|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Cuộc đời, xấu hay tốt nằm ở lòng mình đâu phải nằm ở khách quan bên ngoài. Biết là thế và thói thường ai cũng có tính hướng hướng thiện, muốn làm điều thiện hy vọng tích đức để bồi phúc ấm cho cháu con rồi sẽ vinh thân phì gia nhưng khi hành xử thì lại không giống nhau…

Trở lại Đồng Thịnh, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên vào một ngày tháng 4. Xưa Đồng Thịnh là một thôn, từ ngày nhập với Nam Cường thôn bên cạnh thì đổi thành Cường Thịnh và  Đồng Thịnh giờ là một xóm, thuộc diện xa nhất của thị trấn Nhã Nam. Đường vào Đồng Thịnh bây giờ đều đã được bê tông hóa dễ đi lắm. Con đường qua đền Đề Truật xưa nền đất, nhỏ và gập gồ nay được mở rộng cũng đã bê tông hóa toàn bộ. Quả là thay đổi không ngờ. Đền cụ Đề Truật giờ khang trang, cổng đền được làm bằng đá ong, đẹp và duy nhất trong huyện Tân Yên khi được làm bằng vật liệu này. Sau đền là hai ngôi mộ nhỏ, vừa được chuyển về, đó là mộ phần của hai vợ chồng cụ Đề Truật. Trở lại Đồng Thịnh lần này chuyện cũng liên quan đến cụ Dương Văn Truật nhưng ở một góc khác - Góc về nhân tình thế thái.…

Số là lâu nay thường được Cục Thi hành án mời đi cưỡng chế một số vụ việc liên quan đến việc phân chia tài sản ở Phúc Sơn, Nhã Nam. Lại đi dự không ít phiên tòa xử về phân chia tài sản ở huyện, cũng có khi đi đến tỉnh. Tựu chung lại là tài sản được nhiều người quan tâm nhất, khiến anh em trong nhà không thể điều hòa được đó là đất và đại thể nó khá giống nhau…Rằng: Hơn nửa thế kỷ trước, ông Nguyễn Văn A xây dựng với bà Trần Thị B…hai vợ chồng sống hòa thuận và chịu thương chịu khó nên rồi cũng qua cái cảnh bần hàn, làm nhà làm cửa và có của ăn của để. Họ có 4 đến 5 người con. Ngày đó chưa ai nói đến sinh đẻ có kế hoạch nên thường vẫn vậy. Các con trưởng thành, họ dựng vợ gả chồng cho các con, thường mỗi đứa ra ở riêng đều được chia cho 1 mảnh đất. Đất ngày đó cũng rẻ chứ không đắt đỏ như bây giờ. Ở lại với hai vợ chồng gìa là con trưởng, cũng có khi là con út. Thôi thì phi trưởng đến út lâu nay vẫn là như vậy. Tưởng thế là hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, rồi hai ông bà thanh thản lần lượt về cõi. Nhưng không phải vậy, khi bố mẹ vừa mất đi mấy anh em trong nhà lục đục. Chúng vốn đã ra ở riêng giờ về đòi họp gia đình và đòi chia đất: “ Đất làm nhà của chúng ta, do chúng ta bỏ tiền ra mua. Giờ bố mẹ mất cả rồi, đây là tài sản chung ai cũng có một phần nên chia đều ra. Lý nó là như vậy”. Khổ nổi trong gia đình khi còn cha mẹ và chưa có cái sự riêng tây thì cả nhà đoàn kết, anh em yêu thương nhau, trên bảo dưới nghe. Hai vợ chồng già lấy đó là niềm hạnh phúc và tin tưởng các con. Thêm một chút về nhận thức pháp luật có phần hạn chế nên cho các con đất làm nhà không lập giấy tờ chỉ nói bằng văn bản miệng. Ra đi không lập di chúc, nếu có trăng trối thì gió cũng đưa đi cả rồi nên mới sinh chuyện. Giờ ai có phận nấy. Đất cát mặt phố, hoặc ở quê nhưng rồi một hôm có cái Quốc lộ chạy qua trước cửa nhà tự nhiên đất trở nên có giá thì sinh sự còn dễ hiểu. Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Tôi có anh bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự, nhưng đất ở quê, xa trung tâm xã đến 7 km, chả biết đến khi nào có tỉnh lộ hay huyện lộ chạy đến, rõ là heo hút nhưng cũng vẫn vậy. Từng hỏi, anh giờ có đất có nhà trên phố huyện vậy thì mấy trăm mét đất ở quê đâu có giá trị gì mà anh em phải tranh chấp. Anh bạn tôi nói: Các anh các chị tôi đều được cha mẹ cho đất để xây nhà riêng. Kinh tế khá cả. Khi còn sống các cụ ở với tôi. Nay mấy trăm mét đất hương hỏa của các cụ để lại, tôi chỉ muốn làm cái từ đường lo phần hương khói cho các cụ vào ngày giỗ chạp, con cháu cũng có chỗ đi về thôi. Nhưng sao mà khó quá. Tranh chấp kiện tụng giờ tan đàn sẻ nghé, anh em từ mặt nhau, con cháu ra đường có gặp cũng chả chào hỏi mình. Không bằng cả người ngoài. Đại gia đình khi không còn tiếng nói chung thì phát sinh mâu thuẫn. Người xưa đã đúc kết: Hết mưa trời lại sáng, có lẽ đúng với qui luật chung của tự nhiên, nhưng với anh em con cháu trong nhà khi đã kiện tụng phải lôi nhau ra tòa thì hết cả nghĩa tình. Sau những chuyện này hẳn “trời” sẽ không sáng. Tình người sao giờ cạn quá, còn gì là phúc trạch để đời như quan niệm và ứng xử lâu nay. Giờ mới thấy thấm thía câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình nghĩa chú ạ. 

Vậy mà ở Đồng Thịnh chuyện lại khác, nhất là khi nó đã diễn ra gần 100 năm nay rồi. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ những sạch sẽ và thoáng mát của anh Dương Văn Thái ở Đồng Thịnh. Anh Thái là chắt của cụ Đề Truật nhưng là chắt ngoại và vốn dĩ mang họ Nguyễn. Cụ Dương Văn Truật - tướng lĩnh dưới thời thủ lĩnh Lương Văn Nắm sau đó là Hoàng Hoa Thám trong Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913). Cụ quê ở làng Chuông Nhã Nam. Trước khi tham gia Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, cụ Dương Văn Truật đã lãnh đạo dân làng Chuông rào làng chiến đấu đánh giặc Khăn Vàng vào làng cướp bóc và chính cụ đã cho xây dựng Lũy đất tại Đồi Mã Giói để chống giặc. Cụ Truật sinh ra 3 người con gái, lần lượt tên là Dương Thị An, Dương Thị Xòe và Dương Thị Nguyên. Sau khi bị giặc Pháp sát hại và bêu đầu ở Nhã Nam (ngày 12-8-1893), bà Xòe cùng những thủ hạ thân tín của cha tìm đủ mọi cách và mất gần chục ngày mới lấy được đầu của cụ về chôn cất ở Đồng Thịnh. Bà An sau này kết hôn với ông Nguyễn Ba Kiên quê ở Yên Phong Bắc Ninh vốn cũng là nghĩa binh Yên Thế. Hai người sinh được hai con trai, con đầu là Nguyễn Văn Tuyên theo họ cha, còn người con thứ 2 được đặt là Dương Văn Đức theo họ mẹ. Lý do đổi sang họ Dương là để sau này còn có người thờ cúng cụ Đề Truật – Dương Văn Truật. Cụ Dương Văn Đức sinh ra ông Dương Văn Đãi, ông Đãi nay đã ngoài 80 tuổi. Anh Dương Văn Thái là con Trai trưởng của cụ Đãi nay cũng đã 54 tuổi. Tính từ đời cụ Dương Văn Đức đến nay cũng đã ngót 100 năm. Những  năm 1970 cháu chắt cụ Đề Truật làm một gian nhà nhỏ lợp phybrro xi măng tại lũy đất trên đồi Mã Giói để thờ cụ Dương Văn Truật. Năm 2014 được sửa sang lại và được xếp hạng Di tích LSVH cấp tỉnh. Năm 2021 Đền Đề Truật được đầu tư xây dựng lại khang trang tố hảo. Bà Nguyễn Thị Dậu – 77 tuổi là vợ của ông Dương Văn Đãi vui vẻ nói: Bây giờ thì chúng tôi vui lắm. Mà không chỉ chúng tôi vui đâu, cả làng này đều vui vì thôn quê thay đổi, đường xá đi lại sạch sẽ phẳng phiu và ngôi đền thờ của Dương Văn Truật giờ đẹp đễ lắm. Công lao của cụ Đề Truật dân Nhã Nam vẫn nhớ và việc chuyển đổi Họ Nguyễn sang Họ Dương để có người hương khói cho cụ mọi người ở đây đều rành rẽ cả. Ngày làm lại đền thờ, mấy hộ gia đình có đất ở Mã Giói đều vui vẻ cho địa phương thu hồi lại để làm đền. Mới đây có hộ lại hiến thêm phần sau đền một khoảng đất rộng để chuyển và đặt mộ phần của hai vợ chồng cụ Dương Văn Truật. Lại hiến cả mái đồi phía bên phải đền để sau này phục dựng lại đoạn lũy đấy ngày xưa. Tất cả lên đến trên 1200 m2 đất.

Hẳn cụ Dương Văn Truật khi đứng lên hô hào dân làng lập làng chiến đấu chống giặc, rồi đầu quân theo thủ lĩnh Lương Văn Nắm đánh thực dân Pháp không hề nghĩ sau này sẽ được tri ân thế nào. Mới hay trong cuộc đời này, chăm làm điều thiện, tích đức mới là thứ tốt nhất để gieo phúc ấm cho con cháu đời sau. Ở Nam Cường bây giờ, cháu chắt của cụ Đề Truật rất đông đúc. Anh em trong nhà đoàn kết hòa thuận làm ăn khấm khá. Các cháu học hành chăm chỉ và giỏi giang. Đất ở thị trấn Nhã Nam giờ quí hơn vàng. Nhưng với người dân Cường Thịnh, nơi đây còn thứ quí giá hơn – đó là tình người.

                                                                                      Châu Giang

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024

User Online: 7,807
Total visited in day: 442
Total visited in Week: 126,122
Total visited in month: 304,124
Total visited in year: 4,604,374
Total visited: 6,022,878