|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên xưa nay vẫn là vùng đất có nhiều sự tích, huyền tích, như chuyện cô tiên giáng trần, say với hạ giới mà ngủ quên thành núi cô tiên nằm ngủ. Hay chuyện đền thiêng bên gốc gạo ở làng Đầu Cầu thi thoảng vẫn nghe tiếng bình văn. Rồi câu chuyện về huyệt đất quí trên núi Mấy, hay chuyện về đất học Đạm phong xưa nâng bước cho Nguyễn Đình Tấn trở thành một trong 4 vị tiến sỹ hiếm hoi của đất Yên Thế. Vùng quê này không có núi cao sông sâu bao bọc. Nhưng người xưa bảo, quan trọng đâu phải là núi cao hay sông sâu, vấn đề là có tiên, rồng trú ngụ hay không. Có tiên ở, có rồng ẩn là có linh khí thì lập tức nơi ấy trở thành núi thiêng, sông thiêng. Cao Thượng tự hào khi có núi thiêng ấy.

Gọi là núi: Núi Mấy thực ra thì ngọn núi này rất thấp ước chừng vài chục mét và thua xa núi Dành ở Liên Chung, hay núi Phúc ở xã Phúc Sơn. Nhưng có lẽ cũng không cần cao nếu trên núi có gì đó để mà kể. Núi Mấy bây giờ nằm án ngữ ngay tại ngã tư Cao Thượng. Bên trái là dãy núi Yên Ngựa. Bên phải là khu đồi thấp hình như con Qui với các làng cổ: Bậu Bùi, Trám.    Từ Bắc Giang theo lộ 17 qua ngã tư Cao Thượng nhìn lên thấy núi Mấy như đột khởi, cao sầm sập  giữa trung tâm huyện lỵ Tân Yên. Khối công sở huyện hầu như tất cả dựa lưng vào đây, thế núi vô cùng vững chắc. Nhiều năm về trước, khi con đường từ thị xã Bắc Giang Về Tân Yên còn mang tên Tỉnh lộ 284, thì ngay dưới chân núi Mấy còn có một tấm biển bê tông cũ kỹ trên đó đề: Di tích Khởi nghĩa Yên Thế. Chỉ từng ấy thôi nhưng khiến mọi người thấy nó vô cùng quan trọng: Chúng ta đã bước vào địa hạt, nơi hơn 100 năm trước đã nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên thế kéo dài 30 năm làm rung chuyển cả trời Tây. Tấm biển bê tông ngự ở đó quá lâu rồi, chữ mờ đi. Năm 2002  huyện Tân Yên mở hội Cầu Vồng lần thứ nhất tại trung tâm huyện. UBND huyện chỉ đạo Trung tâm VHTT huyện làm lại chữ trên tấm biển này. Thay vì đắp lại, thì nhanh và rẻ nhất là cắt chữ dán giấy và ông Giám đốc Trung tâm VHTT huyện khi đó đã làm như vậy. Sau hội, chữ rơi ra, rồi tấm biển cũng di đi đâu mất. Tân Yên mất đi 1 điểm ghi dấu ấn lịch sử quan trọng. May mà lòng người thì vẫn nhớ. Trong cuốn sách phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống Thực dân Pháp xâm lược 1884- 1913 tác giả Nguyễn Văn Kiệm viết: Nơi phát sinh và cũng là địa bàn chính của Nghĩa quân Yên Thế là tứ giác gồm có các đỉnh: Nhã Nam, Hương Vĩ, Mỏ Trạng,  Na Lương. Trong đó phần phía Đông nam của Tứ Giác này có các địa danh: Mục Sơn, Hòa Mục, Hữu Mục, Lục Liễu…Cao Thượng là cửa ngõ để bước vào vùng đất cụ Đề  và tấm bia di tích cắm tại chân núi Mấy là điều dễ hiểu.

Có điều, không phải núi Mấy được biết đến từ khi có Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, đúng hơn nó nổi tiếng hơn từ đó mà thôi. Huyện Tân Yên là vùng bán sơn địa, phía tây bắc là những dải đồi tròn thấp dần về phía Đông nam sau đó là những cánh đồng. Không rõ tại sao trong số những dải đồi này có nhiều địa danh lại được người dân gọi là núi. Kể ra thì đấy: Núi Đót, Núi Dành, Núi  Mấy, Núi Yên Ngựa, Núi Đình… có thể chỉ là sự lầm lẫn trong quan niệm và cách gọi. Nhưng cũng có thể là để nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó với vùng đất. Có lần, cũng khá lâu rồi khi đang tản bộ bên núi Mấy, thì có một ông cụ tóc bạc trắng, dáng quắc thước đang ngước nhìn lên núi rồi lẩm bẩm: Dáng thế đều đẹp, đây có 1 huyệt đất quí nhưng đáng tiếc không họ nào có phúc hưởng. Nói rồi ông cụ lại đi tiếp nhưng vẫn ngoảnh nhìn lại như có điều gì đó luyến tiếc. Chả rõ ông cụ nhìn thấy gì trên đó, nhưng trước đây nếu nhìn trên bản đồ vệ tinh thì thấy khá rõ, trục đường 295 đoạn từ Chợ Mọc về Bưu điện trung tâm thẳng tắp, lao vào chân núi Mấy. Phía trên lưng chừng núi có một thung nhỏ hình  như cái ngai, cây cỏ xanh um tùm. Nói như dân gian “khum khum gọng vó, chẳng nó thì ai. Tò mò lên núi xem thử, trên đó có cái miếu nhỏ và rất nhiều mộ táng quanh đây. Chắc lời cụ già kia không phải là không có lý. Sau này khi dân phố Hoàng Hoa Thám, phố Mới làm đình, dựng chùa rồi đền Mẫu cái thế đất kia tự dưng mất đi. Đồ rằng phải dân phố ở đây sau đó phải tổ chức cầu an mới yên.  

Trở lại với câu chuyện về Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Thực dân Pháp đánh giá Cao Thượng – Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân tài, vật lực, là Trạm liên lạc với nghĩa quân Cao Biều Tổng Bưởi, Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân và Nghĩa quân Bãi Sậy. Sự tồn tại của hai cứ điểm này qua cái nhìn của người Pháp sẽ khiến cho dân chúng nổi loạn ở khắp nơi và càng làm cho nghĩa quân coi mình là vô địch. Vì vậy phải triệt hạ. Với nghĩa quân Yên Thế, tại Cao Thượng thì núi Mấy, núi Yên Ngựa là cao hơn hẳn và nó như cái chốt chặn giặc. Chính nơi đây đã diễn ra rất nhiều trận đánh dữ dội giữa Nghĩa Quân Yên Thế với thực dân Pháp. Sử sách ghi rằng: Tháng 11.1889 để giải vây cho Cai Biều Tổng Bưởi, Hoàng Hoa Thám tập trung quân tinh nhuệ về Cao Thượng. Ngày 28.4. 1890, Pháp điều 200 quân tấn công và tổn thất nặng. Sau đó nghĩa quân từ Cao Thượng đánh lên Đồn binh Bố Hạ và 100 tinh binh đánh về Sen Hồ. Ngày 6.11.1890 Pháp đềi hai đạo quân Bắc Ninh, Thái Nguyên tập kết về Phủ Mọc, đạo quân Bố Hạ chiếm lĩnh Luộc Hạ. Tại Cao Thượng, Đề Thám cùng 60 nghĩa binh chặn đánh Pháp. Trận chiến kéo dài đến ngày mùng 9 và nghĩa quân chỉ lui đi khi Pháp điều thêm viện binh đến….  

Núi Mấy và những câu chuyện xung quanh ngọn núi này thì còn dài dài, nhưng có lẽ giờ núi Mấy được nhiều người biết đến hơn và hay lui tới còn bởi từ một lý do khác. Năm 1957 khi chia tách Yên thế thành huyện Tân Yên và Yên Thế thì sau đó Cao Thượng trở thành trung tâm huyện lỵ, núi Mấy đã được chọn để xây dựng Tượng đài thờ các anh hùng liệt sỹ huyện Tân Yên. Trong hai cuộc kháng chiến thánh thần của dân tộc, Tân Yên có hàng chục ngàn thanh niên nam nữ lên đường tòng quân giết giặc. Trong số này có 2. 721 người đã hy sinh trên các chiến trường. Tiếp sau đó đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân huyện nhà, ngày 11.7.2015 huyện Tân Yên khởi công xây dựng Đền thờ liệt sĩ huyện Tân Yên. Đền ngoảnh mặt về hướng Nam. Qui mô bề thế với trên 8 nghìn m2 gồm các hạng mục: Tam quan, Đền thờ, nhà treo chuông, treo khánh, nhà tạo soạn - bảo vệ, Am hóa vàng và các hạng mục phụ trợ khác. Ngôi Đền được khánh thành vào ngày 27. 7. 2017.  

Như một sự trùng hợp, cùng thời gian này Tân Yên cũng triển khai Dự án Khu đô thị An Huy thị trấn Cao Thượng với quy mô gần 60  ha. Ngoài những khu nhà mới, đường xá mới là Quảng trường Lương Văm Nắm – vị thủ lĩnh đầu tiên của Nghĩa quân Yên Thế sát ngày dưới chân núi. Năm 2018 Tân Yên mở rộng cụm công nghiệp Đồng Đình từ gần 30 ha lên trên 66 ha. Năm 2020 nhập xã Cao Thượng và thị trấn Cao Thượng. Rồi từ tỉnh lộ, đường 284 xưa giờ nâng cấp thành Quốc lộ 17 và đang được cải tạo sửa chữa. Tháng 7.2020 Tân Yên được công nhận huyện NTM và là một trong 3 huyện của Bắc Giang đã đạt đích. Miền quê này đã mang một dáng vẻ mới. Giữa hiện tại với quá khứ của vùng đất dưới chân núi Mấy đang có sự truyền thừa và phát huy. Lớp thế hệ Tân Yên hôm nay đã và đang dàn binh bố trận cho một cuộc chiến mới mà trung tâm xoay quanh vùng đất Cao Thượng  để làm cho dân giàu, huyện mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ Đền thờ Liệt sỹ  trên núi Mấy có thể bao quát cả vùng rộng lớn gồm Cao Thượng, Cao Xá, Hợp Đức, Ngọc Lý…Từ trên đó sẽ có một tầm nhìn để ngắm vùng đất xung quanh mình đang ngày đêm thay da đổi thịt trong hội nhập vào nền kinh tế chung của tỉnh  Bắc Giang và cả nước.

Xuân này có về đất cụ Đề, qua Cao Thượng - cửa ngõ vùng đất thiêng cụ Đề năm xưa mà không lên Đền thờ các anh hùng Liệt sỹ thắp nén tâm hương và vãn cảnh nơi đây thì thật là một sai lầm. Trong tiếng gió đông bắc xào xạc thổi về, nơi đây như có cả tiếng đất rì rầm kể chuyện đánh Pháp của quân cụ Đề, rồi theo Việt Minh đanh đuổi Nhật, Pháp, công cuộc trường chinh đánh giặc Mỹ. Ngôi đền thờ các anh hùng Liệt sỹ còn tươi mầu sơn mới, nhưng trong tâm thức của người dân nơi đây giá trị tâm linh nằm ở chỗ những cống hiến, đóng góp và hy sinh của lớp người đi trước và phải trân trọng ghi nhận, gìn giữ. Núi Mấy đang là điểm đến và là một phần lịch sử quan trọng của Tân Yên.

                                                                              Châu Giang

Chủ nhật, 19 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 9,216
Total visited in day: 167,575
Total visited in Week: 167,574
Total visited in month: 612,007
Total visited in year: 1,321,332
Total visited: 2,739,836