Thứ hai, 20/05/2024

Đường dây nóng huyện Tân Yên Đường dây nóng huyện Tân Yên

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Như đã thông tin: UBND huyện Tân Yên đã phát động Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) huyện Tân Yên. Đây là miền quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Đình Hả, xã Tân Trung 

Đây là vùng đất cổ. Tại Phúc Sơn nay vẫn lưu giữ mộ Nàng Giã Đại Thần và những giai thoại dân gian về vị nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Tiếp đó là vùng đất Vân Cầu với câu phương ngôn xứ Bắc; Trai Cầu Vồng Yên Thế. Là Bảo Lộc Sơn với lễ hội vinh danh những người có công với nước. Là nơi lưu giữ giống sâm nam quí giá từng một thời tiến vua. Tại Đình Hả xã Tân Trung – lưu dấu người anh hùng Lương Văn Nắm và là nơi phát tích Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884- 1913). Tại Ngọc Châu hiện nay  có Khu lưu niệm Hoàng Hoa Thám và trong cuộc khởi nghĩa này hai vị thủ lĩnh nổi danh: Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám đều cư ngụ ở Yên Thế Hạ (Tân Yên).

Để thuận tiện cho các tác giả tìm hiểu về miền đất Tân Yên – Yên Thế Hạ, chúng tôi xin đăng những thông tin cơ bản nhất về miên đất này phục vụ tác giả tham dự Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Tân Yên.

 

BÁO CÁO

Phục vụ tác giả tham dự Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Tân Yên

(Ban hành kèm theo Thể lệ số....../TL-BTC ngày...../4/2024 của Ban Tổ chức Cuộc thi )

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH HUYỆN

Ngày 06/11/1957, Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 523/TTg chia huyện Yên Thế thành 2 huyện Tân Yên và Yên Thế. Trước thời điểm ấy Tân Yên là phần đất phía nam của huyện Yên Thế mà sử sách dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế Hạ.

Đình Vồng xã Song Vân 

Theo các nguồn thư tịch cổ và sự khảo cứu của nhiều học giả được phản ánh trong các công trình biên khảo về lịch sử và địa lý Việt Nam cho biết huyện Yên Thế có từ thời Lý – Trần với tên là Yên Viễn – với nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng yên bình của nhà vua và triều đình. Yên Viễn lúc này thuộc Bắc Giang đạo (sau là lộ Bắc Giang). Trước đó, thời Bắc thuộc huyện Yên Viễn là đất đai thuộc huyện Long Biên, quận Giao Chỉ (sau là Giao Châu), thời Hùng Vương, An Dương Vương là đất của bộ Vũ Ninh – Một trong 15 bộ của quốc gia Văn Lang – Âu Lạc.

Thời Thuộc Minh đầu thế kỷ 15, huyện Yên Viễn được đổi thành huyện Thanh Yên, châu Lạng Giang, phủ Lạng Giang.

Đến thời Lê Quang Thuận (1460-1469) huyện chính thức có tên gọi Yên Thế. Về mặt sử liệu tên huyện Yên Thế xuất hiện trong sách "Dư địa chí" của Nguyền Trãi trong đó có câu "... Huyện Yên Thế có tên nỏ và vôi... tên tẩm thuốc độc của huyện Yên Thế dùng vào việc chống giặc Bắc, vôi dùng vào việc tạo tác...".

Thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, huyện Yên Thế thuộc phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (năm Minh Mạng đổi làm Phủ Thiên Phúc).

 Năm Minh Mạng thứ ba (1822), xứ Kinh Bắc đổi là trấn Bắc Ninh, đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) gọi là tỉnh Bắc Ninh gồm 4 phủ, hai phân phủ và 20 huyện. Huyện Yên Thế thuộc phân phủ Lạng Giang. Đến năm Minh Mệnh thứ 13 năm 1832, tiến hành cải cách hành chính cả nước. Tên Yên Thế vẫn được giữ nguyên là một huyện thuộc phủ Bắc Hà trấn Kinh Bắc. Huyện Yên Thế khi đó gồm 8 tổng 42 xã.

Ngày 10/10/1895, pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh là Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang khi đó gồm phủ Lạng Giang và các huyện Yên Thế, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Phượng Nhỡn, Phất Lộc, Yên Dũng và Hữu Lũng. Nhưng ngay sau đó ngày 24/12/1895, Pháp lập đạo binh Yên Thế, giải thể tổng Yên Thế, nhập thêm các tổng Hương Vĩ, Hữu Thượng và Ngọc Cục.

Ngày 29/11/1899, Đạo quan binh Yên Thế bị bãi bỏ thay bằng Đại lý Nhã Nam với 11 tổng gồm 8 tổng cũ và sáp nhập thêm 3 tổng là Hương Vỹ, Hữu Thượng (thuộc Hữu Lũng) và Ngọc Cục (thuộc Yên Dũng).

Cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Yên Thế là một phủ thuộc tỉnh Bắc Giang (thuộc phủ Lạng Giang)

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Yên Thế trở lại đơn vị hành chính huyện của tỉnh Bắc Giang, nhưng các đơn vị hành chính dưới huyện không giữ như cũ mà thay đổi như: Bỏ cấp tổng, cấp xã được mở rộng hơn, nhỏ hơn tổng nhưng lớn hơn làng, bao gồm một số thôn, xóm, các đơn vị châu, phủ bị bãi bỏ. Cho đến năm 1957, phần phía nam của huyện Yên Thế (tức miền Yên Thế Hạ) tách ra thành lập huyện mới mang tên Tân Yên, phần còn lại mang tên cũ là Yên Thế.

Như vậy tên huyện đã có sự thay đổi qua các thời kỳ từ Yên Thế rồi Yên Viên (thời Trần) rồi Thanh Yên (nhà Minh) rồi trở lại tên Yên Thế (thời Lê - Nguyễn) và Tân Yên (từ ngày 6/11/1957).

Trong các lần thay đổi có một yếu tố luôn được giữ nguyên đó là "Yên", "An". Điều này phản ánh Tân Yên ngày nay (tức Yên Thế hạ xưa), trong suốt chiêu dài lịch sử là vùng đất xa kinh thành, hiểm yếu, một thời gian dài là vùng đất bình yên, đất lành chim đậu.

II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA HUYỆN TÂN YÊN

1. Vị trí địa lý: Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, xưa kia thuộc miền Hạ của phủ Yên Thế, nơi đã được ghi nhận bằng câu phương ngôn "Trai Cầu Vồng Yên Thế" có diện tích tự nhiên là 208,3 km2, nằm ở toạ độ không gian 1060 - 106011'' độ kinh Đông, 21018 - 21022 độ vĩ Bắc; phía Bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Yên Thế, phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà, phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Ở phía Đông của huyện, sông Thương là ranh giới tự nhiên với huyện Lạng Giang.

Đền Trung xã Ngọc Châu 

2. Địa hình: Huyện Tân Yên có nhiều đồi, núi thấp, địa hình thấp dần từ hướng Tây Bắc - Đông Nam, mang đặc trưng địa hình bán sơn địa, được chia thành 3 vùng là: Vùng đồi núi thấp, vùng trung du và vùng thấp. Độ cao trung bình của huyện từ 10 - 15m so với mực nước biển. Điểm cao nhất là núi Đót (121,8 m) thuộc xã Phúc Sơn, điểm thấp nhất 1,0 m (thuộc cánh đồng Chủ, xã Quế Nham). Địa hình bằng phẳng chiếm khoảng 60,3%, địa hình đồi núi chiếm khoảng 39,7%, là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện.

3. Tài nguyên: Huyện Tân Yên có các nguồn tài nguyên từ đất, nước mặt, tài nguyên rừng, đặc biệt có mỏ barium với trữ lượng đáng kể ở Lang Cao (Cao Xá), núi Dành (Việt Lập). Về đất, có 3 nhóm đất gồm: đất phù sa cổ; đất xám bạc màu; đất Feralitic đỏ vàng,...phù hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, rau màu, cây ăn quả. Nguồn nước mặt ở huyện chủ yếu là hệ thống Kênh chính và Kênh 5 (do Công ty khai thác thủy lợi Sông Cầu quản lý). Ngoài ra nguồn cung nước mặt còn có Sông Thương và hệ thống sông, suối, hồ, đập như: Ngòi Đa Mai, ngòi Đình Vồng, ngòi Cầu Liềng và 88 hồ, đập lớn nhỏ đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Toàn huyện có 1.014,5 ha rừng, trong đó diện tích rừng sản xuất 1.011,5 ha, rừng tái sinh tự nhiên 3 ha.

4. Dân số: Huyện Tân Yên có 20 xã, 2 thị trấn với trên 186.000 người sinh sống ở 317 thôn, tổ dân phố.

III. NÉT NỔI BẬT CỦA HUYỆN TÂN YÊN TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Về lĩnh vực Văn hoá

Lịch sử vùng Yên Thế xưa nói chung và Tân Yên - Yên Thế hạ nói riêng luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vào năm 40 sau Công Nguyên đã có người phụ nữ vùng Yên Thế là bà Dương Thị Giã tức Nữ Giã Đại Thần về tụ dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trải qua thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc rồi qua các triều đại Lý - Trần chắc chắn trên vùng đất Yên Thế vẫn có những cuộc vùng lên của người dân chống giặc phương Bắc, công tích của họ luôn được các thế hệ ghi nhớ qua các hình thức truyện kể dân gian, các huyền thoại, các hình thức tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng trên khắp các làng xã ở Tân Yên. Ngoài truyền thống chống giặc, người dân Tân Yên - Yên Thế hạ còn giầu truyền thống sáng tạo văn hóa tinh thần thể hiện qua vốn di sản văn hóa vật thể (các kiến trúc đình chùa, đền miếu, lăng tẩm, nhà cửa...) di sản văn hóa phi vật thể (ca dao, hò vè, truyện kể...) hết sức phong phú.

Sang thế kỷ XV nhất là thời kỳ cạnh tranh nhằm thôn tính lẫn nhau giữa các thế lực nhà Lê, nhà Mạc rồi Lê - Trịnh, tiếp theo là Trịnh Nguyễn đất nước trong cảnh nội chiến triền miên, vùng Yên Thế một lần nữa lại trở nên sôi động. Thời kỳ này vùng Tân Yên – Yên Thế hạ xuất hiện nhiều nhân kiệt cả hàng văn và hàng võ. Thời Mạc Yên Thế có 4 người đậu tiến sỹ qua các kỳ thi thì cả 4 vị đều là người ở các làng xã vùng Yên Thế hạ (gồm các ông Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Dương Thận Huy, Phùng Trạm); nhiều nhân kiệt hàng võ lập được công tích nên được triều đình phong chức tước và trọng dụng. Nhiều dòng họ có hàng chục người đỗ đạt cao như họ Giáp vùng Bảo Lộc Sơn. Họ Dương vùng Vân Cầu, có tới 18 vị được phong tước Quận công….Có thể nói các thế kỷ 15-16-17 là thời kỳ vùng Yên Thế hạ hun đúc nên truyền thống với danh xưng “Đất Cầu Vồng” và “Trai Cầu Vồng Yên Thế”.

Về Danh xưng “Đất Cầu Vồng” và câu phương ngôn “Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim”:

+ Cầu Vồng vốn là cây cầu làm bằng gỗ dáng cong sơn màu đỏ bắc qua suối Vồng từ thế kỷ thứ XVI([1]). Cầu Vồng nằm ở Tổng Vân Cầu, Phủ Yên Thế  (nay thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Tổng Vân Cầu lại là trung tâm của vùng đất thượng võ với rất nhiều anh hùng hào kiệt nổi danh qua nhiều thế kỷ. Vì vậy Cầu Vồng từ tên gọi một cây cầu cụ thể, nhưng với thời gian Cầu Vồng đã trở thành biểu tượng chung cho một vùng đất thượng võ đó là “Đất Cầu Vồng”.

Câu phương Ngôn “Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim” có lẽ cũng xuất hiện và lan tỏa thời kỳ này và đã góp phần làm rạng danh cho vùng đất Cầu Vồng Yên Thế. Đã có nhiều cách lý giải xuất xứ của câu phương ngôn trên xong đều có chung một cốt chuyện đó là nhằm ca ngợi tinh thần thượng võ quả cảm của những chàng trai Đất Cầu Vồng và sự đảm đang, tài khéo của những người con gái đất Nội Duệ Cầu Lim.

Phát huy truyền thống Đất Cầu Vồng và Trai Cầu Vồng Yên Thế ở các thế kỷ tiếp theo vùng Yên Thế hạ liên tục có các cuộc vùng lên do các vị thủ lĩnh người địa phương lãnh đạo chống lại sự áp bức của triều đình phong kiến nhà Nguyễn và thực dân Pháp xâm lược. Tiêu biểu nhất và vang dội nhất đó là cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do các vị thủ lĩnh Đề Nắm và Đề Thám lãnh đạo đã thu hút hàng ngàn nghĩa binh trong vùng Yên Thế và các nơi khác về tham gia. Như vậy hiểu về vùng đất Cầu Vồng là vùng đất thượng võ và giầu tính nhân văn.

Truyền thống "Đất Cầu Vồng" và "Trai Cầu Vồng Yên Thế" với thời gian đã trở thành di sản tinh thần để các thế hệ người Tân Yên – Yên Thế hạ tiếp nối phát huy, lập nhiều công trạng trong các thời kỳ cách mạng hôm nay và mãi đến mai sau.

+Về Văn hóa vật thể: Toàn huyện có 429 di tích bao gồm đình, chùa, đền,  nghè, lăng mộ… thể hiện dấu ấn về thời gian, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người Tân Yên. Trong số đó có 12 điểm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế, 05 di tích cấp Quốc gia và 76 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh.

Trong hệ thống các di tích QGĐB khởi nghĩa Yên Thế, tiêu biểu có thể kể đến đó là: Đình, chùa Vồng, xã Song Vân, nơi phát tích 18 Quận công họ Dương, khởi nguồn câu phương ngôn Trai Cầu Vồng Yên Thế. Đình Hả xã Tân Trung, nơi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) tế cờ, phát động phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám xã Ngọc Châu - nơi nuôi dưỡng người anh hùng áo vải, quê hương thứ 2 của Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh thứ 2 của Khởi nghĩa nông dân Yên Thế.Tiêu biểu nhất là hệ thống di tích QGĐB khởi nghĩa Yên Thế gồm: Đình, chùa Hả (Tân Trung) - Nơi thủ lĩnh Lương Văn Nắm tế cờ mở đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế; Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám (Ngọc Châu) - Là nơi Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám sống thời niên thiếu và cũng là nơi thờ ông; đình Chuông, Ao ông Chấn Ký, Đồi Phủ - Nghĩa địa Pháp, đền Gốc Khế, đền Cả Trọng, chùa Nam Thiên (thị trấn Nhã Nam); đình, chùa Vồng (Song Vân); đình Dương Lâm (An Dương), đình Cao Thượng (TT Cao Thượng), đình Nội (Việt Lập) - Các di tích còn lại đều là những địa điểm mà một trong 2 thủ lĩnh và các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế thường xuyên lui tới bàn việc quân, thắp hương ăn thề,...trước khi ra trận.

Ngoài 12 điểm Di tích QGĐB khởi nghĩa Yên Thế, Tân Yên còn có các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia trong đó tiêu biểu như:

+ Chùa Kim Tràng – là một trong 3 ngôi chùa cổ của tỉnh Bắc Giang với câu ca "Thứ nhất là chùa Đức La, thứ hai chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng". Tục truyền chùa Kim Tràng là ngôi chùa do một vị thiền sư của phái Trúc Lâm dựng lên.

+ Lăng Giáp Đăng Luân (hay còn gọi là Lăng Phục Chân Đường) được dựng lên (năm 1728) bày tỏ lòng thành kính tri ân với người có công giúp dân mở đất, lập làng. Trải qua trên 300 năm, nhưng lăng Phục Chân Đường vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, trầm mặc và uy nghi. Đây cũng là khu lăng mộ cổ tiêu biểu nhất trên địa bàn huyện Tân Yên. Được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2017.

+ Đình Vường, xã Liên Chung: Là một trong số những di tích tiêu biểu còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Đây là ngôi đình duy nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được hệ thống sàn đình độc đáo.

+ Chùa Tứ Giáp: Là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đặc biệt năm 1946, Công an Khu 12 về đây đặt trụ sở làm việc do đồng chí Hoàng Mai làm giám đốc và tại nơi đây ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai trong đó có nêu 6 nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh” do đó nơi đây được coi là nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân. Năm 2018, nhằm ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho lực lượng CAND, Bộ Công an đã đầu tư xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND, đây là một công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa; là công trình lịch sử văn hóa vĩnh cửu, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Đến Tân Yên thì không thể không ghé thăm khu du lịch núi Dành – điểm tâm linh của hai xã Liên Chung và Việt Lập và cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện. Danh thắng này đang được quy hoạch trở thành khu du lịch tâm linh sinh thái trên địa bàn huyện. Núi Dành không quá cao, chỉ chừng 117m so với mực nước biển. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, lại thêm sông Thương và dòng Nhâm Ngao uốn lượn tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Xung quan ngọn núi có rất nhiều các di tích đình, đền, chùa, nghè, miếu... Từ trên đỉnh núi, có thể ngắm nhìn phong cảnh Bắc Giang hiện lên đẹp như gấm, như hoa. Nơi đây thực là chỗ sơn thuỷ hữu tình, núi cao cảnh đẹp, linh khí hội tụ hun đúc hồn của non sông đất Việt. Chính vì thế, cứ mỗi độ xuân về, các đoàn khách lại về đây để tham quan, vãn cảnh và lễ Phật, cầu may.

+ Về văn hóa phi vật thể: Các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội truyền thống. Hàng năm trên địa bàn huyện có khoảng trên 180 lễ hội lớn nhỏ khác nhau (trong đó có 05 lễ hội trọng điểm cấp xã  đó là: Lễ hội Đình Vồng - Song Vân, Đình Hả - Tân Trung, Đền Dành - Liên Chung, Đền Trũng - Ngọc Châu, Bảo Lộc Sơn - Việt Lập) và 01 lễ hội cấp huyện: Lễ hội Cầu Vồng) và có 01 Lễ hội đình Vồng, xã Song Vân được Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.

Lễ hội Cầu Vồng là lễ hội cấp huyện được tổ chức 05 năm/lần vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch tại trung tâm huyện. Hội Cầu Vồng là sự hội tụ tinh hoa của cả miền đất. Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử trên đất Cầu Vồng, tri ân các vị tiền nhân. Qua đó giáo dục truyền thống và khích lệ động viên lớp lớp thế hệ Tân Yên hôm nay kế thừa, phát huy truyền thống đất Cầu Vồng, xây dựng quê hương Tân Yên giàu mạnh.

Bên cạnh hệ thống di tích văn hóa vật thể, Tân Yên còn lưu giữ khá nhiều sinh hoạt cộng đồng cổ xưa,

Bên cạnh lễ hội, hiện nay Tân Yên còn bảo tồn và phát huy được các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng như: Tục gọi gạo đêm 30 tại xã Phúc Hòa, chợ âm dương mùng 02 Tết tại thị trấn Cao Thượng, tục cấm ra đồng, cấm nhóm lửa ngày 08/4 tại Phúc Sơn, Hát ví – Hát ống Liên Chung; Hát Chèo (các làn điệu, các vai diễn chèo theo lối cổ), Ca trù, Quan họ…; có các sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng riêng của Tân Yên như: Nem nướng Liên Chung, Bánh gio Vân Cầu, rượu Sâm Nam Núi Dành…tất cả là nguồn tiềm năng nhân văn to lớn cho phát triển các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, nghiên cứu lịch sử.

+ Về truyền thống hiếu học, khoa bảng: Tân Yên là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt. Thời phong kiến, Tân Yên có 04 tiến sĩ là: Tiến sĩ Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Dương Thận Huy, Phùng Trạm… là những vị tiến sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước.

+ Về truyền thống thượng võ: Tân Yên, vùng đất thuộc huyện Yên Thế hạ xưa, một vùng đất địa linh nhân kiệt, với truyền thống thượng võ, nơi đây đã sinh ra nhiều võ công, võ tướng nổi tiếng từ hàng trăm năm nay: Tiêu biểu là 18 vị quận công họ Dương ở Vân Cầu, các văn thần võ tướng vùng Việt Lập, Cao Thượng, Dương Sơn, Dương Lâm, các vị thủ lĩnh 8 cuộc khởi nghĩa chống lại ách áp bức cường quyền trên đất Tân Yên như: Nguyễn Văn Liễu (Ngọc Nham - Ngọc Thiện), Dương Đình Cúc (Dương Lâm), Tạ Văn Thái, Tạ Văn Công (Vân Cầu), Nguyễn Văn Tường tức Quận Tượng (làng Châu - Ngô Xá), Giáp Văn Trận tức Đại Trận (Ngọc Lý)...và đỉnh cao là khí phách “Trai Cầu Vồng” của các thủ lĩnh và nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do người an hùng áo vải Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm), xã Tân Trung và Hoàng Hoa Thám từ đất Làng Trũng - Ngọc Châu - Tân Yên lãnh đạo…

+ Về truyền thống yêu nước, cách mạng: Cùng với truyền thống hiếu học, Tân Yên còn có truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, con người Tân Yên cần cù, thông minh, sáng tạo, hiếu học, yêu nước đã luôn đoàn kết xây dựng cuộc sống và cùng nhân dân cả nước chống lại thù trong giặc ngoài. Nhân dân Tân Yên đã tham gia vào các cuộc đấu tranh vệ quốc đánh đuổi nhiều kẻ thù của dân tộc như: Hán, Lương, Tống, Pháp, Nhật, Mỹ… đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân Tân Yên một lòng đi theo Đảng làm cách mạng; nhiều thanh niên yêu nước của huyện đã không sợ hy sinh, gian khổ đi tìm ánh sáng cách mạng của Đảng.

Lịch sử Tân Yên đồng thời cũng là lịch sử đấu tranh bền bỉ, dũng cảm chống các thế lực đen tối trong xã hội và giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương và cuộc sống của mình. Với truyền thống lịch sử, những phẩm chất và tính cách được xác lập qua các thời kỳ, nhân dân vùng đất này đã đi vào cuộc khởi nghĩa Yên Thế với tinh thần quật khởi vô song và tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, diệu kỳ.

Từ khi có Ðảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp của Tân Yên được nhân lên gấp bội, là huyện khởi nghĩa giành chính quyền sớm, có lực lượng vũ trang mạnh với phong trào quần chúng cách mạng sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa. Tháng 9-1944, hai chi bộ Ðảng đầu tiên đã được thành lập ở Yên Lý (xã Phúc Sơn) và Ðồng Ðiều (xã Tân Trung). Ðể lãnh đạo phong trào quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng như: Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế, Ngô Thế Sơn... đã từng hoạt động, dẫn dắt phong trào cách mạng ở Tân Yên. Ðỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17-7-1945, thành lập chính quyền cách mạng và đây là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ðảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vùng tự do, chặn đứng mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ địch, động viên nhân dân hăng hái sản xuất, cung cấp đủ mọi yêu cầu về con người, vật lực cho tiền tuyến. Những người con quê hương Tân Yên tham gia, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những tấm gương sáng ngời dũng cảm như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Ðược (bí danh Cao Kỳ Vân)...

Thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1964), Ðảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hợp tác xã với hơn 90% số hộ tham gia, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Hằng năm, Tân Yên đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nghĩa vụ lương thực, nông sản, thực phẩm đối với Nhà nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), Ðảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là phải vừa giữ vững và phát huy tác dụng của phương thức sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân, vừa phải cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt", quân và dân Tân Yên đã chi viện, đạt và vượt chỉ tiêu sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam.

Trong hai cuộc kháng chiến, Tân Yên là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh và Trung ương về sơ tán, trong đó có các cơ quan đầu não của tỉnh. Tân Yên cũng là chiếc nôi của phong trào được cả nước biết đến như phong trào Hội mẹ chiến sĩ, cô Tấm hậu phương, xây dựng nhà bia liệt sĩ...

Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðảng bộ và nhân dân Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, Huyện Tân Yên đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và Huân chương kháng chiến hạng Ba về công tác tuyển quân, 2 Huân chương lao động (hạng nhì và hạng ba). Thực hiện chính sách hậu phương, về xã: Đã có 7 xã được tặng huân chương kháng chiến hạng nhất, 13 xã được tặng huân chương kháng chiến hạng nhì, 6 xã được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng 3, 5 xã được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhì. Chúng ta rất tự hào đây là những đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà huyện đã thừa hưởng và nối tiếp xứng đáng khí phách của ông cha mình.

2. Về lĩnh vực kinh tế

Kinh tế của huyện tiếp tục đi đúng xu thế vận động phát triển của tỉnh Bắc Giang, phù hợp với thực tiễn, lấy công nghiệp là động lực chính, nông nghiệp là trụ đỡ và dịch vụ, thương mại là yếu tố thúc đẩy.

Trong những năm qua, xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, là trụ đỡ kinh tế của huyện trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục khai thác tối đa lợi thế của huyện trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao Sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại; chú trọng ứng dụng số hóa vùng trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng chủ lực của huyện (Măng Lục Trúc, Vải sớm Phúc Hòa, Ổi lê Tân Yên, Sâm nam Núi Dành, rau quả chế biến, chăn nuôi Lợn, Gà…); tích cực chuyển đổi cơ cấu, mở rộng quy mô, đưa cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, trên cơ sở lấy phát triển công nghiệp làm động lực chính để tăng trưởng kinh tế, đến nay đã quy hoạch 05 khu, 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.188ha; xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp, trong đó tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút nhà đầu tư và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống ở nông thôn; đến nay, trên địa bàn huyện có 03 làng nghề5, 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động và trên 3.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể; một số sản phẩm lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định và đóng góp lớn vào tỷ trọng ngành như: xe rùa Hùng Thảo, mỳ gạo Châu Sơn, bánh quế Hưng Phú, hàng may mặc, cơ khí, chế biến nông sản...

Mặt khác, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn có nhiều chuyển biến theo hướng mở rộng các loại hình dịch vụ mới phù hợp với xu thế phát triển. Tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại, duy trì hoạt động 13 chợ, 37 cửa hàng xăng dầu, trên 200 cửa hàng kinh doanh dầu khí hóa lỏng và trên 5.000 cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Các sản phẩm đặc trưng của huyện có chỗ đứng trên thị trường, ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và sử dụng.

Vì vậy, đến nay cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp: Đến năm 2023, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 48% (tăng 1,8% so với năm 2020 và tăng 11.5% so với năm 2015); ngành dịch vụ - thương mại chiếm 26.6% (tăng 1,3% so với năm 2020 và tăng 3.7% so với năm 2015); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,4% (giảm 3.1% so với năm 2020 và giảm 15,1% so với năm 2015).

3. Về triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao

Phát huy truyền thống vùng đất Cầu Vồng thượng võ đã trở thành động lực để Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Yên đoàn kết phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, của trung ương đẩy mạng sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, huyện đã phổ biến các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và phát động phong trào thi đua “Tân Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm cùng cách làm phù hợp. Huyện đã tập trung sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân, đoàn kết chung sức chung lòng tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó sau 10 năm (2011 - 2020) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bằng nguồn ngân sách, nguồn vốn từ các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, Tân Yên đã huy động được gần 3.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Ngày 29/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 904/QĐ-TTg công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Năm 2022, thực hiện Kế hoạch Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025. Huyện Tân Yên tích cực chỉ đạo các xã đăng ký, huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới, xã, thôn nông thôn mới nâng cao: Đến nay, có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị trấn Cao Thượng đạt chuẩn văn minh đô thị; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu (Việt Lập, Hợp Đức, Ngọc Châu, Quế Nham, Phúc Sơn, Lam Cốt, Liên Sơn, Ngọc Vân, Ngọc Lý, Việt Lập). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng (đạt 44,26 triệu đồng/ người/ năm, tăng 33 triệu so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 2,21% (giảm 1,04% so với năm 2022); tổng số lao động có việc làm đạt trên 90%; tỷ lệ đường trục xã, liên xã đã cứng hóa 100%.

Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Tân Yên đã quan tâm tới việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa là tiền đề để phát triển du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện gắn với quảng bá, giới thiệu các sản vật nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng và thiết chế nông thôn được đầu tư đồng bộ; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng an ninh được giữ vững.

Xây dựng mô hình thí điểm xã thương mại điện tử năm 2024; triển khai kế hoạch xây dựng điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành đạt tiêu chuẩn OCOP và mô hình phát triển sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương.

Với những thành tích nổi bật, huyện Tân Yên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn NTM. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tân Yên.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2040

Theo Quyết định số 1289/UBND-QĐ ngày 23 tháng 11 năm 2023  của UBND tỉnh Bắc Giang về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000.

1. Theo định hướng phát triển không gian vùng, huyện Tân Yên được xác định phân thành 3 vùng gồm:

+ Vùng I (Vùng phía Đông Nam) có 7 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Cao Thượng và các xã Cao Xá, Hợp Đức, Liên Sơn, Việt Lập, Quế Nham, Liên Chung. Về chức năng, đây là vùng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực phía Đông Nam. Trong đó, thị trấn Cao Thượng là hạt nhân vùng đồng thời là trung tâm cụm xã (Cao Xá, Hợp Đức, Liên Sơn), Việt Lập là trung tâm cụm xã (Quế Nham, Liên Chung).

+ Vùng II (Vùng phía Bắc) có 7 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Nhã Nam và các xã Tân Trung, Phúc Hòa, An Dương, Quang Tiến, Đại Hóa, Lan Giới. Về chức năng, đây là vùng phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, dịch vụ phía Bắc. Trong đó, thị trấn Nhã Nam là hạt nhân vùng tạo động lực phát triển đồng thời là trung tâm cụm xã (Tân Trung, Phúc Hòa); Quang Tiến là trung tâm cụm xã (Lan Giới, Đại Hóa, An Dương).

+ Vùng III (Vùng phía Tây) có 8 đơn vị hành chính gồm các xã Phúc Sơn, Lam Cốt, Việt Ngọc, Song Vân, Ngọc Vân, Ngọc Châu, Ngọc Thiện, Ngọc Lý. Về chức năng, đây là vùng chủ yếu phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp; trong đó Ngọc Thiện là hạt nhân tiểu vùng đồng thời là trung tâm cụm xã (Ngọc Lý, Ngọc Vân, Ngọc Châu, Song Vân), Phúc Sơn hiện nay định hướng là trung tâm cụm xã (Lam Cốt, Việt Ngọc) tạo động lực phát triển cho tiểu vùng phía Tây, trong tương lai sáp nhập xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt.

2. Huyện Tân Yên xác định có 7 đô thị động lực bao gồm:

+ Thị trấn Cao Thượng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của huyện Tân Yên, là khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí. Là đô thị văn minh, hiện đại, năng động, đa tiện ích, có vai trò tạo động lực phát triển KT-XH khu vực trung tâm huyện Tân Yên và các xã lân cận.

+ Thị trấn Nhã Nam là đô thị dịch vụ thương mại, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Bắc huyện Tân Yên.

+ Đô thị Việt Lập là khu vực phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao giải trí, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với phát triển nông nghiệp 5 sạch chất lượng cao thuộc tiểu vùng phía Nam của huyện Tân Yên.

+ Đô thị Ngọc Thiện là trung tâm kinh tế tổng hợp đa ngành của tiểu vùng phía Nam huyện Tân Yên; trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển công - nông nghiệp cấp tiểu vùng; khu vực phát triển công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao.

+ Đô thị Phúc Sơn là đô thị mới phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa tín ngưỡng, là khu vực cửa ngõ và là đầu mối giao thông khu vực phía Tây Bắc của huyện Tân Yên.

+ Đô thị Ngọc Vân là đô thị mới phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, là khu vực cửa ngõ kết nối với đô thị Việt Yên phía Tây Nam của huyện Tân Yên.

+ Đô thị Ngọc Lý là đô thị mới phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, là khu vực cửa ngõ kết nối với đô thị Việt Yên ở phía Nam của huyện Tân Yên.

3. Không gian phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ:

+ Về Công nghiệp: đối với phân bố không gian phát triển công nghiệp, huyện Tân Yên xác định giai đoạn đến năm 2030 tiếp tục duy hoạt động các điểm công nghiệp dịch vụ và 2 CCN hiện hữu gồm CCN Đồng Đình tại thị trấn Cao Thượng quy mô khoảng 66,16ha, CCN Lăng Cao tại xã Cao Xá quy mô khoảng 48ha. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN Đồng Đình và CCN Lăng Cao; phấn đấu đến 2025 tỷ lệ lấp đầy của 02 CCN này là 80%; đến năm 2030 tỷ lệ lấp đầy 100%. Đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 01 KCN, 06 CCN có hạ tầng đồng bộ đưa vào sử dụng để thu hút các dự án đầu tư công nghệ hiện đại. Xây dựng và hoàn thành việc thu hút đầu tư 08 CCN với tổng diện tích 431,16ha, 04 KCN với tổng diện tích là 484ha (Minh Đức - Thượng Lan - Ngọc Thiện, Ngọc Thiện, Phúc Sơn, Ngọc Lý). Giai đoạn 2030-2040, bổ sung thêm 01 KCN Quế Nham với diện tích 200ha.

+ Về Nông nghiệp: Quy hoạch, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của địa phương như: Vải thiều, bưởi, lợn, gà.

Về phân bố không gian phát triển nông nghiệp, quy hoạch, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của địa phương như: Vải thiều, bưởi, lợn, gà; phát triển nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành và phát triển các trạng trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm có thế mạnh như: lợn, gà....; 04 vùng chăn nuôi tập trung với quy mô khoảng 113ha để thu hút đầu tư. Xây dựng Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn tại xã Liên Sơn là khu vực tập trung các khu chức năng bao gồm hỗ trợ sản xuất công nghiệp (chủ yếu là chế tạo nông cụ, công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh, khu vực sản xuất mẫu).

- Về du lịch: Về phân bố không gian phát triển du lịch và bảo vệ cảnh quan môi trường, giai đoạn đến năm 2030 hình thành không gian du lịch sinh thái gắn với cảnh quan nông nghiệp ở vùng 1 và vùng 3 thuộc khu vực phía Tây và phía Đông của huyện. Quy hoạch 05 điểm du lịch và dịch vụ ven sông tại xã Hợp Đức (03 điểm) và xã Liên Chung (02 điểm), mỗi điểm diện tích khoảng 2ha. Sân golf và khu nghỉ dưỡng tại Núi Dành, xã Liên Chung. Khu du lịch sinh thái núi Đót xã Phúc Sơn. Khu du lịch sinh thái Hồ Đá Ong xã Lan Giới. Kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực hoàn thành mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng Đồi Văn hóa kháng chiến tại xã Quang Tiến. Giai đoạn 2030 – 2040, xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Núi Dành (xã Liên Chung); mở rộng Khu du lịch núi Đót (xã Phúc Sơn); khu đồi kháng chiến (xã Quang Tiến) nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị tâm linh để xây dựng du lịch Tân Yên; xây dựng bổ sung hệ thống công trình dịch vụ.

- Về thương mại – dịch vụ: Về phân bố không gian phát triển dịch vụ thương mại, giai đoạn đến năm 2030, xây mới chợ Liên Sơn (chợ hạng 3) với diện tích khoảng 05 ha trên cơ sở khu chợ gà hiện hữu rộng 2,3ha. Xây dựng mới chợ trong khu dân cư - chợ Việt Ngọc tại xã Việt Ngọc với diện tích 0,98ha. Xây dựng 02 trung tâm thương mại tại thị trấn Cao Thượng với diện tích khoảng 1,5ha và thị trấn Nhã Nam với diện tích khoảng 1,5ha. Giai đoạn đến năm 2040, từng bước kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại lớn phục vụ cho các đô thị đã và đang hình thành như (Cao Thượng, Nhã Nam, Việt Lập, Ngọc Thiện, (Phúc Sơn - Lam Cốt), Ngọc Vân). Các trung tâm thương mại từng bước thay thế chợ truyền thống theo xu hướng phát triển chung của thời đại.

Trên đây là báo cáo Phục vụ tác giả tham dự cuộc thi “Sáng tác mẫu biểu trưng logo về huyện Tân Yên”./.

BBT

 

 

[1] Suối Vồng nằm ở phía Tây huyện Tân Yên, ngay phía trước đình chùa Vồng, là ranh giới giữa 02 xã Song Vân và xã Ngọc Vân ngày nay.

 

 

Average (0 Votes)