Hội thảo khoa học “ Thống Sặt”- Đề Sặt với phong trào nông dân Yên Thế

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Ngày 20/6, tại huyện ta, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo khoa học: ‘Thống Sặt- Đề Sặt”, làng Sặt với phong trào nông dân Yên Thế. Dự hội thảo có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đỗ Bình Dương- Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Đại diện MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số ban, ngành, địa phương, các nhà khoa học cùng đại diện dòng họ liên quan.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nhấn mạnh: Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là phong trào nông dân vũ trang chống Pháp kéo dài nhất giai đoạn cận đại. Nguồn tài liệu về cuộc khởi nghĩa này phong phú, đa dạng. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Khởi nghĩa Yên  Thế và nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục tìm hiểu làm rõ. Trong đó, có nội dung liên quan đến nhân vật Đề Sặt, một trong những thủ lĩnh của phong trào Yên Thế giai đoạn đầu. Trong một số công trình nghiên cứu lịch sử, nhiều ý kiến ch0 rằng, Đề  Sặt đã sát hại Đề Nắm nhưng hiện nay không ít nhà khoa học đề nghị xem lại tính xác thực của thông tin này. Viện Sử học tổ chức hội thảo khoa học “ Thống Sặt” (Đề Sặt) làng Sặt với phong trào nông dân Yên Thế nhằm làm rõ bối cảnh lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đóng góp của các thủ lĩnh Đề Nắm, Đề Sặt trong giai đoạn đầu khởi nghĩa, nguyên nhân cái chết của Đề Nắm và vai trò của Đề Sặt (làng Sặt) thuộc xã Liên Sơn trong phong trào khởi nghĩa. Tại Hội thảo, các ý kiến thảo luận của cán bộ Viện Sử học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử  Việt  Nam, Bảo tàng tỉnh, đại diện địa phương và gia đình, dòng họ  Đỗ đã khẳng định những đóng góp của nhân dân làng Sặt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, vai trò quan trọng của các thủ lĩnh trong khởi nghĩa Yên Thế. Trong  đó, có nhân vật: Đỗ Văn Hùng (tức Đề Sặt hay Thống Sặt). Ông vốn là trợ thủ đắc lực của Đề Nắm và kế nhiệm vai trò lãnh đạo sau khi Đề Nắm qua đời. Qua việc dẫn các tài liệu, thông tin mới, các ý kiến cho rằng các công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế và cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm xuất bản từ năm 1957 đến năm 2014 chưa thống nhất. Thông  tin Thủ lĩnh Đề Nắm chết là do Đề Sặt sát hại chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu dân gian, truyền miệng của người trong làng, chưa được kiểm chứng. Thay mặt Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo, Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện sử học khẳng định những ý kiến thảo luận tại hội thảo là nguồn tư liệu mới, có giá trị. Đây sẽ là căn cứ để Ban tỏ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ về sự kiện và nhân vật lịch sử trong thời gian tới.

                                                               Kim Anh

 

 

Thứ tư, 26 Tháng 06 Năm 2024

User Online: 11,116
Total visited in day: 19,981
Total visited in Week: 117,491
Total visited in month: 4,614,764
Total visited in year: 8,915,014
Total visited: 10,333,518