Tân Yên: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 17,73% năm 2002, đến nay là 4,9%. Số lượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo và người lao động được hưởng lợi từ vốn ưu đãi tăng, các hộ dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đời sống nhân dân được nâng lên, đảm bảo an sinh xã hội.

Quanh quẩn với mấy sào ruộng không có nghề phụ lại phải nuôi 3 con ăn học, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, từ năm 2016 gia đình ông Nguyễn Văn Lư ở thôn Cầu Trại, xã Việt Ngọc rơi vào diện hộ nghèo,  qua bình xét ông được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Yên cho vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế, có vốn trong tay ông mạnh dạn mua bò về nuôi, đồng thời cải tạo vườn tạp đưa các loại cây ăn quả có gía trị kinh tế cao vào trồng. Từ sự cần cù chịu khó lại được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Lư cũng thu về trên 80 triệu đồng từ chăn nuôi bò. Cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, gia đình  ông Lư có thêm điều kiện cho các con ăn học tốt hơn và đến năm 2020 gia đình ông đã thoát nghèo.

Còn với chị Vi Thị Tuyến sinh năm 1985 tại thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa có hoàn cảnh vô cùng khó khăn chồng và con trai chị mất mấy năm trước, chị và cô con gái nhỏ sống nương tựa vào nhau. Năm 2019, chị Tuyến được chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn vay vốn sinh kế phù hợp với số tiền vay 50 triệu đồng chị đầu tư mua đôi bò sinh sản, đến nay chị đã xuất bán được 2 lứa. Có vốn, chị Tuyến mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để tăng thu nhập. Trong đợt rà soát cuối năm 2021, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đồng chí Trương Bắc Lâm - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Bằng nhiều nguồn lực và giải pháp thiết thực, cộng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa trong dân, nhiều năm qua Tân Yên đã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn  4,9% vào năm 2021.

20 năm qua, các chính sách giảm nghèo: vay vốn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ y tế… công tác giảm nghèo của huyện đã đạt hiệu quả tích cực, toàn huyện đã có 16.218 hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ vươn lên làm giàu trở thành chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện ngày càng được chú trọng, từng bước nâng cao chất lượng lao động, góp phần thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện nay toàn huyện có khoảng 113.000 người trong độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, trong đó có khảng trên 30.000 người lao động đang làm công nhân, nhân viên trong các doanh nghiệp, công ty, HTX, khoảng 68.000 lao động đang làm việc tự do. Toàn huyện có gần 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, trên 100 hợp tác xã. Hàng năm căn cứ Thông tư của Bộ Lao động –TB&XH và Kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Phòng Lao động –TB&XH tham mưu UBND huyện Kế hoạch thực hiện điều tra, thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động hàng năm, kết quả điều tra thu thập, lưu trữ thông tin bao gồm thông tin về người lao động, tình trạng hoạt động, nghề nghiệp, trình độ học vấn của người lao động, thu thập thông tin về tình hình hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Kết quả làm cơ sở đánh giá chất lượng nguồn lao động và làm cơ sở xây dựng, triển khai chính sách lên quan đến người lao động. Trong đó có việc vay vốn giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Căn cứ Nghị quyết số 68 về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phòng Lao động –TB&XH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các xã, thị trấn thực hiện rà soát đến các doanh nghiệp sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch có nhu  cầu vay vốn trả lương ngừng việc và vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Kết quả toàn huyện có 2 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay là Công ty CP Đầu tư Sơn Hà, Công ty TNHH Hanoi Ghuyn Sport, tổng số tiền vay 11.683 triệu đồng. Căn cứ Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Phòng LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo xã, thị trấn rà soát đối tượng người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kết quả có 1.093 người lao động đăng ký vay vốn ưu đãi từ chương trình. Chỉ đạo xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai đến đối tượng làm hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn của đối tượng.

Có thể nói, việc rà soát chặt chẽ, thu thập thông tin chính xác, dân chủ, công tâm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo là điều kiện để mọi nguồn lực hỗ trợ đến người dân được kịp thời, đầy đủ. Thông qua đó, địa phương nắm được tình hình, khó khăn của từng trường hợp cụ thể, có giải pháp cụ thể để người dân được tiếp cận, hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó có chính sách ưu đãi tín dụng phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng chính là động lực để mỗi người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước

                                                                       Phương Thảo

                                                                                                            

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 16,685
Total visited in day: 245,848
Total visited in Week: 513,393
Total visited in month: 957,826
Total visited in year: 1,667,151
Total visited: 3,085,654