Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/BTG ngày 26/8/2013 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Yên về việc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nội dung một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị- xã hội.

Thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/BTG ngày 26/8/2013 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Yên về việc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nội dung một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị- xã hội. Nhằm cung cấp tài liệu phục vụ chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 và liên hệ với "phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp". Ban Tuyên giáo Huyện uỷ giới thiệu khái quát một số nội dung chính  phần V tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"; tác phẩm "Dân vận"; tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

TÁC PHẨM "SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC"

Trong suốt cuộc đời hoạt động thực tiễn và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng rất to lớn, đó là các bài nói, bài viết thể hiện các quan điểm tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là "tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta". Hiện nay, chúng ta đã biên soạn được 3.300 tài liệu của Người trong bộ HCM toàn tập (15 tập), xuất bản lần thứ 3 năm 2011.

Trong số hơn 3000 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có 5 tác phẩm của Người được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/10/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia(đợt 1) gồm 30 bảo vật.

05 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm:

- Cuốn Đường Kách mệnh”.

-  Tác phẩm Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù).

- Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

- Bản thảo Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

- Bản "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969).

"Sửa đổi lối làm việc" làmột tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết và hoàn thành vào tháng 10 năm 1947 với bút danh X.Y.Z, khi nhiệm vụ xây dựng, cũng cố chính quyền, xây dựng Đảng có những chuyển biến mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Tác phẩm được phát hành lần đầu năm 1948 làm tài liệu sinh hoạt bắt buộc trong Đảng để cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng trên các mặt tư tưởng, đạo đức và phương pháp làm việc. Tác phẩm được in trong bộ Hồ Chí Minhtoàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 269 - 346.

Trong phần V “Cách lãnh đạo”, Hồ Chí Minh đề cập đến ba vấn đề:

(1)Lãnh đạo và kiểm soát

(2)Lãnh đạo thế nào?

(3) Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.

1. Về lãnh đạo và kiểm soát.

- Ngay từ đầu Người khẳng định: "Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”.

Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình. Lãnh đạo phải gắn liền với học hỏi kinh nghiệm của quần chúng.

Ở phần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa "Thế nào là lãnh đạo đúng?".

Thứ nhất, phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Bác nói: "Mà muốn thế (tức quyết định mọi vấn đề cho đúng) thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta".

Thứ hai, phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. Đảng cần phân công người trong Đảng thực hiện tốt, dựa vào dân để thực hiện

 Thứ ba, phải tổ chức kiểm soát đúng. Muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.

Theo người, để chống bệnh quan liêu, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, theo Người “chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”. Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống (người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình). Hai là từ dưới lên. (Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ các cách sửa chữa sự sai lầm đó). Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên. Theo người “Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”. "Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi".

2. Về phương pháp lãnh đạo.

Người chỉ rõ: "Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”. Tức là, công tác lãnh đạo phải đạt được hai yêu cầu: một là tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất, nhưng phải sáng tạo vận dụng tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tiễn công việc ở từng nơi, từng lúc; hai là, lãnh đạo bằng phương pháp quần chúng.

a)Tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất, đồng thời sáng tạo vận dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đây là “chính sách chung liên hợp với sự chỉ đạo riêng” và giải thích: Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng. Song cần biết "chỉ đạo riêng" nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác.

b)    Lãnh đạo bằng phương pháp quần chúng.

         - Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cách nói: “liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”mà cốt lõi là phân loại quần chúng, rồi động viên những người hăng hái làm đầu tàu, lôi cuốn những người khác cùng tiến lên.

Theo Người, Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người:hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.

Lãnh đạo bằng phương pháp quần chúng là: “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Tức là: Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận, để quần chúng thực hiện. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi thì lần sau sẽ đúng hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.

3. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.

Học hỏi quần chúng nghĩa là học kinh nghiệm, hiểu quần chúng, bàn  bạc, giải thích để có được sự đồng tình của quần chúng.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng.

Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên".

Người căn dặn: Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

Cán  bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trước quần chúng.

Nếu trong những chính sách, những chỉ thị của cấp trên, có khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề ra những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.

 * Giá trị lý luận và thực tiễn của phần V tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"

- Thể hiện một cách cụ thể, sinh động tư tưởng phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng và thực hành phong cách đó của chính mình.

- Đưa ra định nghĩa "Lãnh đạo đúng" là:Quyết định đúng; tổ chức thi hành  đúng; tổ chức  kiểm soát đúng, đây là nội dung quan trọng nhất của phần V.

- Yêu cầu đối với công tác lãnh đạo: Bắt đầu từ quần chúng và trở về với quần chúng. Quần chúng và dân chủ phải gắn chặt, đi đôi với nhau.

- Vì mục tiêu lãnh đạo, chứ không phải a dua, theo đuổi quần chúng.

- Phong cách lãnh đạo phải bằng sự nêu gương, của cán bộ, đảng viên.

Kỳ sau: Tác phẩm dân vận

                                                                                                                         BBT

Chủ nhật, 19 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 10,622
Total visited in day: 180,625
Total visited in Week: 180,625
Total visited in month: 625,058
Total visited in year: 1,334,383
Total visited: 2,752,886