Sâm nam núi Dành- chuyện giờ mới kể.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Khi nói về Sâm nam núi Dành, gần đây có không ít thông tin cho rằng Sâm nam núi Dành ở chỗ này tốt hơn chỗ kia. Lại nói cây sâm cổ phải là ở chỗ này...chỗ nọ…Là người sớm tiếp cận với các gốc sâm nam cổ này, cũng là người lấy những củ sâm nam gửi đánh gía phân tích ở Hà Nội ngày đó, giờ mới kể.…..

Vốn dĩ, sâm nam có rất nhiều ở vùng Đông Bắc này. Tìm hiểu được biết vào những năm 1960 của thế kỷ trước, các HTX đã thu mua khá nhiều sâm nam để xuất đi, do đó nó đã bị khai thác cạn kiệt.  Nay sâm nam vẫn còn. Đặc biệt nhiều ở Lục Nam, Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Sau khi bộ phim Đất Cầu Vồng trong đó có 1 tập nói về cây sâm nam núi Dành được công chiếu, có không ít người từ Thái Nguyên liên hệ về và cho biết Thái Nguyên giờ vẫn còn sâm nam. Ngay như Tam Đảo hiện nay cũng còn giống sâm nam này. Cho thấy cây sâm nam phân bố khá rộng.

Về cây sâm nam, trong Đại Nam Nhất thống trí quyển XIX Tỉnh Bắc Ninh phần Núi  sông trang 91 cũng cho biết thông tin. Phần Thổ sản trang 173 có viết: Cát sâm: cũng gọi là nam sâm, sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn huyện Yên Thế. Da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản ở xứ khác da trắng và nhớt. Năm 1957 huyện Yên Thế chia tách thành huyện Tân Yên và Yên Thế. Núi Chung Sơn chính  là núi Dành, thuộc huyện Tân Yên ngày nay. Điều đó cho thấy sâm nam Núi Dành từ lâu đã được ghi nhận và đánh giá có chất lượng tốt hơn nơi khác.  Còn địa danh xã Bảo Sơn. Xưa huyện Yên Thế có 8 tổng trong đó có Tổng Bảo Lộc Sơn, sau gọi là Tuy Lộc Sơn. Tổng này có 4 xã là: Bảo Lộc Sơn, Chung Sơn, Tưởng Sơn và Kim Tràng. Khi đổi tên thành Tổng Tuy Lộc Sơn thì còn có thêm 2 xã là Lãn Tranh và Liên Bộ vốn tách ra từ Tổng Quế Nham. Trừ xã Tưởng Sơn ngày nay đã cắt về xã Hợp Đức, phần lớn vùng đất này giờ thuộc xã Việt Lập và Liên Chung, trong đó Núi Dành nằm trên địa phận của 2 xã này và đều có sâm nam.  

Đi xem gốc sâm nam trên núi Dành (ảnh CG)
Gốc sâm cổ ước gần 1 trăm tuổi tại nhà cụ Thân Văn Thành, thôn Đồng Sen xã Việt Lập (ảnh CG). 

Như trên đã nói, từng có thời gian sâm nam bị khai thác đến cạn kiệt. Sâm nam Núi Dành cũng chung số phận. Từ những năm 2000 tôi lang thang ở núi Dành tìm hiểu về cây sâm nam nhưng không ai nói. Có người giấu không cho biết, những cũng có người không mấy quan tâm đến nó. Một lần, tiếp cận làm quen với cụ Được ở làng Hậu, xã Liên Chung. Cụ mời uống sâm, kể về cây sâm nam  trồng trên hố….nhưng không cho xem lá. Nói như cụ nó ra lá nào cụ ngắt lá đó để không ai biết. Còn củ sâm củ thái lát ngâm rượu nên không rõ hình thù nó ra sao. Sau lần đó, dù chưa biết cây sâm nam nó ra thế nào nhưng đủ để khẳng định nó còn tồn tại trong dân gian. Rồi qua một người bạn làm ở Đài truyền thanh xã Liên Chung, mua hộ 3 củ sâm và viết bài giới thiệu trên Báo Bắc Giang. Đó cũng là lần đầu tiên sâm nam núi Dành ra mắt công chúng sau một thời gian rất dài im hơi lặng tiếng. Bài báo đăng lên, lại nhận được thông tin bên Đồng Sen xã Việt Lập có sâm nam. Lại đi tìm, gặp và tận tay sờ vào dây sâm vì có bao nhiêu lá bị đàn gà vặt trụi cả. Ngay sau đó tôi và một anh bàn cùng cơ quan mua lưới đưa về nhà cụ Thành và cùng con trai cụ quây gốc sâm nam lại để giữ gìn. Về cụ Được sau đó mất, không rõ có truyền lại góc sâm này không nên khó có thể nói gốc sâm đó tuổi bao nhiêu. Năm 2011 tôi đăng ký và được phê duyệt Đề tài khoa học cấp tỉnh: Khảo sát, đánh giá hiện trạng Sâm Nam núi Dành và đề xuất giải pháp nhân giống Sâm tại 2 xã Việt Lập, Liên Chung huyện Tân Yên. Đề tài thực hiện trong năm 2011 và 2012. Tại Liên Chung, khảo sát bảo tồn gốc sâm cổ tại nhà Ông Nguyễn Khắc Lư. Tại Việt Lập khảo sát bảo tồn gốc sâm nam cổ tại nhà cụ Thân Văn Thành, nay con là Thân Hải Đăng tiếp quản. Tiếp sau đó tiếp cận với ông Dương Văn Viên ở Lãn Tranh 2. Tại nhà cụ Thân Văn Thành ở thôn Đồng Sen xã Việt Lập, gốc sâm đó được mẹ vợ cho từ khá lâu. Dây sâm lan toả mấy chục mét vuông đất. Ước tính ra đến nay đã khoảng 100 năm. Tại nhà ông Nguyễn Khắc Lư ở thôn Hậu, theo như ông kể, 1 lần tình cờ chặt cây, làm đào đất trên núi thấy có hương thơm tỏa ra. Là người có nghề làm thuốc nên biết là cây sâm nên tìm và đưa về nhà trồng. Ước tính đến nay trên 50 năm tuổi.  Gặp gỡ trao đổi với ông Dương Văn Viên ở thôn Lãn Tranh 2. Ông Viên say mê sâm nam núi Dành, nhưng do đi bộ đội nên gác lại niềm đam mê đó. Sau này trở về địa phương ông Viên mới có thể đi tìm sâm nam thực hiện ước mơ của mình. Và cho đến tận năm 2005 ông Viên mới có được 1 gốc sâm. Tính ra đến nay nó được chừng 2 thập kỷ.

Gốc sâm của ông Nguyễn Khắc Lư, thôn Hậu xã Liên Chung ước chừng 50 năm tuổi (ảnh CG)

Về chất lượng giống sâm nam ở Liên Chung và Việt Lập. Sau 3 lần lấy mẫu ở cả 2 địa chỉ trên, đưa ra Viện Sinh Hóa Trường Đại Học NN 1 Hà Nội sau là Học viện NN Hà Nội ghi nhận chất lượng 2 giống sâm như nhau.

Vườn sâm nhà ông Dương Văn Viên, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung phát triển từ gốc sâm trồng năm 2005 (ảnh CG) 

Sâm nam núi Dành – linh vật của núi Dành. Có thể nói đó là duyên trời ban cho miền quê Việt Lập và Liên Chung. Thực tế thì cây sâm nam núi Dành mới phát triển trở lại trong 10 năm gần đây. Còn nó có phát triển được bền vững hay không, có phát huy hiệu quả kinh tế cao hay không còn tùy thuộc vào suy nghĩ, hành xử của những người trồng sâm. Nâng vùng sâm này lên, hạ thấp vùng sâm kia xuống là việc không nên làm. Và cần khẳng định 1 điều, sâm nam núi Dành - Đó là vốn qúi ai biết trân trọng nó thì sẽ có duyên sở hữu lâu dài.       

Châu Giang

Thứ sáu, 03 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,861
Tổng số trong ngày: 2,635
Tổng số trong tuần: 42,665
Tổng số trong tháng: 21,014
Tổng số trong năm: 730,339
Tổng số truy cập: 2,148,843