Tiềm năng đầu tư - phát triển

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, xưa kia thuộc miền Hạ của Phủ Yên Thế, nơi đã được ghi nhận bằng câu phương ngôn "Trai Cầu Vồng Yên Thế" có diện tích tự nhiên là 2.038 km2, nằm ở toạ độ không gian 1060 - 106011'' độ kinh Đông, 21018 - 21022 độ vĩ Bắc; phía Bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Yên Thế, phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà, phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang . ở phía Đông của huyện, sông Thương là ranh giới tự nhiên với huyện Lạng Giang, huyện 5 đường tỉnh lộ qua theo hướng Bắc - Nam và hướng Đông - Tây gồm: đường 397, đường 398, đường 294, đường 295 và đường 297.  Đặc điểm địa hình đồi núi thấp, thoai thoải hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao trung bình là 10 - 15 m so với mặt biển. Điểm cao nhất là Núi Đót 221,8m, thuộc xã Phúc Sơn nằm ở cực Tây, điểm thấp nhất là cánh đồng Chủ 1m ở xã Quế Nham. Thổ nhưỡng của huyện diện tích 20.332 ha, có 2 loại đất chính hình thành từ hai nguồn gốc: Loại đất hình thành tại chỗ do phong hoá đá mẹ và loại đất hình thành do phù sa sông bồi tụ. Hiện này Tân Yên có 20 xã, 2 thị trấn.

Những năm qua cùng với sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong hành động, tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã; sự đồng thuận, chung sức của nhân dân trên địa bàn; sự đóng góp to lớn, thiết thực của các doanh nhân, doanh nghiệp- những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, huyện Tân Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ, diện mạo từ thành thị đến nông thôn đổi thay rõ rệt; tiềm năng đang từng bước được khơi dựng, từ đó đã khẳng định được vị thế của huyện đối với sự phát triển chung của tỉnh. 9 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt trên 70% kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất đạt 13.865 tỷ đồng, đạt 67,8% so với kế hoạch, bằng 110,2% so với cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt  3.833 tỷ đồng, ngành Công nghiệp- xây dựng 6.602 tỷ đồng, ngành thương mại dịch vụ 3.430 tỷ đồng; thu hút, thành lập mới 56 doanh nghiệp, đạt 93,3% kế hoạch, bằng 124,4% so với cùng kỳ nâng tổng số doanh ngihệp trên địa bàn 635 DN; thành lập mới 08 HTX nâng tổng số HTX trên địa bàn là 135 HTX.  

Trong công tác quy hoạch: Xác định công tác quy hoạch được là khâu đột phá, làm tiền đề để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tân Yên đã tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, đến nay cơ bản hoàn thành điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Tân Yên, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Cao Thượng và đang triển khai quy hoạch chung các xã để tích hợp và đồng đồng bộ với quy hoạch tỉnh được phê duyệt; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập quy hoạch chi tiết 15 khu đô thị, khu dân cư… để thu hút đầu tư vào địa bàn. Do làm tốt công tác quy hoạch nên huyện đã định hướng được từng vùng không gian phát triển, đồng thời làm tốt việc công khai quy hoạch, giúp người dân hiểu rõ định hướng phát triển của huyện, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi triển khai thực hiện các dự án, nhất là về giao thông kết nối vùng. Xác định việc huy động các nguồn lực, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đang là điểm nghẽn, nút thắt cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó tập trung chính vào phát triển hạ tầng giao thông; từ đó đã ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tuyến giao thông kết nối với các đường quốc lộ, tỉnh lộ, các vùng kinh tế ngoài huyện. Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các tuyến đường do tỉnh đầu tư như đường nối từ QL.37-QL.17- Võ Nhai (Thái Nguyên); đường nối Quốc lộ 37 - Quốc lộ 17 - tỉnh lộ 292 (đoạn Việt Yên - Tân Yên - Lạng Giang), tuyến nhánh Cải tạo nâng cấp ĐT.294; phối hợp rà soát, chỉ đạo giải phóng hàng lang dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 295 đoạn từ cầu Bến Tuần, xã Hợp Đức đến cầu Bỉ xã Ngọc Thiện (dự kiến thi công năm 2024). Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trọng điểm của huyện như đường Hoàng Quốc Việt đoạn BCH Quân sự đi Hợp Đức, Đường liên xã từ QL17 (đoạn gần thị trấn Nhã Nam) đi Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang…Tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông, tổ chức bàn giao quản lý mốc lộ giới đường tỉnh, quốc lộ, vị trí cắm mốc lộ giới nhằm giảm thiểu các tai nạn giao thông, đặc biệt tại các khu vực điểm đen, khu vực tiền ẩn nguy cơ gây mất ATGT trên địa bàn, rà soát các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn huyện, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông tại các điểm trên. Có thể khẳng định, đến nay, các tuyến đường đều được đầu tư xây dựng với quy mô đường cấp 3 đồng bằng; hạ tầng giao thông của Tân Yên đã được cải thiện rõ rệt, có tính kết nối cao, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới.

Về phát triển công nghiệp: Xác định rõ quan điểm lấy phát triển công nghiệp làm động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, chuyển dịch kinh tế của huyện và tạo đà phát triển các lĩnh vực khác. Huyện đã tích hợp vào quy hoạch của tỉnh với 05 khu gồm KCN Tiền Sơn 125ha,  KCN Thượng Lan- Ngọc Thiện 142ha, KCN Quế Nham 200ha, KCN Ngọc Lý (140ha); KCN Ngọc Thiện 150ha và 8 cụm công nghiệp: Đồng Đình (66,1ha), Lăng Cao (48ha), Kim Tràng (52ha), Ngọc Châu (48ha), Liên Sơn (40 ha), Việt Ngọc (49ha), Ngọc Vân (66ha) và CCN Minh Đức- Ngọc Lý (35ha) với tổng diện tích 1.188ha (bằng 15,9% so với tổng diện tích công nghiệp toàn tỉnh giai đoạn 2023-2030). 9 tháng đầu năm 2023, huyện đã thu hút và thành lập được 01 CCN (CCN Ngọc Vân), nâng tổng số CCN trên địa bàn là 03 CCN. Hiện nay, CCN Đồng Đình đã có 11 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, đã thực hiện giao đất phần mở rộng được 33 ha, đạt 67%, CCN Lăng Cao đã được giao đất 33,29 ha, đạt 69%; hoàn thành lập QH chi tiết và thu hút đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, huyện sẽ thu hút và thành lập 05 cụm công nghiệp còn lại và 01 Khu công nghiệp Ngọc Lý với diện tích 140ha để thu hút đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh đó, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống ở nông thôn luôn được chú trọng phát triển; đến nay, trên địa bàn huyện có 03 làng nghề, 40 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 3.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động; một số sản phẩm, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định và đóng góp vào tỷ trọng ngành công nghiệp của huyện như Mỳ gạo Châu Sơn, chổi tre, chổi chít xã Việt Lập, bánh Quế Hưng Phú, rượu Giáp tửu....

Hệ thống lưới điện được nâng cấp, cải tạo, tập trung nguồn lực xây dựng mới 5 TBA; 3,95 km đường dây trung thế và 3,39km đường dây hạ thế, cải tạo sửa chữa lớn các nhánh đường và các trạm biến. Tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo ổn định cung ứng điện trên địa bàn.  Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn có nhiều chuyển biến theo hướng mở rộng các loại hình dịch vụ mới phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đô thị hóa và đời sống nhân dân. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, duy trì hoạt động 13 chợ, 37 cửa hàng xăng dầu, trên 200 cửa hàng kinh doanh LPG và trên 5.000 cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Các sản phẩm nông sản, đặc trưng của huyện ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và sử dụng thông qua các chương trình quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đã xây dựng và kích hoạt Sàn thương mại điện tử nông sản huyện Tân Yên, hiện đang chỉ đạo nhân rộng đến 100% số xã thực hiện.

Về phát triển nông nghiệp: Trước xu thế chung về diện tích sản xuất nông nghiệp có chiều hướng giảm, đồng thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ ngày càng cao, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, chú trọng ứng dụng số hóa để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực đặc trưng của huyện; công tác xúc tiến thương mại được đổi mới, tập trung tìm kiếm các thị trường xuất khẩu và đến nay đã tiếp cận được các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao như: Nhật Bản, Mỹ và các nước Châu Âu. Trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, Tân Yên đã chỉ đạo tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với chăn nuôi thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Toàn huyện hiện có 187 trang trại. Với kết quả đạt được, huyện Tân Yên vẫn là điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của tỉnh với tổng giá trị sản xuất hằng năm chiếm khoảng 17% so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong triển khai thực hiện. Tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, đến nay đã có 6/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 53 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mơi kiểu mẫu; có 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao (trong đó có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao). Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, chuyển biến rõ nét nhất chính là trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ nhân dân. Các kết quả trên là động lực, là nguồn cổ vũ, động viên và là nguồn lực to lớn giúp Tân Yên vượt qua khó khăn, thách thức, hiện thực hóa ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên, trở thành vùng đất mới bình yên và phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

CG

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17,019
Tổng số trong ngày: 12,882
Tổng số trong tuần: 40,996
Tổng số trong tháng: 70,812
Tổng số trong năm: 780,137
Tổng số truy cập: 2,198,641