hệ thống thiết chế tín ngưỡng để thờ phụng các vị thần, phật từ những năm trước thế kỷ XX  gồm các công trình đình, chùa, nghè điếm, văn chỉ. Điếm thờ thổ thần xây dựng ở trong làng. Nghè được xây dựng ở khu trường PTCS hiện nay. Khu đình, chùa, văn chỉ thì được xây dựng ở phía Đông làng Trũng Trong. Điếm và nghè qui mô nhỏ. Khu đình, chùa, văn chỉ có qui mô lớn hơn. Làng Trũng có một số họ lớn như họ Thân, họ Hoàng,họ Nguyễn. Trong đó họ Thân là đông hơn cả. Cuối thế kỷ XIX họ Thân ở đây đã có thế lực trong vùng. Dòng họ này đã có những nhân vật lịch sử lưu danh như Thân Văn Phúc, tức Bá Phức, Thân Văn Luận, tức Thống Luận.  Cuối thế kỷ XIX, chú cháu Hoàng Hoa Thám đã phiêu hạt về cư trú ở nơi này để trốn tránh sự truy nã của triều đình Nguyễn. (Lý do trốn về đây vì gia đình Hoàng Hoa Thám đã chống lại triều đình Nguyễn ở Sơn Tây). Cha Hoàng Hoa Thám là Trương Văn Thân gốc ở làng Dị Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Chú Đề Thám về đây khi Hoàng Hoa Thám còn nhỏ, còn phải ẵm trên tay. Hai chú cháu được ở trên một miếng đất ở bìa làng Trũng. Dân gọi chú Đề Thám là ông Phó Quạt. Hoàng Hoa Thám lớn lên ở làng Trũng. Do được họ Thân che chở nên Hoàng Hoa Thám trở thành con nuôi của họ này. Từ nơi đây Hoàng Hoa Thám trưởng thành. Ông lấy bà Nguyền Thị Tảo ở làng Chè bên cạnh làng Trũng, sinh ra Hoàng Đức Trọng. Hoàng Hoa Thám đã tham gia các cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn và chống Thực dân Pháp ở khắp vùng Phủ Lạng Giang xưa. Sau khi Lương văn Nắm mất, Hoàng Hoa Thám đã tiếp tục lãnh đạo và trở thành thủ lĩnh của phong trào Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1892- 1913).

Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện: Sau ngày Đề Thám mất, dân làng Trũng vô cùng thương tiếc ông. Cụ Thống Luận vốn là vị tướng cũ của phong trào khởi nghĩa Yên Thế, lúc đó đã về làng bí mật cho thu gom di cốt của Hoàng Hoa Thám đem về Ngọc Châu. Cụ lấy cớ mở chợ làng Trũng ngay bên đình, chùa giết ngựa làm chay cúng tế Đề Thám. Da ngựa được lấy ra gói di cốt Đề Thám đem chôn cất như ước nguyện của tướng sỹ nhà Trần chống quân Nguyên năm xưa. Theo dân làng cho biết, chợ mở có 1 tháng, cũng là 1 tháng cúng chay cho Đề Thám ở Đình Chùa Trũng để quân Pháp không nghi ngờ. Sau đó trở đi, chợ không mở nữa nhưng việc thờ cúng Đề Thám ở làng Trũng vẫn được duy trì bí mật. Sau này, việc thờ Đề Thám được đưa về nơi ở cũ của Đề Thám để ông Cả Phồn duy trì. Cả Phồn mất, dân cúng ông ở Điếm làng và cúng ở đình, chùa vào ngày 5/1 âm lịch hàng năm và ngày hội. Trải thăng trầm của lịch sử, đình chùa làng Trũng bị tàn phế. Đình bị mất, chùa sửa bé nhỏ hơn xưa. Nơi ở cũ của Hoàng Hoa Thám cũng mất chỉ còn đất cố trạch. Tuy thế dân làng và địa phương vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Do đó trên đất cũ (Cố Trạch) năm 1984 đã được xây gắn bia ghi dấu tích nơi ở cũ của Hoàng Hoa Thám để lưu niệm. Sau đó khu chùa cũng được tu bổ lại vào năm 1991. Đồng thời con cháu của Đề Thám đã cùng dân làng, cùng địa phương cho xây dựng ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám ở bên cạnh khu đình, chùa làng Trũng. Cùng với việc xây dựng đền thờ Hoàng Hoa Thám, việc qui tập mộ các thân nhân Hoàng Hoa Thám cũng được tiến hành. Mộ các thân nhân Đề Thám được đặt trong khu đất bên trái trước khu chùa. Như thế kể từ năm 1870 đến 2002 khu di tích tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám đã hình thành và ra đời từng bước trên cơ sở tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng thờ cúng người có công của người Việt.

Khu di tích này hiện nay gồm có: Đình Trũng, Chùa Trũng, Văn Chỉ, Tam quan, Cố trạch Hoàng Hoa Thám, Đền thờ Hoàng Hoa Thám. Người dân làng Trũng rất tự hào rằng: chính mảnh đất làng mình là nơi mà thời niên thiếu, người lãnh tụ kiên cường của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã sống từ khi 4-5 tuổi đến lúc ông 17 tuổi. Làng Trũng cũng là địa phương duy nhất có ngôi đền thờ anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

CG

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 20,414
Total visited in day: 59,391
Total visited in Week: 326,936
Total visited in month: 771,369
Total visited in year: 1,480,694
Total visited: 2,899,198