NHỮNG ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý CỦA LUẬT KHIẾU NẠI Năm 2011

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Nhằm khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật về khiếu nại. Ngày 11/11/2011, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ hai đã thông qua Luật Khiếu nại. Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, thay thế Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998. Theo đó Luật khiếu nại có một số điểm mới cần lưu ý sau: 1. Quy định về trình tự khiếu nại

Nhằm khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật về khiếu nại. Ngày 11/11/2011, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ hai đã thông qua Luật Khiếu nại.

Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, thay thế Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998.

Theo đó Luật khiếu nại có một số điểm mới cần lưu ý sau:

1. Quy định về trình tự khiếu nại

Theo quy định của Luật thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án, mà không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại như trước đây. Việc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án còn có thể thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Quy định như vậy vừa đảm bảo quyền của người khiếu nại, đồng thời phù hợp với quy định của Luật tố tụng hành chính.

2. Quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và luật sư, trợ giúp viên pháp lý

Điểm mới của Luật là quy định đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và Luật sư , bổ sung thêm quyền, nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể Luật khiếu nại quy định người khiếu nại có quyền được uỷ quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Người khiếu nại có quyền được biết, đọc, sao chép, sao chụp các tài liệu chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, được yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, nội dung tài liệu đó cho mình để giao cho người giải quyết khiếu nại.

3. Về đối tượng khiếu nại:

Tại khoản 8 điều 2 Luật khiếu nại quy định cụ thể về quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại. “ Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành, để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể” Như vậy quyết định hành chính được hiểu có thể là một quyết định, hoặc một thông báo, một công văn hay một kết luận...

4. Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại:

Luật khiếu nại bổ sung một số trình tự, thủ tục mới khi giải quyết khiếu nại theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ, kịp thời, tạo điều kiện cho người khiếu nại.

Việc gặp gỡ, đối thoại giữa người giải quyết khiếu nại lần thứ 2 với người khiếu nại, người bị khiếu nại là thủ tục bắt buộc , đối với giải quyết khiếu nại  lần đầu thì chỉ tổ chức đối thoại khi kết quả xác minh có sự không thống nhất với yêu cầu của người khiếu nại. Đây là điểm mới, khác với quy định trước đây của Luật khiếu nại, tố cáo.

Luật cũng quy định việc gặp gỡ, đối thoại trong trường hợp cần thiết thì có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự. Đối với vụ việc phức tạp, trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần 2 có thể thành lập hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến  làm cơ sở khi kết luận.

Để đảm bảo tính minh bạch trong giải quyết khiếu nại, Luật quy định người giải quyết khiếu nại lần 2 phải công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một hoặc một số hình thức như công bố tai hội nghị, niêm yết tại trụ sở, hoăc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật:

Đây là nội dung mới của Luật Khiếu nại. Việc quy định thi hành quyết định giải quyết khiếu nại trong Luật, là nhằm đảm bảo các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Luật quy định rõ việc xác định quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

6.Quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại kỷ luật cán bộ, công chức

Luật  quy định về thời hiệu khiếu nại; hình thức khiếu nại; thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại;

Theo đó Luật quy định thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần 2 là 10 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần 2 là 30 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Về thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại:

Luật quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết. Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.

Đối với giải quyết khiếu nại kỷ luật cán bộ công chức, thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại, kể cả giải quyết khiếu nại lần đầu và lần 2.

7. Về xử lý vi phạm

Để các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm túc. Luật Khiếu nại quy định một chương riêng về xử lý vi phạm (chương 7).

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu có sai phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

                                                                                                                      Giáp Hồng Thanh

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024

User Online: 13,555
Total visited in day: 6,736
Total visited in Week: 132,416
Total visited in month: 310,418
Total visited in year: 4,610,668
Total visited: 6,029,172