Khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Vào một ngày trong năm 1863, tại làng Trũng tổng Ngọc Cục, huyện Yên Thế xuất hiện người đàn ông cõng theo một cháu nhỏ. Thời buổi loạn lạc, không ít người tha phương nên không mấy người ngạc nhiên. Làng Trũng thuần hậu đã cưu mang họ...Đây là bước khởi đầu của thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa Thám trên miền Yên Thế… Làng Trũng giờ có tên làng Quang Châu, xã Ngọc Châu, khu di tích danh nhân Hoàng Hoa Thám chính tại nơi này, với hệ thống Đền thờ, chùa, phần mộ thân tộc Hoàng Hoa Thám và nền nhà nơi ông ở từ lúc lên 5 đến năm 16 tuổi. Ông Vũ Đình Thấu – Trưởng ban MT thôn và là người trông coi đền cho biết: Ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám được xây dựng vào năm 2004, còn trước đó nó ở lui phía sau gần chùa Trũng. Đền thờ có hướng đông nam, kết cấu ba gian theo. Tại gian chính giữa bài trí một pho tượng Hoàng Hoa Thám được đúc bằng đồng cao 150cm, bên tường hồi trái treo một bức tranh của gia đình cụ Đề Thám và các con tại đồn Phồn Xương.

Vào một ngày trong năm 1863, tại làng Trũng tổng Ngọc Cục, huyện Yên Thế xuất hiện người đàn ông cõng theo một cháu nhỏ. Thời buổi loạn lạc, không ít người tha phương nên không mấy người ngạc nhiên. Làng Trũng thuần hậu đã cưu mang họ...Đây là bước khởi đầu của thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa Thám trên miền Yên Thế…

Làng Trũng giờ có tên làng Quang Châu, xã Ngọc Châu, khu di tích danh nhân Hoàng Hoa Thám chính tại nơi này, với hệ thống Đền thờ, chùa, phần mộ thân tộc Hoàng Hoa Thám và nền nhà nơi ông ở từ lúc lên 5 đến năm 16 tuổi. Ông Vũ Đình Thấu – Trưởng ban MT thôn và là người trông coi đền cho biết: Ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám được xây dựng vào năm 2004, còn trước đó nó ở lui phía sau gần chùa Trũng. Đền thờ có hướng đông nam, kết cấu ba gian theo. Tại gian chính giữa bài trí một pho tượng Hoàng Hoa Thám được đúc bằng đồng cao 150cm, bên tường hồi trái treo một bức tranh của gia đình cụ Đề Thám và các con tại đồn Phồn Xương.

Trong đền, bài vị Hoàng Hoa Thám có nội dung: “Hoàng Hoa Thám đại tướng quân” đôi câu đối bằng chữ Nôm: “Sấm dậy Phồn Xương chí lớn anh hùng vang bốn biển; Mây trùm Yên Thế khí thiêng sông núi khắc ngàn thu”. Tại Bắc Giang đây là ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám duy nhất…

Ngược dòng thời gian, khi hai chú cháu phiêu dạt về làng Trũng, thay họ, đổi tên, chú là Hoàng Quát, cháu là Hoàng Thám. Dân làng Trũng vẫn nghĩ họ là hai bố con chứ không biết đó là hai chú cháu. Vì nhà nghèo nên ông Quát phải cho cháu vào làm con nuôi nhà ông Lý Tích trong làng, còn mình làm nghề thợ thêu kiếm sống. Để đời sau không lẫn lộn gốc tích của mình, ông Quát đã đặt ra bài vè mà dạy cho Thám. Bài vè như thế này:

Danh tiếng ngàn thu miền sơn cước, Anh hùng truyền thống ở họ Trương, Sơn Tây khởi nghĩa tung hoành, Ba đời vì nước tan tành biệt ly, Sa chân gặp lúc lâm nguy, Họ hàng tan nát còn gì nữa đâu!, Dấu nhà còn chút về sau, Họ Trương biến mất bảo nhau họ Đoàn, Có người lại cải họ Hoàng, Họ Trương ai biết họ Đoàn nào hay!Nước non vẫn nước non này, Trăm năm tạc dạ đợi ngày vinh quang, Bao giờ lên đến Bắc Giang, Họ Hoàng cùng với họ Đoàn là đây! Dấu nhà truyền thống còn dài, Long vân gặp hội thi tài kém ai!

Trong những lần đi chăn trâu nhà ông Lý Tích, đôi lúc cao hứng, Thám cũng ngâm nga bài vè. Thuở thiếu thời, cùng trong đám bạn chăn trâu, Thám đã nổi tiếng là người khỏe mạnh, mưu lược. Lúc chia phe ra đánh nhau, nhờ tài trí hơn người nên lúc nào phe Thám cũng thắng. Tiếng là con nuôi ông Lý Tích, nhưng thật ra Đề Thám chỉ là người đi ở đợ. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tại sân nhà ông Lý Tích, đêm nào cũng có thầy dạy võ để truyền nghề cho con cháu của ông, nhưng Thám lại không được theo học. Vốn khỏe mạnh và mê nghề võ nên Thám thường lén đứng nhìn và tập theo. Nhờ vậy, dần dần Thám cũng trở nên tinh thông võ nghệ. Quãng đời niên thiếu cho đến khi trưởng thành, Hoàng Hoa Thám đã gắn bó với làng Trũng và vùng Yên Thế.

Từ Làng Trũng, năm 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870- 1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh (tháng 3 năm 1884) thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh. Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang (1882 - 1888). Sau khi Cai Kinh mất, ông đứng dưới cờ của nghĩa quân Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám bắt Đề Sặt, trả thù cho Đề Nắm và từ đây ông trở thành thủ lĩnh tài ba, danh tiếng nhất của phong trào nông dân chống Pháp với biệt danh "Hùm xám Yên Thế" …

Đi thăm di tích danh nhân Hoàng Hoa Thám, các quan viên làng Quang Châu lần lượt giới thiệu từng điểm di tích. Đó là đình, chùa Trũng, cây đa trên trăm tuổi, nền nhà Hoàng Hoa Thám khi còn nhỏ và khu mộ phần thân tộc của ông. Cẩn thận hơn ông Thấu còn giở lại 2 bản sao sắc phong về ngôi đình của làng. Đình làng Trũng ban đầu ở Tân Châu (Trũng Ngoài), sau được di chuyển về Trũng Trong (Quang Châu), liền kề phía trước chùa Trũng. Đình xưa gồm toà tiền đình ba gian nối với hậu cung một gian tạo thành bố cục hình chữ “Đinh”. Theo 2 đạo sắc phong, một dưới thời vua Khải Định, một dưới thời Duy Tân cho biết Thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh thượng đẳng thần. Sau khi Hoàng Hoa Thám mất, để tỏ lòng thành kính và trân trọng đối với người anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã thờ ông tại đình cùng với Thành hoàng làng. Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Trũng bị xuống cấp và bị mất vào những năm 1985 nay chỉ còn nền móng ở trước chùa.

Chùa Trũng được xây dựng ở trên cùng dải đất với đình theo lối tiền Thần, hậu Phật. Chùa có hướng đông nam, quy mô không lớn gồm tòa tiền đường một gian, hai chái nối với toà thượng điện một gian tạo thành kiến trúc hình chữ “Đinh”. Bên trong bài trí các pho tượng Phật và một số đồ thờ tự khác như bát hương, mõ gỗ, đèn nến, chuông đồng…Qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tôn giáo của nhân dân địa phương. Sau khi Hoàng Hoa Thám mất, do đình Trũng bị hư hỏng, lại chưa có đền thờ nên nhân dân địa phương đã thờ ông trong chùa. Về điếm Trũng, theo các quan viên trong làng, xưa điếm được xây dựng khá đồ sộ, có sàn, cột gỗ lim. Thuở nhỏ, Hoàng Hoa Thám cùng một số trẻ chăn trâu trong làng thường ra điếm làng chơi đánh xu, đánh đáo, chơi trò đánh trận giả. Lớn lên Hoàng Hoa Thám và Đại Trận trở thành hai vị tướng giỏi, có mối quan hệ mật thiết. Sau khi Đại Trận và Hoàng Hoa Thám mất, nhân dân làng Trũng thờ hai ông ở điếm làng. Nay, nhân dân địa phương đã cho tạc chân dung của hai vị tướng, bên trái thờ tướng Đại Trận, bên phải thờ Hoàng Hoa Thám. Hàng tháng vào ngày rằm, mồng một, nhân dân địa phương vẫn ra điếm thắp hương tưởng nhớ công ơn của hai vị tướng tài giỏi năm xưa. Vào ngày hội đền Trũng mồng 5 tháng Giêng âm lịch, điếm Trũng mở cửa để khách thập phương đến thắp hương tưởng niệm…

Với Yên Thế, quyển 19 Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đã ghi: Đây là phủ thuộc tỉnh Bắc Giang ở phía Tây Bắc cách Hà Nội trên 50 cây số. Một mặt dựa vào dãy núi Cai Kinh và mặt khác lọt vào giữa thượng lưu sông Cầu và sông Thương – tạo nên thuận lợi cho việc cầm binh đánh giặc. Phần phía Bắc gọi là Yên Thế Thượng, có nhiều đồi, gò hiểm trở, cheo leo, hiểm lóc, có nơi  cao đến một trăm năm mươi thước. Phần phía Nam gọi là Yên Thế Hạ có nhiều ruộng đất làng mạc. Từ Yên Thế có đường giao thông đi đến nhiều tỉnh khác, thuận tiện cho việc đánh chiếm các tỉnh trung châu  Bắc Kỳ mà khi thất thế có thể rút sang biên giới. Từ ngàn xưa Yên Thế đã là vùng đất dụng võ của những tay giang hồ hảo hớn. Với cụ Hoàng, có duyên mới đến chốn này và chính vùng đất này đã nuôi dưỡng hun đúc và tạo điều kiện cho người thủ lĩnh tài ba tung hoành đánh giặc: “Ba mười năm khắp núi rừng; Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”. Người dân làng Trũng Ngọc Châu tự hào khi miền quê này đã góp phần không nhỏ trong đó.                                                                                      

                                                                                                                                       Châu Giang

Thứ sáu, 17 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 10,610
Total visited in day: 12,869
Total visited in Week: 55,385
Total visited in month: 153,100
Total visited in year: 862,425
Total visited: 2,280,929