Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kinh nghiệm với Thường trực HĐND các huyện, thành phố

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Ngày 27/12, tại huyện Tân Yên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 5 và rút kinh nghiệm tổ chức kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Đinh Đức Cảnh - Bí thư Huyện ủy Tân Yên đồng chủ trì.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: Chủ đề hội nghị lần này là "Kinh nghiệm thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND", đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của HĐND nói chung và việc nâng cao chất lượng kỳ họp nói riêng. 

Thẩm tra là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp, tính khả thi của nội dung dự thảo với tình hình, điều kiện phát triển KT-XH của địa phương trước khi trình HĐND. 

Ý kiến thẩm tra của các ban HĐND là một "kênh thông tin" rất quan trọng để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết định, góp phần không nhỏ vào chất lượng kỳ họp,  nhất là chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND. Thực tế trên đòi hỏi hoạt động thẩm tra phải thực sự được chú trọng nhằm phát hiện ra vấn đề chưa phù hợp để đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra quyết định đúng. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong công tác điều hòa, phối hợp, phân công thẩm tra của Thường trực HĐND các cấp và tổ chức thẩm tra của các Ban HĐND. Nhất là về các giai đoạn trước khi tiến hành thẩm tra, trong và sau quá trình thẩm tra.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động thẩm tra có hiệu quả tốt phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố. Nhân tố khách quan là sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có văn bản được thẩm tra. Cụ thể là tuân thủ về thời gian gửi văn bản thẩm tra, cung cấp các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thẩm tra, giải trình, làm rõ đúng, trúng các nội dung còn vướng mắc hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhân tố chủ quan là năng lực thẩm tra, ý thức trách nhiệm của các thành viên Ban trong hoạt động thẩm tra.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đại diện Thường trực HĐND các huyện, TP đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung như: Sau Hội nghị liên tịch thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tiếp tục khẩn trương phân công nhiệm vụ thẩm tra cho các Ban để các Ban chủ động trong hoạt động thẩm tra, đồng thời tiếp tục phối hợp với các ban để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh nếu có.

Các cơ quan soạn thảo, trình báo cáo, dự thảo nghị quyết thẩm tra cần thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật liên quan đến việc thẩm tra. Từ việc xây dựng báo cáo, dự thảo nghị quyết trình thẩm tra; cung cấp thông tin tài liệu phục vụ thẩm tra theo yêu cầu; giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan, gửi báo cáo, hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định...

Kết luận nội dung này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành đánh giá cao những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị. Đồng chí đề nghị thời gian tới, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND hai cấp cần tăng tính chủ động của các Ban và thực hiện đúng quytrình thẩm tra. Cùng đó, phát huy cao độ trí tuệ tập thể, trách nhiệm của các thành viên trong công tác thẩm tra. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động thẩm tra.

Đồng chí cho biết, việc thẩm tra các báo cáo, đề án trình kỳ họp trên nhiều lĩnh vực, nhiều đề án phức tạp, liên quan nhiều nội dung, do vậy đòi hỏi phải phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động thẩm tra thì các báo cáo thẩm tra mới có chất lượng và mới tham mưu được cho HĐND những vấn đề đúng và trúng.

Đồng chí yêu cầu, sau hội nghị này, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, huyện tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm, giải pháp đã trao đổi tại hội nghị này vào hoạt động thực tiễn ở địa phương.

Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh đã họp rút kinh nghiệm về tổ chức kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, công tác điều hành kỳ họp đã được thực hiện theo đúng chương trình, bảo đảm yêu cầu về nội dung, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể và ý thức trách nhiệm của đại biểu. Các nghị quyết được thông qua bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, phù hợp với chính sách pháp luật của nhà nước và thực tiễn địa phương.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành đề nghị đối với đại biểu cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu tài liệu để tham gia thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến đồng thời phát huy quyền của đại biểu trong thảo luận và quyết định tại kỳ họp; quan tâm nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết bảo đảm các nghị quyết được thông qua thực sự phát huy hiệu quả.

Đối với Tổ đại biểu cần nắm và quản lý chặt chẽ tình hình đại biểu thuộc tổ động viên khuyến khích các thành viên trong tổ tích cực tham gia phát biểu đóng góp trong thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chủ động đề xuất với chủ tọa những vấn đề liên quan của kỳ họp. Trước đó, các đại biểu đã đi thực tế thăm quan một số mô hình kinh tế, di tích lịch sử ở các xã Liên Chung, Cao Xá.              

     Phương Thảo

 

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17,641
Tổng số trong ngày: 7,169
Tổng số trong tuần: 51,375
Tổng số trong tháng: 81,191
Tổng số trong năm: 790,516
Tổng số truy cập: 2,209,020