Sâm Nam - Linh vật núi Dành

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Từ thành phố Bắc Giang đã có thể nhìn thấy dải núi  Dành -  như một trường thành chạy dọc bờ Hữu Thương bao bọc phía Đông xã Việt Lập, Liên Chung ngày nay. Đỉnh cao nhất của núi Dành là Chung Sơn hay núi Chuông. Hàng trăm năm qua nơi đây gìn giữ một sản vật quí – Sâm nam núi Dành.  Quanh núi Dành ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện dân gian, nhờ có sâm nam núi Dành mà chữa lành mắt mẹ vua Tự Đức, từ đó Sâm nam Núi Dành trở thành sản vật tiến vua. Ngày đó nếu làng nào tìm được 1 củ Sâm nam núi Dành nộp lên trên thì năm đó cả làng được miễn thuế. Không chỉ có chuyện dân gian, trong Đại Nam Nhất thống trí quyển 19, về tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), phần Sông núi trang 91 viết: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc thuộc địa giới huyện Yên Thế sản xuất sâm nam và cỏ thi. Xã Bảo Lộc chính là xã Việt Lập ngày nay. Trang 173 lại viết: Cát sâm cũng gọi là sâm nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế. Da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản xuất ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt. Theo dân gian Sâm nam núi Dành chữa được hầu hết các bệnh thông thường.

Vì quí mà Sâm nam núi Dành dần trở nên hiếm. Cho đến những năm 70 của thế kỷ 20 thì Sâm nam núi Dành hầu như tuyệt diệt. Núi Dành chỉ còn sim, mua, guột và sau nay là thông và bạch đàn. Hầu hết những người dân xung quanh núi Dành đều không biết Sâm nam Núi Dành nó như thế nào. Những câu chuyện về Sâm nam núi Dành nếu có nhắc lại thì là chỉ nghe kể lại, xem trong Phương ngôn Xứ Bắc và đọc từ trong sách cổ.

Những tưởng linh vật này một đi không trở lại. Nhưng không, những năm 2010 huyền tích về cây Sam nam núi Dành được xới sáo trở lại và rồi người ta đã phát hiện ra dưới chân núi Dành, trong vườn của cụ Thân Văn Thành ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập - vùng đất thuộc xã Bảo Lộc xưa còn có 1 gốc sâm chừng trên 60 tuổi. Chuyện rằng, cụ Thành có bà mẹ vợ giỏi nghề làm thuốc nam biết rất rõ giá trị của cây sâm nam Núi Dành. Vì thương các các cháu ngoại hay sài đẹn mà ngày đêm bỏ công lên núi Dành tìm sâm nam trồng trong vườn con rể. Rồi cũng tìm được một củ nhỏ...Mới vậy mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ một củ sâm nhỏ giờ lan rộng chùm ra hàng chục mét vuông đất. Gốc sâm nam này được ông Thân Văn Thành truyền lại cho người con trai út là Thân Hải Đăng. Mới hay từng đã có rất nhiều người bỏ công sức lên núi Dành tìm sâm nam hàng năm trời mà không thấy, với Thân Hải Đăng vốn không mấy quan tâm đến sâm nam trong vườn nhưng lại có trong tay một gốc sâm cổ. Đủ biết như thế là duyên phận và linh vật tìm chủ mà nương nhờ.

Năm 2012, ông Đăng được tiếp sức bởi Đề tài khoa học: Bảo tồn và  nhân giống sâm nam núi dành từ Trung tâm KHCN và MT huyện Tân Yên. Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” tại vườn nhà ông Đăng. Qua nghiên cứu cho thấy nhóm chất chính trong Sâm nam núi Dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin...Hàm lượng saponin của Sâm nam núi Dành tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh - loại sâm quý, hiếm nhất thế giới.. Mới hay cho sự tinh tường của người xưa.

Năm 2017, Sâm nam núi Dành được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào diện Bảo hộ và quản lý quyền SHTT cho sản phẩm Sâm Nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang. Năm 2020,Việt Lập thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành và triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây sâm nam. Từ một gốc sâm cổ, bây giờ ở Việt Lập có hành chục gia đình trồng sâm nam, diện tích trên 5ha với hành chục ngàn gốc sâm. Không ít hộ đã có thu nhập từ hàng chục triệu đến trăm triệu từ sâm nam núi Dành. Lại nhớ câu nói của người xưa: "Núi không cần cao trên có tiên ở khắc linh. Đầm không cần sâu dưới có rồng ở khắc thiêng” ý nói về linh vật. Trên núi Dành có linh vật quí đó là Sâm nam và thương hiệu này đã vang danh từ trăm năm trước. 

CG

Thứ hai, 06 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,061
Tổng số trong ngày: 6,934
Tổng số trong tuần: 14,672
Tổng số trong tháng: 44,488
Tổng số trong năm: 753,813
Tổng số truy cập: 2,172,317