Sâm nam núi Dành – Báu vật từ núi thiêng.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Sâm nam núi Dành có từ bao giờ thì khó có thế biết được. Tuy nhiên qua những chuyến đi điền dã tìm hiểu thì vùng Đông Bắc xưa sâm nam không hiếm. Nhưng do bị khai thác quá mức mà đâm ra cạn kiệt. Theo ghi chép trong Đại Nam Nhất thống trí quyển 19, về tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), phần Sông núi trang 91 viết: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc thuộc địa giới huyện Yên Thế sản xuất sâm nam và cỏ thi. Trang 173 lại viết: Cát sâm cũng gọi là sâm nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế. Da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản xuất ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt. Xã Bảo Lộc chính là xã Việt Lập ngày nay và Chung Sơn chính là Núi Chuống, còn gọi là đỉnh núi Dành. Ghi chép trên cho biết: Sâm Nam núi Dành từ xưa đã được đánh giá là loại tốt hơn cả.

Quanh núi Dành ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện dân gian, nhờ có sâm nam núi Dành mà chữa lành mắt mẹ vua Tự Đức, từ đó Sâm nam Núi Dành trở thành sản vật tiến vua. Thời đó, nếu làng nào quanh núi Dành tìm được 1 củ Sâm nam núi Dành nộp lên trên thì năm đó cả làng được miễn thuế. Có lẽ vì quí mà Sâm nam núi Dành dần trở nên hiếm. Cho đến những năm 70 của thế kỷ 20 thì Sâm nam núi Dành hầu như tuyệt diệt. Núi Dành chỉ còn sim, mua, guột và sau nay là thông và bạch đàn. Hầu hết những người dân xung quanh núi Dành đều không biết Sâm nam Núi Dành nó như thế nào. Những câu chuyện về Sâm nam núi Dành nếu có nhắc lại thì là chỉ nghe kể lại, xem trong Phương ngôn Xứ Bắc và đọc từ trong sách cổ.

Những tưởng linh vật này một đi không trở lại. Nhưng không, những năm 2010 huyền tích về cây Sam nam núi Dành được xới sáo trở lại và rồi người ta đã phát hiện cụ Nguyễn Văn Được ở làng Hậu, xã Liên Chung ngay dưới chân núi Dành còn giữ được 1 gốc sâm cổ. Ai cần thì cụ giúp vài lát củ sâm còn lại thì giấu kín. Tiếp đó là phát hiện trong vườn của cụ Thân Văn Thành ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập - vùng đất thuộc xã Bảo Lộc xưa còn có 1 gốc sâm chừng trên 70 tuổi. Chuyện rằng, cụ Thành có bà mẹ vợ giỏi nghề làm thuốc nam biết rất rõ giá trị của cây sâm nam Núi Dành. Vì thương các các cháu ngoại hay sài đẹn mà ngày đêm bỏ công lên núi Dành tìm sâm nam trồng trong vườn con rể. Rồi cũng tìm được một củ nhỏ...Mới vậy mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ một củ sâm nhỏ giờ lan rộng chùm ra hàng chục mét vuông đất. Gốc sâm nam này được ông Thân Văn Thành truyền lại cho người con trai út là Thân Hải Đăng. Sau cây sam của cụ Thân Văn Thành là gốc sâm của cụ Nguyễn Khắc Lư thôn Hậu xã Liên Chung. Thời điểm đó cũng đã hơn 50 năm tuổi. Cụ Lư phát hiện gốc sâm khi làm nương trên núi Dành.

Từ những cá thể sâm nam núi dành đầu tiên của cụ Thành và cụ Lư, năm 2012 và 2013 Trung tâm KHCN và MT huyện Tân Yên thực hiện Đề tài khoa học: Bảo tồn và  nhân giống sâm nam núi Dành tại nhà Cụ Thành và Cụ Lư. Tiếp đó Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” tại vườn nhà Cụ Thành. Kể từ đó sâm nam núi Dành được phát triển và nhân rộng. 

Năm 2017, Sâm nam núi Dành được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào diện Bảo hộ và quản lý quyền SHTT cho sản phẩm Sâm Nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang. Năm 2020,Việt Lập, sau đó là Liên Chung thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành và triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây sâm nam. Hiện nay tại đây có trên 10 các tổ chức cá nhân triển khai sản xuất sâm nam núi Dành theo chuỗi như: HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành (Việt Lập), nhà thuốc Thọ Xuân Đường, HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sâm Việt Nam, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh, Tập đoàn Sâm Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Thìn Dung, Công ty Dược Tràng An, Công ty Cp TMDV sâm nam núi Dành; HTX sâm Nam núi Dành Tân Yên. Và kết quả đến nay diện tích sản xuất sâm nam trên địa bàn huyện có 125ha/150ha so với kế hoạch giai đoạn của đề án 2022-2027, đạt 83% so với kế hoạch giai đoạn; trong đó diện tích trồng tập trung từ 0,5ha trở lên 62ha. Tính đến ngày 30/3/2024 diện tích sâm cho thu hoạch trên địa bàn huyện là 115ha trong đó có 18ha cho thu hoạch củ còn lại đã và đang cho thu hoạch hoa và lá. Một số sản phẩm từ sâm Nam đã được cấp chứng nhận OCOP từ 3-4 như: Hoa Sâm, Củ Sâm, Rượu Sâm....

Để xây dựng thương hiệu và tạo lòng tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã rà soát và đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh cấp 4 mã số vùng trồng với diện tích 8,1 ha. Tích tụ đất kết hợp trồng sâm nam núi Dành gắn với du lịch sinh thái là hướng đang được Tân Yên thực hiện.  

CG

 

Thứ năm, 02 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,928
Tổng số trong ngày: 3,601
Tổng số trong tuần: 37,673
Tổng số trong tháng: 16,022
Tổng số trong năm: 725,347
Tổng số truy cập: 2,143,851