Về Liên Chung nghe hát ví, ví ống.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trong một Hội diễn tại NVH huyện, dàn diễn viên không chuyên của xã Liên Chung đưa đến 1 tiết mục khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú bởi một lối hát nghe vừa quen vừa lạ. Quen vì nó rất dân giã. Lạ vì đã rất lâu rồi mới lại được nghe: Hát ví.  

Bà Nguyễn Thị Khéo - một trong những nghệ nhân tiêu biểu của CLB hát ống, hát ví Liên Chung. Rất cởi mở, thân mật bà Khéo cho biết: Tôi vốn học hết lớp 7 rồi ở nhà tham gia thanh niên, làm xã viên HTX, khi đó hát ống, hát ví vẫn còn thịnh. Do có chút năng khiếu về văn nghệ nên khi đang học phổ thông bà Khéo luôn được chúng bạn bầu làm Quản ca, khi về tham gia lao động sản xuất bà là hạt nhân văn nghệ của làng xã. Thanh niên ngày đó hay hát ví, hát ống nên bà Khéo trở thành một trong những cây ví, cây ống không thể thiếu được. Cũng rất tự nhiên, từ câu chuyện kể, bà Khéo ngân nga: Mùa xuân trảy hội Đền Dành, Gặp nhau xa lạ trở thành thân quen, Hội Dành mười chín tháng giêng, Tiếng đồn nức nở, linh thiêng khắp vùng, Nhiều cô đến khấn được chồng, Nhiều chị đến khấn được hồng trên tay, Núi Dành đây cảnh tuyệt vời, Rừng xanh bát ngát núi đồi thông reo…

Hát ống (hay còn gọi ví ống) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, ra đời và tồn tại từ mấy trăm năm trước. Chưa có sổ sách ghi chép lại cụ thể thời điểm khởi phát nhưng hát ống luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân Liên Chung và trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo.

Ở làng Hậu, xã Liên Chung những người tầm tuổi 60 trở lên còn nhiều người  biết hát ví, và từng hát ví như bà Khéo. Hát ví thực chất đây là lối hát đối đáp, giao duyên, gặp mặt… tuỳ vào hoàn cảnh và tâm trạng mà những lời ca có thể được cất lên ngay trong lúc lao động, nghỉ ngơi hay những đêm gió mát trăng thanh của các cặp nam nữ trong làng. Hát ống về hình thức vẫn là hát ví, còn gọi là ví ống. Hai bên hát có sử dụng dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7 - 10 cm, dài chừng 15 - 20 cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 - 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người bên kia sẽ nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ. Đã có nhiều mối nhân duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy.

“Phải lòng nói trước làm ghi

Làng em làng Hậu, nhà thì ngõ Trong

Nếu ai đã hỏi thật lòng

Thời em chẳng giấu kẻo lòng hoài nghi

Bờ đê đường cũng dễ đi

……….

“Hôm qua em đi lễ chùa

Nên không trẩy hội xin thưa với chàng

Hôm nay giữa hội đình làng

Ống ta cùng hát kẻo chàng nhớ thương….”

Được sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn huyện, tháng 4 năm 2012 Lien Chung đã thành lập CLB hát ống, hát ví với trên 30 thành viên. Trong tiến trình khôi phục lại làn điệu hát ống, hát ví, Liên Chung thu thập những lời ca lời hát cổ và biên soạn những lời hát mới để đóng thành quyển, sau đó giới thiệu cho các em học sinh trong hoạt động ngoại khóa. Riêng với bà Khéo hiện cũng đã sưu tầm được vài chục bài  hát ví lời hát cổ sau đó phổ biến trong thành viên CLB và đang chắp bút sáng tác bài lời mới. Ngoài nội dung hình thức hát khi khách đến chơi nhà, hay những tiệc vui để mời nhau xơi trầu, uống nước, mời rượu, mời cơm, hát ví còn được đưa vào sử dụng trong giao tiếp với khách xa gần để làm quen, kết bạn và ca ngợi giới thiệu về danh lam thắng cảnh núi Dành, các lễ hội làng hay ca ngợi về các ngày truyền thống khác và cũng có thể sáng tác lời mới phục vụ cho việc tuyên truyền khác khi địa phương có nhu cầu. Từ ngày có CLB hát ví, hát ống, bà Khéo vừa là thành viên tham gia biểu diễn, vừa là người đứng ra tổ chức các lớp dạy hát cho những người, đặc biệt là lớp trẻ.

Hỡi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu với anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn… Theo những người yêu làn điệu hát ví Liên Chung, những câu ca lời hát ví còn tồn tại đến ngày nay một phần được bảo lưu qua những câu ca, lời ru của bà, của mẹ, qua những câu chuyện bên mái đình, luỹ tre hay trên đồng ruộng. Từng có một thời hát ví rất phổ biến ở nhieuf địa phương trong huyện Tân Yên. Đồ rằng Cả Trọng – con trai Hoàng Hoa Thám cũng rất giỏi hát ví và Nhã Nam khi đó hát ví cũng rất phát triển. Vật đổi sao dời, giờ hát ví chỉ còn lại và là vốn quí ở xã Liên Chung. Trong Đề án xây dựng Khu du lịch sinh thái và tâm linh núi Dành của huyện Tân Yên, vốn hát ví, hát ống được những người làm công tác chuyên môn coi trọng và coi đó là phần không thể thiếu.

CG

 

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,327
Tổng số trong ngày: 714
Tổng số trong tuần: 44,920
Tổng số trong tháng: 74,736
Tổng số trong năm: 784,061
Tổng số truy cập: 2,202,565