Ba cha con họ Dương Vân Cầu

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Thế kỷ 16, tại Song Vân huyện Tân Yên ngày nay nổi lên dòng họ Dương với 18 vị quận công. Đã có khá nhiều thông tin về dòng họ này, trong 1 số cuốn sách cũng đã ghi lại và cấp thông tin về 3 anh em họ Dương. Nhưng trong một số nguồn tư liệu khác thì cho biết đó là 3 cha con, mà khởi nguồn từ Quận Công Dương Quốc Nghĩa. Trong phạm vi bài viết này tôi xin đề cập đến các vị Quận công họ Dương, ngõ hầu làm sáng tỏ thêm ...

Thế kỷ 16, tại Song Vân huyện Tân Yên ngày nay nổi lên dòng họ Dương với 18 vị quận công. Đã có khá nhiều thông tin về dòng họ này, trong 1 số cuốn sách cũng đã ghi lại và cấp thông tin về 3 anh em họ Dương. Nhưng trong một số nguồn tư liệu khác thì cho biết đó là 3 cha con, mà khởi nguồn từ Quận Công Dương Quốc Nghĩa. 

Theo "Địa lý hành chính Kinh Bắc" của Nguyễn Văn Huyên thì Yên Thế xưa gồm 8 tổng là: Mục Sơn, Nhã Nam, Lan Giới, Vân Cầu, Yên Lễ, Bảo Lộc Sơn, Ngọc Cục, Yên Thế. Tại xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế phủ Lạng Giang (nay là xã Song Vân huyện Tân Yên) từ trước đến tận bay giờ người dân vẫn phụng thờ các quận công dòng họ Dương có công lớn ở triều Mạc. Theo tìm hiểu, tâm điểm của xã Vân Cầu chính là làng Vồng, quần thể di tích đình, chùa, đền, nghè Vồng và đình Lợ. Tại đây vào ngày 15 và 16 tháng riêng diễn ra lễ hội Đình Vồng - Lễ hội hàng tổng của huyện Yên Thế xưa. Và đây cũng là nơi phối thờ 18 vị quận công họ Dương.
Tại Song Vân hiện nay truyền thuyết và huyền thoại nói về 18 vị Quận công họ Dương rất nhiều, nhưng sử liệu thì lại quá ít. Đồ rằng, qua các triều đại các vị quận công họ Dương được các triều vua phong ban rất nhiều bằng sắc, nhiều đến mức phải làm riêng một ngôi nhà để cất giữ gọi là Nhà Sắc. Nhưng đáng tiếc đầu những năm năm mươi của thế kỷ XX, máy bay Pháp đã đánh bom cháy mất cả do đó khó cho việc tra cứu và tìm hiểu. Khá nhiều học giả khi về điền giã tại Vân Cầu đã căn cứ theo một truyền thuyết đề cập đến 3 anh em họ Dương, lấy vợ là Cao phu nhân ở Nội Duệ Cầu Lim. Chuyện rằng: Giặc Minh ở Phương Bắc nhiều phen xâm lược và muốn thôn tính nước. Vào năm 1535 nhà Minh huy động binh mã để xâm lược nước ta, giặc tiến quân bằng đường bộ đánh vào Lạng Sơn, Hà Giang và các tỉnh biên giới khác. Nhà Mạc đóng đô ở kinh thành Thăng Long được tin này vua tôi lập tức mở giáo trường ở ngoại ô Thăng Long làm trường tỉ thí để lựa chọn nhân tài ra giết giặc giữ nước, tin được truyền đi khắp mọi nơi. Ba anh em họ Dương vốn nhà nghèo, bố mẹ mất sớm. Lớn lên, cả ba anh em đều phải đi ở, mỗi người một nơi. Nhưng ba anh em đều có sức khoẻ phi thường, ham tập võ nghệ, giỏi đường cumg kiếm. Người anh cả là Dương Quốc Minh ở Vân Cầu. Người em thứ hai là Dương Hùng Lượng ở làng Dinh, Yên Thế, nay là làng Dinh xã Cao Xá, huyện Tân Yên. Người em thứ ba là Dương Hồng Lương ở làng Châu - xã Lam Cốt. Một hôm, Lý trưởng làng Vân Cầu đến bảo người anh cả là Dương Quốc Minh đi gánh tiền về miền hạ Kinh Bắc đổ thuế cho triều Mạc, gánh đến nơi đổ thuế xong, được mấy đồng tiền công vào hàng ăn uống một bữa no say. Bỗng nghe tiếng loa của quan trường gần đấy gọi các nhân tài vào thi võ, thi cumg kiếm. Dương Quốc Minh bèn vào trường xin thi môn bắn cung. Quan trường giao cung tên, giao ngựa cho Dương Quốc Minh. Ông cầm cương nhảy phắt lên ngựa, đeo cung tên, giật cương cho ngựa phi ba vòng sân bãi. Vừa cưỡi ngựa dương cung bắn liền ba phát đều trúng mục tiêu, ba mũi tên bắn đứt dây, ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu rơi ngay xuống đất, tiếng hò reo cổ vũ khắp xạ trường nổi lên như sấm, quan trường chấm cho Dương Quốc Minh được đậu. Dương Quốc Minh bảo với quan trường rằng: “Tôi có thằng em thứ hai còn bắn giỏi hơn tôi”. Quan trường mừng rỡ sai lính lên ngựa phi ngay về làng Dinh, Yên Lễ đón Dương Hùng Lượng vào trường thi. Hùng Lượng cầm cương, lên ngựa, phi ba vòng sân bãi, đến nơi, giật cương cho ngựa chồm lên, giương cung bắn liền ba phát, cả ba chiếc áo cẩm bào từ trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Tiếng hò reo cổ vũ lại nổi lên như sấm khắp xạ trường. Quan trường lại chấm cho Dương Hùng Lượng được đậu. Dương Quốc Minh lại bảo với quan trường: “Tôi có thằng em thứ ba còn bắn giỏi hơn nữa”. Quan trường lại cho lính phi ngựa về tận làng Châu, xã Lam Cốt đón Dương Hồng Lương về trường thi ngay. Hồng Lương cầm cung tên, không cưỡi ngựa chạy như bay qua vòng sân bãi, đến chỗ bắn còn nhảy lộn một vòng, vừa đặt chân xuống đất, Dương Hồng Lương bắn liền ba phát ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hồng Lương được đậu. Trong thời gian chờ đợi, quan trường làm sớ tâu về Triều xin gia phong cho ba anh em họ Dương quyền chức. Cả ba anh em họ Dương về làng Nội Duệ, Cầu Lim, Bắc Ninh chơi. Rồi cả ba anh em đều lấy vợ Nội Duệ, Cầu Lim.Vua Mạc ra sắc chỉ phong cho ba anh em họ Dương chức Quận công, giao cờ, giao kiếm, giao quân cho ba anh em họ Dương đi đánh giặc. Người anh cả Dương Quốc Minh kéo quân về đình Vồng, Vân Cầu - Song Vân, Tân Yên xây thành đắp luỹ phòng chống giặc vùng này. Người em thứ hai là Dương Hùng Lượng mang quân về làng Dinh, Yên Lễ (nay là xã Cao Xá) lập doanh trại, luyện quân sẵn sàng đánh giặc. Người em thứ ba là Dương Hồng Lương mang quân lên vùng Đu Đuổng, Thái Nguyên xây dựng phòng tuyến ngăn quân giặc không cho chúng tràn về Thăng Long. Thế rồi vào một ngày quân giặc kéo đến khắp vùng. Cả ba anh em họ Dương mang quân ra đánh giặc. Với đường kiếm, tay cung lợi hại, cả ba anh em đã hạ được nhiều giặc, đánh thắng nhiều trận thật xuất sắc. Vào những ngày khác, quân giặc lại kéo đến đông gấp bội, cả ba anh em họ Dương chống đánh quyết liệt, nhưng bị thua, lính tráng, voi, ngựa bị thương vong nhiều. Người anh cả Dương Quốc Minh cho gọi cả hai em về đình Vồng làm lễ ăn thề “ Đồng sinh đồng tử”, “Thề sống cùng sống, chết cùng chết” quyết tâm đánh giặc giữ vững đất nước làng quê. Củng cố lực lượng ba anh em họ Dương lại mang quân đi đánh giặc, thế giặc càng to, quân ta thì ít. Ba anh em họ Dương chạy cả về đình Vồng, Vân Cầu, Song Vân và nhảy xuống giếng tự vẫn. Ba bà vợ từ Nội Duệ, Cầu Lim lên Đình Vồng thăm chồng, nghe tin ba ông chồng đã tự vẫn, thương tiếc chồng quá, cả ba bà đều nhảy xuống giếng trước cửa đình Vồng tự vẫn theo, giữ tròn 4 chữ: Trung, trinh, tiết, nghĩa. Từ đó, ở Vân Cầu và làng Dinh đều lập đền thờ các ông cùng với phu nhân.
Hoặc như bà Cao Xuân Lộc cũng có rất nhiều truyền thuyết về được truyền tụng ở Vân Cầu và Nội Duệ, như: Truyền thuyết mở quán kén chồng với hành động lạ thường. Lại có truyền thuyết Bà tỷ thí nơi đấu trường, biết bao dũng tướng nam nhi phải bó tay khuất phục. Truyền thuyết về việc Bà giả chồng lên ngựa, vung gươm đánh giặc, khiến cho chúng chết như phơi rạ...
Những câu chuyện cảm động nhưng đó cũng chỉ là giai thoại dân gian mà không có cứ liệu để minh chứng. Với Dương Quốc Nghĩa, tại Vân Cầu hiện vẫn lưu truyền câu chuyện, rằng ông vốn là người từ Nam Định, vợ mất sớm, nhà nghèo khổ, đem 3 con trai di cư lên đây. Lúc đầu bán cháo ở đầu thôn Hồng Phúc bây giờ, vì thế mà có địa danh Quán Lỏng. Nhờ gặp và có công giúp đỡ một thày Tầu sang đây lấy của, khi lấy được của thày Tầu cho vàng ông không nhận, thày Tầu đã tạ ơn bằng cách để mả sống, cho nên mới phát cho 3 con sau này. Chân truyền dòng họ Dương từ ngôi mộ ở núi Cốc, mà một gia đình đã có mười tám Quận công cũng là xuất phát từ truyền thuyết ấy. Đây cũng chỉ là một giai thoại dân gian và là một mô típ quen thuộc, khá phổ biến ở vùng xứ Bắc.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ XVI (1527-1592) đất nước bị chia cắt làm hai bởi hai thế lực phong kiến Lê- Mạc. Nhà Lê xưng bá phía trong gọi là Nam Triều, nhà Mạc xưng vương ở ngoài Bắc gọi là Bắc Triều đóng đô ở kinh thành Thăng Long. Hai thế lực phong kiến này luôn luôn muốn thôn tính lẫn nhau, đây là cuộc chiến “nồi da nấu thịt” gây ra bao cuộc giao tranh tang thương đẫm máu. Thêm vào đó là thế lực phong kiến phương Bắc luôn nhòm ngó do đó trên miền đất phên dậu phía bắc luôn không được bình yên. Đại Việt sử ký toàn thư có viết: Sau khi Mạc Đăng Doanh cướp ngôi thì Vũ Văn Uyên – cựu thần nhà Lê cát cứ ở miền Tuyên Quang cũng tham gia vào cuộc vận động khôi phục nhà Lê. Tại xã Lương Sơn huyện Lục Yên còn có thành Mị Lang, tục gọi là thành Bầu tương truyền là thành của Văn Uyên cự với nhà Mạc. Cựu thần nhà Lê trấn giữ vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa suốt cho đến khi nhà Mạc thất thủ. Khi đó hẳn tại Yên Thế - một trong những đầu mối quan trọng dẫn về kinh sư đã diễn ra những trận chiến ác liệt, dòng họ Dương thành danh ở đây. Khởi đầu là Quận công Dương Quốc Nghĩa và vợ ông là Cao Xuân Lộc tức Cao Phu Minh chứ không hề có chuyện 3 anh em họ Dương như nhiều người vẫn tưởng.
Tại nhà ông Dương Ngọc Giao, thôn Hồng Phúc, xã Song Vân (ông Giao là hậu duệ, trưởng tộc họ Dương) hiện lưu giữ một bản chữ Hán viết trên nền giấy dó, nội dung:
Xã Vân Cầu, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, từ trước đến nay, phụng thờ chư vị tiên tổ anh linh Dương gia có công lớn ở triều Mạc: Thượng Tổ Quận Công Quý công họ Dương tên là Quốc Nghiã. Phu Nhân của Quý ông Thượng Tổ Quận Công, họ Cao tên huý là Phu Minh. Các con của Thượng Tổ Quận Công cùng bố mẹ được phụng thờ ở đình miếu, mãi mãi không đổi, lưu truyền muôn đời: Bình Tây Quận Công quý ông họ Dương tên là Quốc Minh. Nhất Phẩm Quận Công quý ông họ Dương tên là Hùng Lượng. Triều Mạc thời ấy, nhiều cháu của Dương Gia, có công có đức, đã được phong tặng rồi. Đến nay tên họ còn ở những nơi thờ phụng: Dương Quốc Trung, Dương Quốc Bảo, Dương Quang, Dương Quốc Thái, Dương Quốc Anh. Đến lệ, dân xã cùng toàn gia tộc, cung kính các vị Công tước tôn linh tại miếu đường theo nghi lễ.
Như vậy, nếu căn cứ vào bản Thần phả trên, thì nhân vật khởi đầu cho dòng họ Dương chính là Thượng Tổ quận công Dương Quốc Nghĩa, và Cao Phu Minh (tức Cao Xuân Lộc) và những vị quận công tiếp sau là con cháu của họ.
Qua tìm hiểu tại khu di tích Đình Lợ xã Song Vân, được biết: Thượng Tổ Quận Công Dương Quốc Nghĩa người ở Quán Lỏng, Vân Cầu xưa, nay địa danh Quán Lỏng vẫn còn. Ngay sau khu đình chùa Lợ vẫn con 1 ô đất trống dân gian gọi Mả Quan truyền rằng đó là mộ phần của ông. Dương Quốc Nghĩa làm quan thời nhà Mạc và là Tổ của dòng họ Dương. Trong gia phả có ghi: "Dương phả chân truyền Sơn Cốc mộ, nhất gia thập bát vị quận công" (gia phả họ Dương chân truyền rằng từ ngôi mộ ở núi Cốc, mà một gia đình đã có mười tám Quận công).
Cao Phu Minh quê ở Cầu Lim, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Miếu thờ Bà thường vẫn gọi Miếu Vua Bà, tên chữ là "Cao Linh Từ" hiện đang được thờ phụng ở xóm Bùi xã Song Vân cạnh đình Lợ. Trong miếu thờ bài vị của Bà có ghi dòng chữ "Cao Phu Minh thiên thần, thủ lục tướng Đại Vương". Có lẽ bởi chữ Vương ở đây, nên đời quen gọi Vua Bà, và cũng bởi vì Bà đứng đầu sáu tướng (thủ lục tướng) nên Bà không những là một người con gái "thành nghiêng nhan sắc" mà còn tài ba võ nghệ, can đảm hơn người và bà là vợ của Quận công Dương Quốc Nghĩa, là mẹ của Dương Quốc Minh chứ không phải như nhiều sách đã viết.
Từ mối nhân duyên Dương Quốc Nghĩa - Cao Xuân Lộc đã để lại cho đời những vị Quận công lừng lẫy thời nhà Mạc (1527 - 1592). Trong đó người con cả Dương Quốc Minh được phong là Bình Tây Quận Công, hiện đang được thờ phụng ở Đình Vồng, Nghè Đức Cụ, xã Song Vân. Người con thứ Dương Hùng Lượng được phong là Nhất Phẩm Quận Công, Ngài đi trấn giữ và là Tổ một chi phái ở làng Dinh xã Ngô Xá, và hiện cũng được thờ phụng ở nơi đây và được nhân dân địa phương tôn thờ.
Họ Dương ở Cầu Vồng, xã Song Vân (Tân Yên) là một dòng họ lớn, có danh tiếng trong thời Lê - Mạc. Tại huyện Tân Yên dưới thời Lê Mạc, và sau này là thời Nhà Nguyễn, ở các xã: An Dương, Liên Sơn, Ngọc Châu họ Dương xuất hiện khá nhiều nhân tài. Ở Dương Lâm có quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn. Làng Giã có Dương Văn Cán. Nhã Nam có Dương Văn Truật …âu cũng là tố chất của dòng họ.
Đáng tiếc, thời gian, chiến tranh, cùng ý thức bảo quản của các thế hệ mà các cứ liệu lịch sử về dòng họ Dương nói riêng, cũng như các dòng họ khác ở Tân Yên nói chung lưu lại không nhiều. Do đó rất khó khăn cho công tác điều tra, thu thập và nghiên cứu. Cũng chính vì vậy nhiều dữ liệu khi đưa ra chưa được xác đáng và cần tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu.

                                                                                                                                                                 BBT

Thứ bảy, 01 Tháng 06 Năm 2024

User Online: 19,035
Total visited in day: 161,098
Total visited in Week: 715,184
Total visited in month: 161,097
Total visited in year: 4,461,347
Total visited: 5,879,851