Tổng quan về huyện Tân Yên

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Ngày 6/11/1957, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 523/TTg chia huyện Yên Thế thành 2 huyện: Tân Yên và Yên Thế. Ngày 11/6/1999, huyện Tân Yên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Năm 2020 Tân Yên đã về đích huyện NTM.

Trung tâm huyện Tân Yên

Ngược dòng thời gian. Nước Văn Lang thời Hùng Vương chia làm 15 bộ, miền đất Tân Yên khi đó nằm trong Bộ Vũ Ninh, là miền đất có lịch sử lâu đời và phát triển liên tục, là địa bàn cư trú, làm ăn của người Việt cổ với những cổ vật ghi nhận dấu hiệu sinh tồn của con người thuộc sơ kỳ kim khí (thời kỳ đồ đồng với kỹ thuật chế tác đá và đạt tới đỉnh cao là cưa, mài tinh xảo, kết hợp với ghè, đập) và những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội dân gian, phong tục, trò chơi được nhân dân lưu giữ và truyền lại nhiều đời. Thế kỷ thứ X, khi đất nước đã tự chủ, dưới triều nhà Đinh, Tiền Lê vẫn giữ nguyên sự phân chia cương vực như dưới thời Đường. Đến thời nhà Lý (1009-1225), vùng đất Tân Yên - Yên Thế ngày nay chưa phải là một đơn vị hành chính riêng mà nằm trong đất Lạng Châu. Đến thời Trần (1225-1400), miền đất này có tên là Yên Viễn thuộc Như Nguyệt Giang lộ. Khi nhà Minh thống trị, lại đổi tên thành Thanh Yên, thuộc châu Lạng Giang. Thời Quang Thuận nhà Lê (1460-1469), Thanh Yên được gọi là Yên Thế, nằm trong phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn (triều Minh Mệnh 13 năm 1831) tiến hành cải cách hành chính cả nước, Yên Thế vẫn được giữ nguyên tên gọi và là một huyện thuộc phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (gồm 8 tổng 42 xã). Cuối thế kỷ 19, huyện Yên Thế có 10 tổng và giữ nguyên cho đến trước Cách mạng tháng 8/1945. Khi chia tách huyện Yên Thế thành 2 huyện mới, phần đất phía nam - huyện Tân Yên chiếm 8/10 tổng, đó là: Tổng Nhã Nam, Lan Giới, Mục Sơn, Tuy Lộc Sơn, Yên Lễ, Quế Nham, Ngọc Cục, Vân Cầu.

Huyện Tân Yên ngày nay nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, có tọa độ không gian từ 1060 - 106011’ kinh tuyến Đông; 21011’ - 21023’ vĩ độ Bắc. Phía Bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Yên Thế; phía Đông giáp huyện Lạng Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa; phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Diện tích tự nhiên là 208,34 km2, dân số hiện nay khoảng 180.000 người, chủ yếu là dân tộc Kinh, ngoài ra còn một bộ phận nhỏ người Tày, Nùng, Hoa, Cao Lan… sinh sống ở 317 thôn, tổ dân phố thuộc 22 xã, thị trấn: Thị trấn Nhã Nam, thị trấn Cao Thượng, Cao Xá, Ngọc Châu, Ngọc Vân, Việt Ngọc, Lam Cốt, Phúc Sơn, Đại Hóa, Quang Tiến, Lan Giới, Tân Trung, Liên Sơn, An Dương, Phúc Hòa, Hợp Đức, Ngọc Lý, Liên Chung, Việt Lập, Quế Nham, Song Vân, Ngọc Thiện.  

Huyện Tân Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm; 4 mùa rõ rệt: Mùa Đông có khí hậu khô, lạnh; mùa Hè khí hậu nóng, ẩm; mùa Xuân và mùa Thu khí hậu ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230-240 C; độ ẩm không khí dao động lớn từ 74% - 87%. Lư­ợng mư­a trung bình cả năm là1594 mm đủ đáp ứng nhu cầu n­ước cho sản xuất và đời sống. Lượng nắng trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700 giờ, thuận lợi cho canh tác, phát triển các cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.

Huyện Tân Yên có 20.830,63 ha đất tự nhiên. Trong đó Đất sản xuất nông nghiệp 13.112,65 ha; Đất lâm nghiệp có rừng 1.038,95 ha; Đất nuôi trồng thuỷ sản 1.603,09 ha; Đất ở đô thị 237,00; Đất ở nông thôn 1.587,19 ha còn lại là các loại đất khác. 

Trên địa bàn huyện, hệ thống sống ngòi khá phong phú:

+Sông Thương đoạn sông chảy qua Tân Yên dài 16 km qua xã Phúc Hoà, Hợp Đức, Liên Chung, Việt  Lập và Quế Nham, hình thành biên giới tự nhiên giữa huyện Tân Yên và huyện Lạng Giang.

+Sông Nhâm Ngao dài 36 km bắt đầu từ Lan Giới chảy qua các xã Đại Hoá, Quang Tiến, An Dương, Ngọc Châu, Ngọc Lý, Việt Lập, Liên Chung đổ ra sông Thương tại bến đò Mom xã Quế Nham.

Sông Nhâm Ngao đoạn chẩy qua xã Việt Lập. 

+ Ngòi Đa Mai: Bắt nguồn từ huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chảy qua Tân Yên dài 14,5 km tại các xã Việt Ngọc, Song Vân, Ngọc Vân, Ngọc Thiện, sau đó chảy sang huyện Việt Yên.

+ Ngòi Cầu Liềng: Bắt nguồn từ huyện Yên Thế chảy qua Tân Yên là 8 km tại các xã Tân Trung, Phúc Hoà, hợp với sông Sỏi rồi chảy ra sông Thương.

Nguồn nước phục vụ tưới cho sản xuất, cung cấp cho sinh hoạt và hệ thống tiêu úng trong huyện còn có:

+  Hệ thống kênh đào tự chảy thuộc Thuỷ nông Sông Cầu. Công trình này nằm trên địa bàn huyện gồm có:  Kênh Chính: Chiều dài 26,2 km, khả năng tưới 2.860 ha. Kênh Năm: Chiều dài 17,7 km, khả năng tưới 1.950 ha. Ngoài ra còn có hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm có trữ lượng khá lớn. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt.

Với đặc điểm địa hình đồi núi thấp, xen với đồng bằng, cao ở phía Tây Bắc thoải dần về Đông Nam với độ cao trung bình là 10 - 15 m so với mặt biển. Điểm cao nhất là Núi Đót 221,8m, thuộc xã Phúc Sơn nằm ở cực Tây, điểm thấp nhất là cánh đồng Chủ 1m ở xã Quế Nham. Tân Yên có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, nông, lâm nghiệp của huyện đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Với diện tích đất nông nghiệp trên 15.788,03 ha Tân Yên đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả được trồng theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP chủ yếu là vải sớm Tân Yên, Vú sữa Tân Yên, Ổi Tân Yên; vùng chuyên canh thủy sản, vùng lúa và rau mầu hàng hóa. Về chăn nuôi, tổng đàn gà, đàn lợn đứng hàng đầu trong tỉnh. Với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới vào sản xuất, do đó tốc độ tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển rất khả quan. Hiện nay Tân Yên đang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, những năm gần đây huyện Tân Yên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 cụm công nghiệp (CCN) đang đầu tư hạ tầng kinh doanh cụm công nghiệp (CCN Đồng Đình, CCN Lăng Cao), thu hút trên 8.500 lao động. Hiện nay (2022) huyện Tân Yên có 502 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, UBND huyện đã quy hoạch và được tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch 5 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Phúc Sơn 125ha,  Khu công nghiệp Thượng Lan- Ngọc Thiện 69ha (đất thuộc địa bàn xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên), Khu công nghiệp Quế Nham 200ha, Khu công nghiệp Ngọc Lý (140ha); Khu công nghiệp Ngọc Thiện 150ha và quy hoạch 08 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Đồng Đình (66,1ha), cụm công nghiệp Lăng Cao (48ha), cụm công nghiệp Kim Tràng (52ha), cụm công nghiệp Ngọc Châu (48ha), cụm công nghiệp Liên Sơn (40 ha), cụm công nghiệp Việt Ngọc (49ha), cụm công nghiệp Ngọc Vân (66ha) và cụm công nghiệp Minh Đức- Ngọc Lý (35ha). Ngoài còn quy hoạch khoảng 300ha đất sản xuất kinh doanh trải đều cho 22 xã, thị trấn, mỗi xã, thị trấn quy hoạch từ 1-2 điểm CN-DV để phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Trong các cụm công nghiệp đã có 11 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 630 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông của Tân Yên khá thuận tiện gồm: Đường bộ và đường sông. Trong đó, đường bộ có: Quốc lộ 17 qua Tân Yên chiều dài 17,5 km. Điểm đầu từ Quế Nham (km70+00) điểm cuối xã Tân Trung (km89+00). 4 tuyến đường tỉnh chạy qua với tổng chiều dài 48,1km: Gồm đường tỉnh ĐT 295, ĐT 298, ĐT 297, ĐT 294. huyện được đầu tư mở mới tuyến đường 398B, 294B, nâng cấp tuyến đường 294C và tuyến đường Vành đai 5 Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện. Tuyến đường cấp huyện, một tuyến Việt Tiến - Song Vân dài 6,4km do cấp tỉnh quản lý. 5 tuyến đường huyện dài 42,29 km, đã cứng hóa 100% trong đó 3 km đường bê tông nhựa, 24,89 km đường láng nhựa, 14,4 km đường bê tông xi măng. Đường trục xã, liên xã tổng chiều dài 179,49km. Đường trục thôn tổng chiều dài 538,07km đều đã cứng hoá. Đường thủy có  sông Thương qua địa bàn 16km.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet  tốc độ cao đảm bảo cho việc liên lạc và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Tân Yên có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có năng lực. Lao động qua đào tạo chiếm trên 72% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tân Yên hiện có  4 Trường THPT, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp GDTX, 74 trường mầm non, tiểu học và THCS, 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khu đô thị An Huy - Cao Thượng

Là vùng đất cổ, Tân Yên có vốn di sản văn hóa dân gian phong phú. Toàn huyện có trên 340 di tích. Trong đó 96 di tích được các cấp có thẩm quyền ra quyết định xếp hạng. Gồm 12 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt - Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Trong đó Đình chùa Hả xã Tân Trung là điểm khởi phát, nơi Thủ lĩnh Lương Văn Nắm làm lễ tế cờ phát động cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913),  5 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 76 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. 01 di sản văn hóa phi vật thể (Lễ hội Đình Vồng - Song Vân) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều phong tục cổ còn được lữu giữ, như: Tục Gọi gạo Phúc Hòa, Hát ví Liên Chung, nói Khuếch Hòa Làng xã Phúc Hòa, Dương Sơn xã Liên Sơn, Chợ Âm dương Cao Thượng... Bên cạnh vốn văn hóa dân gian, Tân Yên còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, như: Khu Du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành. Khu du lịch Tâm llinh sinh thái Núi Đót, Đồi Văn hóa kháng chiến –đây là điều kiện thuận lợi để Tân Yên phát triển du lịch.

BBT

 

 

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,360
Tổng số trong ngày: 701
Tổng số trong tuần: 44,907
Tổng số trong tháng: 74,723
Tổng số trong năm: 784,048
Tổng số truy cập: 2,202,552