Ngày xuân nói chuyện núi Dành

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Năm 2014 UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch tâm sinh thái Núi Dành. Năm 2023 UBND tỉnh ra Quyết định công nhận Điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung. Đó là những bước đi, những dấu ấn để mọi người biết đến và chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp ở nơi đây.

Hệ núi Dành là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót ở xã Phúc Sơn. Đỉnh cao nhất là Chung Sơn cao 117m so với mặt nước biển. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ với trên 30 ha thông và keo và đnag tiếp tục được bổ xung. Núi Dành thuộc địa phận 2 xã Liên Chung và Việt Lập. Bao quanh núi Dành là cả 1 hệ thống Di tích LSVH cũng những giai thoại đậm mầu sắc dân gian kỳ thú. Hệ thống di tích có thể kể đến đó là Đình Vường, chùa Không bụt, Chùa Dành, Đình chùa Um ngò, chùa Thú…Mỗi di tích một vẻ nhưng tất cả đều phụ họa tôn thêm vẻ  đẹp cho Núi Dành. Như chùa Không bụt còn có tên là Chùa Cống Phường ở thôn Hậu xã Liên Chung. Căn cứ vào cây hương đá được tạo tác vào năm 1713 thời Lê Trung Hưng có thể đoán định chùa Cống Phường được xây dựng vào trước năm 1713. Trong chùa vốn có hệ thống tượng Phật thờ trong thượng điện, tại dải ống muống và ở tiền đường. Sang thời Nguyễn (khoảng thế kỷ XIX), nhân dân địa phương đã hóa toàn bộ tượng Phật đất chỉ để lại các bục để thờ vọng (những tượng bằng Phật bằng gỗ nhân dân thả trôi theo dòng sông Thương tại bến Cống Chuông cách di tích chùa Cống Phường 800m về phía đông; số tượng đất được hạ thổ tại hố Nẻo Bụt, trước đây là khu rừng Nẻo Bụt, hiện nay là khu dân cư Rừng Thừa, thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung. Chùa mà không có tượng phật là chuyện hiếm xưa nay. Kế đó không xa là đình Vường. Tên chữ là Thịnh Vượng, do chữ làng Vường mà ra. Đình Vường thờ Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh, hai vị thánh ngự trong cung cấm. Toàn bộ khu đình bao gồm các công trình đại đình và tả vu, hữu vu, sân, vườn, tam quan. Toà đại đình đặt trên đỉnh gò đồi, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ công, gồm ba hạng mục: Đại đình, ống muống, hậu cung. Đại đình có ba gian hai chái. Đây là ngôi đình cổ trên 300 năm tuổi và được gìn giữ gần như nguyên bản.

Cũng rất cổ tích. Tại Việt Lập có Chùa Phán Thú. Theo cây hương đá trước cửa chùa “Nhất đạo sỹ hưng công thiên đài Phán Thú tự phụng phật” niên hiệu Vĩnh Thịnh thời vua Lê Dụ Tông (1705-1715) thì ngôi chùa này có tên chữ là “Phán Thú tự” và xuất hiện khá sớm. Toàn bộ khu chùa có các công trình: Tiền đường, Tam bảo, Thái bảo từ…cùng sân vườn rộng rãi trong một tổng thể thống nhất và cũng từng được giữ gần như nguyên bản. Chùa Thú mới được tu tạo lại. Điều đặc biệt ở đây có những giai thoại dân gian liên quan đến vị quan Giáp Văn Thú phá truyền lời vua ban đến quần thần. Cách đó không xa là đình Um Ngò và câu chuyện về Quan Giáp Chinh Khánh cùng vợ Trịnh Thị Thịnh hưng công làm đình. Khế ước trên bia đá ở đây ghi lại giữ đình cả ngàn năm không mai một. Nhưng chỉ vài chục năm sau do đói kém mất mùa, dân làng phải bán đình để đóng thuế và ghi thêm vào bia nhắc nhở đời sau căn nguyên mất đình. Mới đây Việt Lập đã hưng công làm lại đình to đẹp như xưa và khôi phục thành công Lễ hội Bảo Lộc Sơn. Trong câu chuyện xưa, mọi người cũng thường nhắc đến hội Tam đình ở Liên Chung và Hội Tứ đình ở Việt Lập cùng Nghè Cả, đền Hạ tọa lạc ở núi Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là những vị tướng tài giỏi, thác đi trở thành những vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, giúp dân trừ tai diệt họa, được Nhân dân nhiều đời thờ phụng...Hội Tam đình ở Liên Chung rước kiệu lên đình Giữa. Hội Tứ đình ở Việt Lập hội về đình Um Ngò sau đó rước kiệu lên Nghè Cả hay đền thượng ngày nay. Theo thời gian, loạn lạc, rồi chiến tranh nên những hoạt động văn hóa truyền thống vắng dần…Từ ngày đổi mới Di tích LSVH, Lễ hội và nhiều nghi thức đẹp ở đây được phục hồi. Đền Thượng giờ thuộc về địa phận xã Liên Chung, Đền Hạ thuộc xã Việt Lập và dường như giữa hai địa phương này như đang có cuộc thi đua ngầm. Tranh thủ tuyến đường PT 04 và đường Cao Thượng đi Liên Chung được củng cố, Liên Chung phục dựng lễ hội Đền Dành trong khi Lễ hội Bảo Lộc Sơn ở Việt Lập mãi gần đây mới phục dựng thành công. Lại nói nếu như Liên Chung có gốc sâm trên 60 năm tuổi ở nhà ông Nguyễn Khắc Lư thôn Hậu thì Việt Lập có gốc sâm cổ gần 1 thế kỷ ở nhà cụ Thân Đức Thành ở Đồng Sen. Sâm Nam núi Dành giờ phát triển mạnh cả hai xã và đều có những HTX về sâm nam và công nhận sản phẩm ocop. Nhưng thời điểm này như là vùng sâm nam Liên Chung đang có ưu thế hơn. Tại Núi Dành, khi đền Thượng được trùng tu lại, đường lên đền được làm mới đi lại thuận tiện, du khác thập phương hành hương nhiều theo hướng này. Ở Việt Lập từ khi Kim Tràng đi Liên Chung có tuyến đường mới, đó là lợi thế và Việt Lập cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng Đền Hạ, lại đánh đường cho xe lên tận chân đền. Hẳn năm tới lễ hội hai bên núi Dành sẽ sôi động hơn. Năm 2023 UBND tỉnh ra Quyết định công nhận Điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung vậy là Liên Chung lại đi trước một bước khi phát huy tốt hệ thống di tích LSVH ở núi Dành và những đặc sản của địa phương như Hát ví, Nem nướng, hành tỏi. Ngoài Sâm Nam, Việt Lập có hai làng nghề truyền thống và mạnh về thủy sản cũng như hàng tỏi Chung Sơn. Bởi xa xưa xã Chung Sơn thuộc về Bảo Lộc Sơn và Tổng Bảo Lộc Sơn khi đó kéo dài về tận Tưởng Sơn, nay là Tiến Sơn xã Hợp Đức. Tất cả những địa danh này đều có hành tỏi. Thêm vào đó Việt Lập là xã đầu tiên được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Nếu khai thác phát huy tốt Việt Lập cũng sẽ phát triển mạnh. 

 Lại nói, trên đường PT 04 giữa xã Việt Lập và Liên Chung có một di tích nhỏ, đó là chùa Dành ở dưới chân núi Dành thuộc thôn Hậu xã Liên Chung. Gần đó là tàn tích Đình Giữa. Đây chính là nơi phát tích ra làng Nguộn và làng Hậu xã Liên Chung ngày nay và nguồn gốc Hội Tam đình xưa cũng bắt đầu từ đây. Để phát triển khu du lịch tâm linh sinh thái núi Dành, ngoài trục đường đã nối giữa thôn Đồng Sen xã Việt Lập sang làng Hậu xã Liên Chung có lẽ nên quan tâm đến con đường nối từ làng Hậu, qua Hố Lửa sang Tiến Sơn xã Hợp Đức và quan tâm nhiều hơn đến Chùa Dành. Di tích Chùa Dành xưa nay ít được nhắc đến. Có thêm những mảnh ghép này Khu du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành sẽ hoàn hảo hơn. Trong cái nhìn tổng quan, Liên Chung, Việt Lập đang phát triển mạnh, đặc biệt khi giao thông đi lại được cải thiện và mở mang. Khu Du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành đã được định hình và ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp các ngành và mọi người. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 1528 phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 - đợt 2. Theo danh mục được phê duyệt, Bắc Giang có 1 mô hình phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng đó là mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung- một cơ hội mới lại mở ra cho cả Liên Chung và Việt Lập. Vùng đất này hẳn sẽ còn nhiều thay đổi và đẹp đẽ hơn xưa. 

                                                                                         CG

 

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,363
Tổng số trong ngày: 14,977
Tổng số trong tuần: 43,091
Tổng số trong tháng: 72,907
Tổng số trong năm: 782,232
Tổng số truy cập: 2,200,736