Lũy Đề Truật ngày ấy bây giờ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Trên địa bàn huyện Tân Yên, ngoại trừ Hoàng Cả Trọng là tướng cũng là con trai cả của Hoàng Hoa Thám được thờ riêng tại Đền thờ Gốc Dẻ hay còn gọi là Đền Đức Trọng còn lại các vị tướng lĩnh khác của Nghĩa Quân Yên Thế thì duy nhất đến nay mới có Dương Văn Truật, tức Đề Truật, Đề Hậu có đền thờ tại Cường Thịnh, thị trấn Nhã Nam: Đền Đề Truật . Với Đề Truật, nhân vật kiệt xuất của đất Nhã Nam, chỉ có thể mượn ý câu thơ của Nguyễn Công Trứ - vị quan thanh liêm, chính trực, tài trí thời nhà Nguyễn mà nói: Trong lang miếu ra tài lương đống; Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.

Trở lại lần này với Đền Đề Truật, lại thêm một lần bất ngờ khi quang cảnh thay đổi đến không ngờ. Ngôi đền cũ đã được hạ giải, và thay vào đó là công trình mới đang vào thời kỳ hoàn thiện. Nhớ lần trước vào tháng 5 năm 2015 lúc đó là UBND xã Nhã Nam tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền Đề Truật, di tích này đã được nhân dân Nhã Nam dụng công tu bổ lại trong thời gian rất ngắn khiến nhiều người phải thốt lên thán phục và có phần kinh ngạc. ....  

Chuyện là, đâu đó vào năm 2010, nhà nhiếp ảnh Vương Lâm ở Cao Thượng cằn nhằn: Các ông chỉ khỏe đi viết ở đâu đâu. Ngay trên địa bàn Nhã Nam có thành có lũy vậy mà không viết. Để càng lâu càng đổ nát rồi mất đi thì tiếc lắm. Nghe nói thì biết vậy, nhưng mãi đến năm 2012 mới lần mò về Đồng Thịnh, sau đó sang Nam Cường để xem. Ở vị trí ngôi đền bây giờ là một bãi sắn rộng, thấp thó gian nhà lợp phybro xi măng. Đó là nơi thờ Đề Truật. Gần đó, thành lũy chỉ còn lại những vệt mờ nổi trên sườn đồi chỗ cao nhất cũng chưa đến 50cm. Trước cũng cao, nhưng người ta cuốc đất trồng sắn nên còn có vậy thôi. Mấy người dân đi qua cho biết vậy. Nếp nhà nhỏ lợp phibrro xi măng đó là do con cháu của cụ làm những năm 1970, được tu bổ thêm vào năm 1995 đề thờ cúng. Kể cũng lạ, trong sử sách viết về Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế nhắc khá nhiều đến Dương Văn Truật, tức Đề Truật, Đề Hậu. Nhưng tư liệu nói về lũy Đề Truật ở Nhã Nam thì không nhiều và chưa coi điểm này là di tích.

Xem lại tư liệu, đi về Nam Cường, rồi Đồng Thịnh gặp gỡ hậu duệ cụ Đề Hậu mới biết thêm nhiều điều. Ra cái lũy này còn có trước cả khi nổ ra Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Dương Văn Truật hay Đề Truật, vốn người làng Chuông, xã Nhã Nam, có học, giỏi võ và đặc biệt có tài bắn tên. Truyền tích làng Chuông Nhã Nam còn lưu lại năm 1871, tàn quân của Ngôn Côn và dư đảng của giặc Cờ Vàng của Thái Bình Thiên Quốc tràn vào đốt phá khu vực Nhã Nam, Dương văn Truật lãnh đạo dân làng Chuông chống trả. Sau nhiều lần giao tranh, Dương Văn Truật tập hợp dân binh lui dân về đồi Mã Giói xây lũy đánh giặc. Lũy đắp bằng đất, trong ngoài 3 lớp, dày hàng mét, dài trên 50m. Năm 1884, khi Đề Nắm khởi binh đánh giặc Pháp, Dương Văn Truật cùng nghĩa binh của mình nhập vào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, trở thành 1 trong 7 tướng lĩnh tài ba của Lương Văn Nắm. Lũy Đề Truật tại đồi Mã Giói trở thành vị trí tiền tiêu theo dõi hoạt động của giặc tại Nhã Nam và trấn giữ con đường Nhã Nam - Khám Nghè. Phía sau Mã Giói là Hang Náu – địa điểm ngày nghĩa binh nghỉ ngơi ẩn nấp, đêm lại tỏa ra đi đánh giặc. Nơi này xưa có 3 cây dã hương cổ thụ mọc kiểu chân kiềng. Trên ngọn cây, Đề Truật lập chòi gác, phía dưới xây lò rèn làm đao, kiếm. Nay cây dã hương không còn nữa, lò rèn cũng bị giặc Pháp phá đi, song quanh khu vực thì vẫn còn những dấu tích, như giếng nước nhỏ dùng để lấy nước cho nghĩa quân và ngựa uống; vũng tròn nhỏ để tôi luyện sắt thép. Biết Dương Văn Truật có vợ và ba con tại làng Chuông, giặc Pháp định bắt để uy hiếp nhưng ông đã kịp đưa vợ con vào khu vực Đồng Cang nay là Đồng Thịnh, ngay phía sau đồi Mã Giói sinh sống, đến bây giờ hậu duệ của cụ vẫn lập nghiệp tại đây. Khi Đề Nắm lui về Hữu Nhuế (thuộc xã Phồn Xương, huyện Yên Thế ngày nay) xây dựng hệ thống phòng thủ, củng cố lực lượng, Dương Văn Truật về Đồng Vương xây dựng hậu dinh, sau này là đồn thứ 3 trong hệ thống 7 đồn của nghĩa quân Yên Thế. Cái tên Đề Hậu cũng ra đời từ đây. Tháng 3-1892, giặc Pháp mở chiến dịch lớn đánh cả 7 đồn lũy của nghĩa quân. Cánh quân do Trung tá Geil chỉ huy tấn công vào các đồn số 1, 2, 6 và 3, khu vực bản La Xa, xã Đồng Vương. Đề Hậu chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quyết liệt, sau đó được lệnh rút vào rừng, rồi về đồi Mã Giói củng cố hào lũy đánh giặc. Sau cái chết của Đề Nắm, theo lệnh của Đề Thám, Đề Truật tham gia vào vụ bắt giữ kẻ phản bội Đề Sặt trả thù cho Đề Nắm. Giữa năm 1893, Dương Văn Truật lên Đu Đuổng tìm Đề Nguyên, Đề Lam đưa quân về Yên Thế hoạt động. Trên đường trở về nghỉ chân tại Bãi Bạc gần thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng, huyện Yên Thế, Đề Truật bị giặc Pháp sát hại. Chúng chặt đầu đưa về treo tại cổng phủ Nhã Nam sau gần một tuần, nghĩa quân Đề Thám dùng mưu mới cướp lại và đưa về chôn cất. Mộ phần của Dương Văn Truật giờ tại Đồng Thịnh.

Di tích Lũy đề Truật dần cũng được mọi người biết đến, nhắc tới. Những thông tin về Đề Hậu và chứng tích thành lũy rốt cuộc cũng thấu đến nơi cần phải đến. Cán bộ nhân dân Nhã Nam dụng công tu bổ, tìm lại những hiện vật liên quan đến Dương Văn Truật và Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Ngành VHTT vào cuộc và đóng góp nhiều ý kiến đối với điểm di tích này. Năm 2014 Di tích Lũy Đề Truật được xếp hạng: Di tích LSVH cấp tỉnh. Ngày 14 tháng 5 năm 2015 cán bộ nhân dân Nhã Nam tổ chức khánh thành Đền thờ Dương Văn Truật và đón nhận Bằng công nhận di tích. Với tất thảy mợi người quanh vùng việc tôn vị công  nhận có muộn nhưng hôm đó là một ngày vui.

Lũy Đề Truật phần còn lại
Đền thờ Đề Truật ảnh chụp năm 2012
Đền Đề Truật năm 2015 

Nam Cường, Đồng Thịnh giờ nhập lại Tổ dân phố Cường Thịnh thuộc thị trấn Nhã Nam. Theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân ở đây, Đền Đề Truật được làm mới lại trên nền cũ giờ đang bước vào thời kỳ hoàn thiện. Lại đi tận Nam Định để đúc tượng cụ Đề Truật. Tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, ngoài hỗ trợ của nhà nước chừng 600 triệu đồng, số còn lại do nhân dân trong thôn và con cháu của Dương Văn Truật đóng góp. Có một chuyện cũng đáng để suy ngẫm, sinh thời cụ Đề Truật sinh ra 3 người con gái và cả ba bà sau nay đều định cư tại Đồng Thịnh. Cô con gái thứ 2 chính là người đã cùng Nghĩa quân Yên Thế ngày đêm tìm mọi cách để lấy lại đầu cha mình từ tay giặc. Việc thờ cúng cụ Dương Văn Truật hiện nay do con bà cả đảm trách. Phận gái như người con gái thứ 2 của cụ Đề Truật mà làm được vậy cũng không có mấy người. Dòng ngoại nhưng chu toàn việc thờ cúng tiền nhân phỏng cũng là chuyện xưa nay hiếm. Dự kiến Hội đền Đề Truật 20 tháng Giêng tới cán bộ nhân dân nhã Nam cùng hậu duệ của cụ sẽ rước tượng về đền.   

Ngôi đền thờ mới đang được hoàn thiện 

Lại nhớ, trong Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hả, xã Tân Trung huyện Tân Yên – nơi phát tích của Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913), người xưa chọn lấy câu đối của Tể tướng Văn Thiên Tường và cũng là thi sỹ nổi tiếng thời nhà Tống để ghi nhận, đề cao ý chí quyết tâm sinh tử đánh giặc của những người nông dân áo vải Yên Thế năm xưa: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử; Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. “Người đời tự cổ ai không chết; Lưu giữ lòng son sáng sử xanh”. Cụ Đề Truật nói riêng và tất thảy với những ông Đề, ông Đốc, Cai, Quản cùng các nghĩa sỹ Yên Thế năm xưa một thời tiếng tăm lừng lẫy đó đây, sử xanh sẽ còn ghi mãi những ngày vẻ vang.

                                                                                    Châu Giang

Thứ hai, 06 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,817
Tổng số trong ngày: 8,092
Tổng số trong tuần: 15,830
Tổng số trong tháng: 45,646
Tổng số trong năm: 754,971
Tổng số truy cập: 2,173,475