Ao Chấn ký - Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên địa bàn huyện Tân Yên.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (huyện Yên Thế xưa nay là Tân Yên và Yên Thế) nổ ra năm 1884 kéo dài đến năm 1913. Thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm quê ở làng Gia, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế (nay là làng Gia Tiến, xã Tân Trung huyện Tân Yên), tiếp đó là Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa được phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở 4 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và huyện Tân Yên. Đó là những công trình kiến trúc cổ có liên quan đến hoạt động của nghĩa quân (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy liên hoàn của nghĩa quân, tiêu biểu. Tại những khu di tích này, ngoài những hiện vật liên quan tới sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng vốn có của di tích, còn có nhiều hiện vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa (405 hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa và hàng trăm hiện vật khác tại các di tích). Nhiều hiện vật trong số này hiện được bảo quản, trưng bày tại nhà truyền thống về cuộc khởi nghĩa tại Khu Phồn Xương, để góp phần vào công tác giáo dục truyền thống. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012). Hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với 23 di tích và điểm di tích, gồm 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Trong số này, tại huyện Tân Yên có 12 di tích và điểm di tích. 

 

Ao Chấn Ký- khúc ca anh hùng và bi tráng

về người anh hùng áo vải.

Ao Chấn Ký (còn gọi là ao ông Chấn Ký, hay ao Chợ) thuộc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên. Nhân dân trong vùng Nhã Nam gọi là ao ông Chấn Ký bởi đó là ao của nhà ông Hoa kiều có tên Chấn Ký - chủ một cửa hàng gạo ở chợ Nhã Nam. Di tích Ao Chấn Ký nằm liền kề ngã tư Nhã Nam. Đây là nơi thực dân Pháp và tay sai của chúng thả tro cốt của Đề Thám và thủ hạ của ông sau nhiều ngày bêu ở chợ Nhã Nam.

Vị trí khi xưa là ao Chấn Ký 

Sự kiện Đề Thám bị giết hại, đầu bêu ở chợ Nhã Nam rồi bị đốt thả tro cốt xuống Ao Chấn Ký là dấu mốc khép lại cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài ngót 30 năm. Theo tư liệu “Xung quanh cái chết của Đề Thám” của GS sử học Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Phan Quang đăng trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/209 tháng 3, 4 năm 1983 của Viện sử học, ƯBKHXH Việt Nam cho biết: “...Ngày 10/2/1913, ba tên Tsantaikỵ, Lysongwa (Lybancha) và Tsanfongsan đã giết hại Đề Thám ở rừng Yên Thế. Chiều ngày 15.12.1913, cả ba tên đã bị Trưởng lý bên cạnh Tòa án thượng thẩm Đông Dương là Michel chủ tọa lấy khẩu cung. Qua bản khẩu cung này chúng ta có thể kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: Ngày, tháng Đề Thám bị sát hại, lý lịch bọn tay sai thực hiện ảm sát Đề Thám. Vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết Đề Thám và kế hoạch thực hiện của chúng...”.
Ngoài tư liệu thành văn, câu chuyện dân gian về cái chết của người anh hùng Đề Thám vẫn được người dân trong vùng truyền khẩu như sau: Sau khi thực dân Pháp nhận được thủ cấp và hai cận vệ của ông, liền cho binh lính vào rừng khám xét hiện trường. Đồng thời cho giấy xuống các nơi gọi kỳ hào lý dịch và một số người biết Đề Thám về Nhã Nam nhận mặt. Trong thời gian đó, Pháp sai Quyền Môn - lính đồn Nhã Nam đem đầu ba thầy trò Đề Thám ra chậu rửa. Sau đặt đầu Đề Thám lên cái đĩa Tây to, bên cạnh đặt ba khẩu súng để chụp ảnh, rồi bêu trước cổng lớn của đồn binh rất nhiều ngày. Bútsê - Đại lý Nhã Nam cho gọi bà Cả Tảo là vợ cả Đề Thám ra nhận mặt nhưng bà không ra, chỉ ngồi ở Nhã Nam cùng các cháu khóc. Bútsê lại cho gọi bà Thân Thị Quynh (tức Tư Quynh) là vợ tư Đề Thám ra nhận mặt, bà Quynh không ra tận nơi chỉ đến bờ rào nhìn ra rồi nói: “Trông thì giống nhưng người làm sao lại phù mặt lên thế kia, hay bởi người ăn sương nằm gió mà sinh ra thế”. Nói xong bà quay về nhà, sau đó Pháp sai Quyền Môn đem ra chợ bêu.

Trong bài “Ao Chấn Ký với huyền thoại cuối cùng về Đề Thám” của tác giả Trần Văn Lạng in trong sách Di tích Bắc Giang (Bảo tàng Bắc Giang. 2001) có đoạn viết: “Bản trường ca đầy tính bi kịch về người anh hùng cứ vọng mãi từ trong lòng hồ nhỏ, nơi thăng trầm, chìm nổi của tâm thân anh hùng đầy gió bụi trường chinh. Từ đây bản trường ca cứ vọng mãi vào lòng người. Đất và nước mở ra đón người con yêu dấu trở về và lòng người dân Yên Thế cứ mãi thổn thức: Đề Thám không thể chết như thế được!”. Sự kiện về cái chết của Đề Thám năm 1913 đã làm chấn động cả một vùng rộng lớn.

Ao Chấn Ký là địa điểm mà trong ký ức của người dân Nhã Nam mãi không phai mờ. Khởi nghĩa Yên Thế là một cuộc đối đầu vũ trang đầy oanh liệt giữa những người nông dân yêu nước Việt Nam với thực dân Pháp tại vùng Yên Thế trong suốt 30 năm (1884-1913). Trên mảnh đất Bắc Giang đã có nhiều địa điểm di tích, làng xóm chứng kiến những sự kiện hào hùng của cuộc khởi nghĩa. Ao Chấn Ký là một trong những địa điểm như vậy.

CG

 

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,938
Tổng số trong ngày: 8,615
Tổng số trong tuần: 36,729
Tổng số trong tháng: 66,545
Tổng số trong năm: 775,870
Tổng số truy cập: 2,194,374