Lăng quan Thái bảo Giáp Chinh Tường

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trên địa bàn huyện ta hiện nay còn lưu lại 3 lăng đá xanh và đều của những người họ Giáp, đó là: Lăng Quận công Giáp Đăng Luân, Lăng Nhiêu chí Hầu Giáp Đình Liên và lăng Thái bảo Giáp Chinh Tường.

Lăng Quan Thái Bảo Giáp Trinh Tường ở thôn Um Ngò, xã Việt Lập được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVIII) cách ngày nay hơn 300 năm và vẫn ở nguyên vị trí như ngày đâu khởi dựng. Theo lời kể của các cụ cao niên địa phương cho biết xưa kia, ở phía trước phần mộ quan Thái bảo Giáp Trinh Tường có một bệ thờ xây bằng đá ong rất đẹp, xung quanh bệ thờ có rất nhiều cây thông cổ thụ. Trải thời gian cùng sự tàn phá của chiến tranh, công trình không còn nguyên vẹn như trước. Bệ thờ, những cây thông cổ thụ và một số hiện vật bằng đá phía trước phần mộ đã bị phá huỷ. Nhân dân nhiều lần hưng công, tu sửa đặc biệt năm 2004 tiến hành trùng tu lớn khu lăng mộ.

Vị trí của lăng hiện nay trên một khuôn viên rộng trên 3000 m2, thoáng đãng ở phía đầu thôn Um Ngò, ngoảnh hướng Tây Nam. Xung quanh lăng có tường bao bảo vệ tạo vẻ đẹp cho cảnh quan di tích và thuận lợi trong việc giữ gìn, quản lý lăng. Hai cổng phụ được bít kín bằng gạch vữa, trên đỉnh bốn cột trụ có đắp hình lá đề cách điệu. Khu thờ lộ thiên có chiều dài 7m, rộng 6,3m. Từ ngoài vào trong, đầu tiên là đôi thạch linh cẩu cao 90cm đang ngồi nhìn thẳng ra phía cổng, trước cổ đeo chiếc chuông nhỏ. Tiếp theo là hai pho tượng vệ sĩ cầm kiếm, rồi đến hai pho tượng vệ sĩ cầm trùy đứng đối diện nhau mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVIII) toát lên vẻ uy nghiêm. Sau cùng, chính giữa khu thờ lộ thiên là bệ thờ được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, ôp gạch đỏ có chiều dài l,54m, rộng 69cm, cao l,55m. Ở giữa bệ thờ có một bia đá cao 65cm, rộng 30cm ghi lại công trạng của vị quan Thái bảo Giáp Trinh Tường bằng chữ quốc ngữ. Phía sau khu thờ lộ thiên, đi qua một khoảng sân nhỏ lát gạch vuông là đến phần mộ của cụ. Năm 2004, nhân dân mới hưng công tu sửa, xây bó vỉa hình chữ nhật và ốp gạch đỏ bao quanh phần mô, giật tam cấp. Toàn bộ lăng mộ có chiều cao l,37m, dài 7,5m, rộng 86m. Chính giữa lăng mộ được trang trí hình cuốn thư.

Bên trái lăng là Từ đường, cảnh quan phía trước rất thoáng đãng với khoảng sân rộng, bằng phẳng, lát gạch vuông, cây cối xanh tốt quanh năm toả bóng mát. Từ đường được xây dựng theo bình đồ kiến trúc kiểu chữ nhất gồm ba gian bình đầu bít đốc, xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, quét vôi trắng, hàng cột phía trước quét ve màu vàng. Trong lòng hai cột đồng trụ đắp nổi đôi câu đối chữ Hán, trên đỉnh trang trí hình quả dành. Chính giữa từ đường trang trí cuốn thư có viêt chữ Hán chân phương “Từ đường tộc Giáp”. Bước qua bậc tam cấp và khoảng hiên rộng 60cm là vào bên trong từ đường. Từ đường có chiều dài 7,2 lcm, rộng 3,89cm gồm ba cửa ra vào. Kết cấu chịu lực bên trong từ đường được tạo bởi 4 vì. Hai vì giữa được tạo bởi hai hàng chân cột có chiều cao nóc 3,15m; 2 vì được gắn kết theo kiểu vì kèo độc trụ, quá giang gác tường, bào trơn, không chạm khắc. Hai vì đầu hồi được xây gác lên tường. Bên trong từ đường còn bảo lưu nhiều hiện vật, như ngai thờ, bài vị, bát hương...Theo tư liệu lịch sử, thôn Um Ngò bao đời nay vẫn được mệnh danh là đất đã sinh ra nhiều nhân tài, hào kiệt làm quan tước dưới triều đình phong kiến. Cư dân trong thôn đa phần là người thuộc dòng họ Giáp. Tiêu biểu cho những con người tài năng, đức độ mang họ Giáp ở làng Um Ngò có quan Thái bảo Giáp Trinh Tường, còn được gọi là Nguyễn Giáp Sùng, Nguyễn Giáp Thái từng giữ nhiều  chức quan dưới triều Lê. Sau khi đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước, ông trở về quê hương là làng Um Ngò, xã Việt Lập an nhàn tuổi già. Khi về sinh sống tại đây, ông nhận thấy đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân địa phương còn nhiều thiếu thốn, một số đình chùa quá nhỏ và chưa có điều kiện hoàn thiện. Vì vậy, ông đã công đức bỏ nhiều tiền của cho nhân dân xây dựng đình Ngò và chùa Phán Thú làm trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Mặc dù từng giữ những chức quan lớn trong triều đình nhưng khi về với quê hương ông luôn hòa đồng cùng nhân dân, hết lòng vì công việc chung của làng xã chứ không hề kiêu ngạo, sống xa xỉ xa rời nhân dân... Tấm lòng đức độ, từ bi và những công lao với dân với nước của quan Thái bảo Giáp Trinh Tường đã được khắc ghi lại trong tấm bia đặt tại đình Ngò có niên hiệu Hoàng triều Cảnh Hưng thứ 35 (1775). Sau khi ông qua đời, nhân dân đã tiếp thờ ông tại đình Ngò, gọi là Hậu thần.  

Di tích Lăng thái bảo Giáp Chinh Tường đã được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2003.

                                                                   CG

Thứ sáu, 03 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,056
Tổng số trong ngày: 3,252
Tổng số trong tuần: 43,282
Tổng số trong tháng: 21,631
Tổng số trong năm: 730,956
Tổng số truy cập: 2,149,460