Người có công đưa nghề về làng.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Năm 1990, ông Giáp Huy Thiệp đưa nghề làm chổi tre về làng, hướng dẫn người dân cách làm chổi bán ra thị trường. Làng nghề chổi tre Đông Am Vàng xuất phát từ đây.

Trở lại với Đông Am Vàng, xã Việt Lập, hình ảnh của một miền quê nghèo, đường đất, những căn nhà trình đất giờ đã được thay bằng những tuyến đường bê tông mịn màng, hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang. Ông Nguyễn Văn Bàn, lão nông tri điền, nhân vật đã đi vào nhiều bài báo của 20 năm trước, thuộc diện nghèo nhất làng, một năm chạy ăn tới vài ba tháng giờ cũng đã có ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Đông Am Vàng hiện là một trong những thôn làng khá giả nhất của xã Việt Lập…

Năm đó, cô phóng viên Thanh Tâm có nhã ý mời tôi về Việt Lập: Ở đó nghe nói có 1 nghề rất có triển vọng. Thông tin ban đầu là vậy và chúng tôi về Việt Lập. Đón tại trụ sở UBND xã Việt Lập là anh Giáp Văn Ứng – Chủ tịch UBND xã. Anh Ứng vui vẻ đưa chúng tôi về Đông Am Vàng. Đường đất nhỏ tẹo, cây cỏ rậm rạp khiến cảm giác đi rất xa chứ không như bây giờ đường rộng, bê tông phẳng lỳ. Anh Ứng đưa chúng tôi vào nhà Trưởng thôn Đông Am Vàng Nguyễn Văn Sơn. Sau màn giới thiệu, Trưởng thôn pha trà uống nước và bật mí: Nhà ông Thiệp ngay bên nên cứ thong thả rồi ta sang đó. Qua câu chuyện được biết: Đông Am Vàng là thôn khó khăn nhất của xã Việt Lập. Đồng ruộng Đông Am Vàng đa phần là chân đất cấy lúa chiêm một vụ, vụ còn lại thường trắng nước, khi đó có tới hơn 60% hộ dân trong làng thiếu đói. Ở đây có hẳn một đội quân chuyên đi te vào mùa nước. Vất vả những không làm không được vì không có thêm nghề phụ gì. Gặp gỡ với ông Giáp Văn Thiệp – người đàn ông trên 60 tuổi, dáng vóc nhỏ thó. Khi đó ông Thiệp kể: Tôi công tác ở ngành thuế, năm 1987 về nghỉ hưu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tâm niệm phải tìm lấy một nghề gì đó để mưu sinh. Tiêu chí của ông đặt ra đó là nghề phải dễ học dễ làm và sản phẩm cũng dễ bán. Nghe ra thì tiêu chí đó không cao xa. Nhưng tìm được thì quả là khó. Ông Thiệp đi khá nhiều nơi trong và ngoài huyện nhưng không tìm được nghề dễ học dễ làm. Tình cờ năm 1989 khi đến chơi nhà một người quen, ông nhìn thấy chiếc chổi tre và ý tưởng vụt đến. Ông Thiệp hỏi ý kiến gia chủ rồi tẩn mẩn ngồi tháo chiếc chổi đó ra. Ông đo đếm nan, đinh, dây chạc sau đó lại bó lại. Rồi lại tháo ra, bó lại vài lần. Khi đã nắm được cách thức làm chổi ông về nhà và ngay sau đó ông cùng vợ và 5 người con ngả tre làm chổi. Những sản phẩm đầu tay chưa thật đẹp nhưng cũng bán được với giá từ 2 đến 2,5 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí lãi hơn 50%. Nguyên vật liệu làm chổi khi đó cũng dễ, tre thì Đông Am Vàng vô khối. Kỹ thuật làm chổi sau đó được ông Giáp Văn Thiệp hoàn thiện dần, bình quân mỗi ngày gia đình ông làm ra hơn 60 chiếc chổi. Tiền thu về ông đầu tư vào chăn nuôi và từ đó cuộc sống khấm khá dần lên. Nghề làm chổi ở thôn Đông Am Vàng phát triển khi ông Thiệp hướng dẫn cho anh em họ hàng và bà con trong làng. Bắt đầu từ 10 hộ với 20 lao động tham gia làm chổi, chính qua công việc mọi người nhận thấy chổi tre không cần nhiều công đoạn phức tạp, bất kì người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được. Hơn thế, làm chổi tre giúp người dân nhanh chóng thu được lợi nhuận, không như làm ruộng, phải trông mong vào thời tiết, thiên tai.

Anh Giáp Văn Ứng vốn hay đi các thôn nên biết chuyện về chổi tre của ông Thiệp, tâm đắc với chính cái nghề bình dân này nên anh đã gặp gỡ ông Thiệp và có ý tưởng mở mang nghề này ra trong xã. Việt Lập nghèo lắm, có nghề này dân được nhờ đấy cô chú ạ. Anh Ứng tâm sự. Trong chuyến đi hôm đó, anh Ứng, anh Sơn đưa chúng tôi vào thăm một số hộ dân. Một trong những hộ vào thăm khi đó là ông Nguyễn Văn Bàn. Ngôi nhà trình tường tuềnh toàng, trong nhà hầu như không có gì. Nghèo giáp hạt chạy ăn còn không đủ lấy gì mà mua sắm. Ông Bàn cho biết vậy. Từ khi ông Thiệp làm chổi, gia đình ông Bàn học và làm theo nên cũng đã khá hơn.  Nghề làm chổi tre ở Đông Am Vàng cứ thế phát triển bởi dễ học dễ làm, đầu tư ít vốn, tận dụng được thời gian nông nhàn, cách làm đơn giản, hiệu quả, nguyên liệu sẵn có lại rẻ. Trong thôn các gia đình rủ nhau sản xuất chổi tre nên cao điểm thôn có hơn 60 trong tổng số 163 hộ làm nghề. Bình quân mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 30 nghìn chiếc, mỗi năm Đông Am Vàng ước tính thu về 4 tỷ đồng từ nghề làm chổi. Từ Đông Am Vàng, nghề chổi lan ra Hàng Cơm, Kim Tràng, Đông Khoát. Nghề làm chổi ngoài tre thì cần có cán chổi, dây chạc….và từ đó kéo theo những hộ dân chuyên làm chạc ở Bùi, Hạ Cao Thượng. Trước đường vào Am Vàng xuất hiện cả chợ tre để làm chổi.  Cứ vậy đời sống của người dân nơi đây ngày một đi lên.

Năm 2010, Chổi tre Đông Am Vàng được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là làng nghề. Ông Giáp Văn Thiệp được ghi nhận với tấm bằng: Người có công đưa nghề về làng. Làng nghề làm chổi tre Đông Am Vàng là làng nghề đầu tiên của huyện Tân Yên. Mấy chục năm đã qua. Ông Giáp Văn Thiệp không còn, anh Giáp Văn Ứng cũng đã nghỉ hưu. Nhưng Việt Lập có nghề làm chổi và làng nghề làm chổi - Một việc quả là không hề dễ.    

CG

Thứ sáu, 10 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,270
Tổng số trong ngày: 414
Tổng số trong tuần: 53,118
Tổng số trong tháng: 82,934
Tổng số trong năm: 792,259
Tổng số truy cập: 2,210,763